Là một nhà khoa học trẻ với hướng đi nghiên cứu chuyên sâu về ứng dụng vật liệu MOF trong y sinh nhằm ngăn chặn và ức chế tế bào ung thư, TS Đoàn Lê Hoàng Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử ĐHQG TPHCM) vừa được bầu chọn là một trong 10 “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020” ở lĩnh vực nghiên cứu - sáng tạo.
Người tiên phong tìm kiếm giải pháp đánh chặn căn bệnh ung thư
TS Đoàn Lê Hoàng Tân (sinh năm 1987) được vinh danh ở lĩnh vực nghiên cứu - sáng tạo vì có những đóng góp xuất sắc trong nghiên cứu với hơn 30 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí và kỷ yếu quốc tế; trong đó, 28 công bố thuộc Q1 (Top 25% tạp chí khoa học hàng đầu thế giới).
Bên cạnh đó, anh còn là tác giả và đồng tác giả 3 chương sách chuyên khảo nước ngoài; chủ nhiệm 1 đề tài cấp bộ đã nghiệm thu, chủ nhiệm 1 đề tài cấp Nhà nước đang triển khai.
Cụ thể, 3 chương sách mà TS Tân là tác giả và đồng tác giả nằm trong hai cuốn sách cùng thuộc NXB Elsevier (Hà Lan) với các nội dung chính: Tổng hợp các nghiên cứu trên vật liệu nano silica xốp ứng dụng trong điều trị trúng đích và ức chế khối u ung thư trong mô hình chuột; giới thiệu vật liệu nano mới có khả năng phân hủy sinh học được ứng dụng làm chất dẫn truyền dược chất kháng ung thư và áp dụng mô hình nghiên cứu ung thư trên trứng gà con; giới thiệu các quy trình tổng hợp hợp chất hữu cơ trong điều kiện chiếu xạ vi sóng và không dung môi.
Hai hướng nghiên cứu chính của TS Tân là hóa hữu cơ và ứng dụng vật liệu MOF trong y sinh. Theo TS Tân, trong tự nhiên có rất nhiều dược chất kháng ung thư nhưng các dược chất này không tan được trong nước nên không đến được tế bào ung thư. Vì vậy, nghiên cứu của anh và các cộng sự thực hiện nhằm thiết kế vật liệu nano có tính tương thích sinh học, phân hủy sinh học và có khả năng mang dược chất trúng mục tiêu vào tế bào ung thư để trị bệnh.
Nói sâu về hướng đi của mình, TS Tân cho biết công trình nghiên cứu của anh cùng nhóm nghiên cứu tập trung vào thiết kế, phát triển, tổng hợp vật liệu xốp “thông minh” mới có khả năng phân hủy sinh học và dẫn truyền dược chất trúng đích, ứng dụng trong điều trị ung thư với các mục tiêu: Mang nhiều loại dược chất kháng ung thư khác nhau, đặc biệt là các dược chất có độ tan trong nước kém; dẫn truyền dược chất kháng ung thư trúng đích đến khối u (tế bào ung thư) với độ chọn lọc cao nhằm tăng khả năng điều trị của dược chất và giảm thiểu tối đa tác dụng phụ của dược chất lên tế bào lành lẫn nội quan của bệnh nhân.
Đồng thời, có thể điều khiển quá trình giải phóng dược chất để tối ưu hóa lượng dược chất trong quá trình điều trị; có khả năng phân hủy sinh học để vật liệu bị đào thải dễ dàng khỏi cơ thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Xây dựng một cộng đồng nghiên cứu xuyên biên giới
Tốt nghiệp cử nhân tại Khoa Hóa học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TPHCM) chuyên ngành hóa hữu cơ, sau đó lấy bằng tiến sĩ vật liệu cấu trúc nano và phân tử thuộc chương trình hợp tác giữa ĐHQG TPHCM và Đại học California Los Angeles (UCLA), hơn ai hết TS Đoàn Lê Hoàng Tân hiểu được giá trị và tầm quan trọng của môi trường nghiên cứu và tính liên kết trong hoạt động nghiên cứu khoa học.
Vì vậy, ngay từ khi còn là nghiên cứu sinh, cũng như trở thành nhà khoa học, anh luôn tìm kiếm cơ hội hợp tác cho chính mình, sinh viên và đồng nghiệp. Nhiều năm qua, ngoài công tác nghiên cứu khoa học, TS Tân còn đảm nhiệm vai trò kết nối hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học trong ĐHQG TPHCM với các giáo sư hàng đầu thế giới để mở rộng không gian và điều kiện nghiên cứu cho sinh viên và đồng nghiệp của mình.
Với quan điểm sự học hỏi và thích ứng sẽ cho sinh viên người làm nghiên cứu khoa học có thêm nhiều giải pháp, nhiều năm qua TS Tân đã và đang triển khai kết nối, hợp tác nghiên cứu với các giáo sư hàng đầu thế giới trong cùng lĩnh vực từ các trường danh tiếng như ĐH Berkerley và ĐH Los Angeles, California (Hoa Kỳ), ĐH Kyoto và ĐH Tohoku (Nhật Bản), ĐH Quốc gia Đài Loan (Đài Loan), ĐH Inha và ĐH Quốc gia Pusan (Hàn Quốc) nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu của mình, kết nối hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học trong ĐH Quốc gia TP.HCM với các giáo sư trên thế giới. Kết quả hợp tác nghiên cứu là 15 công bố quốc tế thuộc ISI-Q1 với vai trò đồng tác giả chính.
TS Tân còn tham gia phản biện khoa học cho các tạp chí quốc tế uy tín thuộc ISI. Để tham gia phản biện khoa học, TS Tân là tác giả liên hệ trong nhiều công trình đăng trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín (thuộc danh mục ISI-Q1). Bên cạnh đó, anh còn tổ chức và tham gia hướng dẫn các lớp tập huấn kỹ năng nghiên cứu khoa học, trình bày bản thảo khoa học và viết báo cáo khoa học cho cán bộ nghiên cứu trẻ.
Chia sẻ về hướng đi sắp tới của mình và cộng sự, TS Tân cho biết anh cùng các đối tác trong nước (Khoa Y – ĐHQG TPHCM; Khoa Hóa học - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM) và nước ngoài (ĐH Kyoto - Nhật Bản; ĐH California-Los Angeles, Hoa Kỳ) sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng hướng nghiên cứu trên nền tảng hệ vật liệu nano phân hủy sinh học mang các dược chất kháng ung thư có nguồn gốc từ thiên nhiên, đặc biệt là các cây thuốc ở Việt Nam.
Trong tương lai xa hơn, anh theo đuổi hướng mở rộng ứng dụng của vật liệu xốp, đặc biệt là các hướng ứng dụng phục vụ cộng đồng.