Tiền lẻ và luật giao thông

GD&TĐ - Sau sự cố ở BOT Cai Lậy – Tiền Giang giờ đến lượt BOT Biên Hòa cũng gặp phải rắc rối tương tự. Cánh tài xế gián tiếp phản đối trạm BOT này bằng cách trả tiền lẻ, gây khó cho nhân viên thu phí và hệ quả là ùn tắc giao thông nghiêm trọng.

Tài xế dùng tiền xu để mua phí qua BOT tuyến tránh Biên Hòa. Ảnh Vietnamnet
Tài xế dùng tiền xu để mua phí qua BOT tuyến tránh Biên Hòa. Ảnh Vietnamnet

Hình như để răn đe, Công an huyện Trảng Bom – Đồng Nai gửi giấy mời một số tài xế lên làm việc vì cái tội…dùng tiền lẻ qua BOT. Như thế, theo logic thông thường những bác tài này đã làm một điều gì đó “có dấu hiệu sai trái”. Bởi vì tâm lý người Việt, một khi được mời lên công an là phải có “vấn đề” nào đó hệ trọng.

BOT đã xuất hiện ở Việt Nam khá lâu nhưng chỉ nổi lên những chuyện ồn ào mấy năm nay, chung quy lại cũng vì mức phí cao mà chất lượng công trình chưa tương ứng. Sau những sự việc bị khui ra khiến người ta mường tượng có bóng dáng của “lợi ích nhóm” trong đầu tư BOT.

Phát biểu tại phiên họp thường kỳ Chính phủ chiều 30/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: “Kiên quyết không để vấn đề BOT tiếp tục gây bức xúc trong dư luận. Phải khắc phục sớm tình trạng 70 loại phí liên quan đến giao thông, chi phí vận tải, chi phí BOT quá cao, xử lý nghiêm vi phạm, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong thực hiện các dự án BOT”.

Cái cốt lõi sâu xa của mọi rối ren mang tên BOT là “lợi ích nhóm” ẩn náu trong đó. Cũng là BOT nhưng ở Thái Lan hay Hoa Kỳ người ta không xây BOT trên con đường cũ mà xây thêm một con đường song song với chất lượng tốt hơn, tức là người dân có quyền lựa chọn, muốn đi nhanh, an toàn thì bỏ tiền đóng phí, còn không có thể chấp nhận sử dụng con đường cũ. Như thế muôn đời không xảy ra cự cãi, phản đối.

Còn chúng ta,chỉ cải tạo lại mặt đường cũng đặt trạm BOT, khóa tất cả con đường tắt để đặt trạm BOT, tính toán mưu mẹo đặt trạm BOT theo kiểu “bắt chạch trong chum”…cho nên không dùng BOT chỉ có nước đóng cửa không đi ra ngoài. Quá trình đấu thầu BOT cũng là công đoạn “ít người biết” nên đã triệt tiêu gần hết khả năng cạnh tranh về chất lượng công trình.

Với trình độ hiểu luật của một người dân bình thường cũng cảm nhận được rằng dùng tiền lẻ qua trạm BOT hoàn toàn không phạm luật. Đồng Việt Nam có mệnh giá từ 100 đồng đến 500 nghìn đồng đều có giá trị lưu thông, không có tiền chẵn phải dùng tiền lẻ là hành vi chính đáng không có gì sai trái pháp luật? Vậy tại sao dùng tiền lẻ qua BOT lại bị công an mời làm việc, còn dùng tiền lẻ đi siêu thị, đi mua sắm, đi nộp phạt…lại không sao?.

Giấy mời tài xế đến làm việc vì qua trạm BOT Biên Hòa.

Có phải chỉ vì dùng tiền lẻ gây ùn tắc giao thông? Vậy thì các nhà quản lý phải nghiên cứu xem dùng một hành động hợp pháp VÔ  TÌNH gây ra một hành động phi pháp thì có phạm luật hay không!?

Thay vì “mời” “gọi” và có thái độ “bất bình thường” với cánh tài xế thanh toán phí BOT bằng tiền lẻ thì hãy nên xem xét lại cách đầu tư BOT như thế đã hợp lý hay chưa, đi tìm nguồn cơn nảy sinh tâm lý phản kháng để giải quyết chứ không nên làm cho người dân nghi ngờ cơ quan chức năng giống như cánh tay nối dài của BOT!

Giấy mời tài xế đến làm việc vì qua trạm BOT Biên Hòa.

Bản thân BOT là phương thức xã hội hóa tốt nhất mà các nhà quản lý nghĩ ra để huy động nguồn vốn xây dựng đất nước. Cho nên không phải bỏ BOT mà là bỏ cái cách sử dụng BOT của “nhóm lợi ích”. Đến sau này cơ sở hạ tầng hoàn thiện cũng cần có BOT (đầu tư song song như Mỹ, Thái Lan) để người dân được hưởng điều kiện đi lại tốt nhất có thể.

Cho nên, xả trạm hay dời trạm chỉ là giải pháp tình thế, cách tốt nhất là tính toán lại mức phí, khoảng cách các trạm, chất lượng công trình và dẹp nạn “lợi ích” nhóm trong BOT. Cách giải quyết này chắc chắn ai cũng biết, nhưng vấn đề là thực hiện hay không thôi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ