‘Tiền hót’ tái hiện những bức tranh tuyệt đẹp của cố họa sĩ Trần Trung Tín

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Những bức tranh tuyệt đẹp của cố họa sĩ Trần Trung Tín tái xuất trong triển lãm mang tên 'Tiếng hót'. 

‘Tiền hót’ tái hiện những bức tranh tuyệt đẹp của cố họa sĩ Trần Trung Tín

Họa sĩ Trần Trung Tín (1933 - 2008) quê Bến Tre, tham gia kháng chiến chống Pháp khi mới 12 tuổi. Dù chiến tranh hay trong cuộc sống đầy nghiệt ngã, sự mạnh mẽ về màu sắc và tự do trong đường nét khiến tranh của Trần Trung Tín luôn sáng rỡ lạc quan.

Họa sĩ không trường lớp

Chân dung cố họa sĩ Trần Trung Tín.

Chân dung cố họa sĩ Trần Trung Tín.

Sau 10 năm với triển lãm “Bi kịch lạc quan”, ngày 20/10 tại không gian của Manzi Exhibition Space (Hà Nội), những bức tranh tuyệt đẹp của cố họa sĩ Trần Trung Tín tái xuất trong triển lãm mang tên “Tiếng hót”.

Họa sĩ Trần Trung Tín (1933 - 2008) quê Bến Tre, tham gia kháng chiến chống Pháp khi mới 12 tuổi. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc và được tuyển thẳng vào trường Điện ảnh Việt Nam khóa đầu tiên, trở thành diễn viên - phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam, và phó đạo diễn điện ảnh.

Khi chiến tranh chống Mỹ bùng nổ, ông tìm cách biểu đạt nỗi đau thương cùng sự bền bỉ của dân tộc trong chiến tranh. Từ năm 1969 tới 1975, ông vẽ hàng trăm bức màu dầu trên giấy báo, sau 1975 ông về Sài Gòn, sống cuộc đời họa sĩ và thực hiện nhiều bức vẽ trên giấy ảnh.

Ông đến với hội họa bởi những xô đẩy từ nỗi thất vọng và bi kịch, giữa tình cảnh bế tắc trong cuộc sống. Cú bẻ ngoặt của số phận ấy đã gắn hội họa vào gần cả cuộc đời Trần Trung Tín, cũng khiến ông trở thành một thứ ánh sáng dị thường bậc nhất của hội họa Việt Nam.

Có lẽ từ những hoang mang, một sức mạnh mới đã bừng nở. Người ta thấy trong hội họa của Trần Trung Tín có điều gì đó đang sụp đổ, nhưng từ đống tro tàn điều gì khác lại được xây lên thật thuần khiết và chân thật.

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng nhận định rằng, Trần Trung Tín chưa hề bước qua trường lớp mỹ thuật, nhưng đó không phải điều quan trọng. Ông sáng tác bằng bản năng, ban đầu hội họa chỉ là một phương tiện tỏ lộ những ưu tư triết lý, các cảm thức mang tính thơ ca.

Nhưng độc đáo là Trần Trung Tín đã không sa vào lối minh họa giản đơn. Vẽ theo “cảm, nghĩ”, và bằng “thiên tư” ông đã tạo ra một thế giới hình hiệu rất riêng, vừa mang đậm màu sắc duy lý vừa hết sức trữ tình.

Năm 2013, triển lãm đầu tiên của Trần Trung Tín tại Hà Nội có tên “Bi kịch lạc quan”, tên triển lãm cũng là tên của bức tranh đầu tiên ông bán. Bức tranh được vẽ trong lần đoàn chiếu phim của Nga sang chiếu, Trần Trung Tín và các bạn trường điện ảnh đi xem rồi về cắt tóc ba phân kiểu Othello.

“Bi kịch lạc quan” được vẽ như một chân dung tự họa, thể hiện những quan điểm của ông về việc đi xem phim, thưởng thức nghệ thuật cũng như chút lạc quan trong cuộc sống khốn khó thời đó.

Cũng bởi chưa từng học qua bất kỳ trường lớp mỹ thuật nào nên không ít người cho rằng tranh của Trần Trung Tín không phải hội họa. Tuy nhiên, cũng rất nhiều người khẳng định ông là họa sĩ lớn, thậm chí được coi là họa sĩ biểu hiện lớn nhất Việt Nam - khi thị trường châu Âu sưu tập tranh ông, mua với mức giá khoảng 8.000 USD mỗi bức.

Dường như đã đi xa hơn thế hệ của mình, đã tìm ra được một ngôn ngữ thị giác riêng nên tác phẩm của Trần Trung Tín được nhà nghiên cứu mỹ thuật đương đại Sherry Buchnan khảo nghiệm và thực hiện một cuốn sách xuất bản năm 2002 với nhận định “cấp tiến so với hội họa Việt Nam những năm 1960 và 1970”.

Người vẽ “màu trời cho”

Tranh của Trần Trung Tín được cố danh họa Bùi Xuân Phái từng nhận xét là 'màu trời cho'.

Tranh của Trần Trung Tín được cố danh họa Bùi Xuân Phái từng nhận xét là 'màu trời cho'.

Tròn 10 năm sau “Bi kịch lạc quan” thì “Tiếng hót” trở lại. Điều này giống như sự trở về Hà Nội – một thành phố ông đã “hơn một lần thương yêu” (lời Trần Trung Tín trong bức điện tín gửi Xưởng phim truyện Việt Nam 1975), bởi hầu hết các tác phẩm trưng bày lần này đều được sáng tác trong khoảng thời gian 1969 - 1973 khi ông quyết bám trụ lại thành phố thay vì đi sơ tán.

Đây cũng là lần đầu, loạt tranh trừu tượng đầy tính thể nghiệm của Trần Trung Tín được giới thiệu tới công chúng Hà Nội. Loạt tranh này thuộc giai đoạn sáng tác đầu tiên của ông, ra đời bên ngọn đèn dầu trong tầng hầm căn nhà cổ, giữa những đợt mưa bom bão đạn.

Khác với loạt tranh phỏng thực trên giấy báo đã gây tiếng vang lớn và khiến tên tuổi Trần Trung Tín vụt sáng, trong đó những hình tượng cụ thể, giàu ẩn dụ như thiếu nữ, súng, hoa, con chim… kể lại một hiện thực chấn thương tâm lý thời hậu chiến. Loạt tranh trừu tượng của Trần Trung Tín trong thập niên 70 dường như có một tinh thần ấm áp và phong phú hơn.

Trong cái nghiệt ngã của chiến tranh, với sự mạnh mẽ về màu sắc và tự do trong đường nét, tranh của Trần Trung Tín vẫn sáng rỡ lạc quan đến kỳ lạ. Chính việc dùng màu, bố cục… không theo nguyên tắc hay lý thuyết hội họa nào đã tạo nên sự độc đáo trong tranh ông.

Bởi thế, cố danh họa Bùi Xuân Phái từng nhận định “Màu của Tín là màu trời cho”. Những tạo hình trong tranh ông tưởng chừng ngô nghê, vụng dại mà chứa đựng nhiều ý nghĩa, liên tưởng và đầy tính nhân văn.

Ngoài các tác phẩm trừu tượng, triển lãm lần này cũng giới thiệu loạt tranh phỏng thực được Trần Trung Tín sáng tác trong quãng thời gian 1972 - 1975 tại Hà Nội. Ở đây, với những tác phẩm: Em Hà Nội, Con mèo của tôi, Vệ nữ Cam, Đình Hà Nội… màu và nét được sử dụng một cách hoàn toàn nguyên sơ, như kể lại nỗi buồn và sự cô đơn theo cách thật dịu dàng.

Cho đến nay, công chúng xem tranh của Trần Trung Tín vẫn không thể thoát khỏi tranh cãi. Ai coi trọng tính bài bản hàn lâm thì sẽ khó yêu được tranh Trần Trung Tín, ngược lại nếu giản đơn hóa mọi thứ, coi nghệ thuật chỉ là phương tiện cảm xúc thì hẳn sẽ rất ám ảnh – bởi tiếng hót không chỉ để nghe mà còn có thể xem được.

“Cố họa sĩ Trần Trung Tín có triển lãm cá nhân đầu tiên tại Bảo tàng Nghệ thuật Singapore vào năm 2001. Ông cũng là họa sĩ Việt Nam đầu tiên được mời tham dự triển lãm tại Bảo tàng Anh Quốc tại London năm 2002. Ngoài ra, tác phẩm của ông còn tham gia nhiều triển lãm quốc tế tại Mỹ, Pháp, Anh, Thái Lan, Singapore, Nhật… Năm 2013, 5 năm sau ngày mất, vợ ông – bà Huỳnh Nga đã tổ chức một triển lãm cá nhân cho ông tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ