Tiền Giang: Tập trung hỗ trợ học sinh hoàn cảnh khó khăn học trực tuyến

GD&TĐ - Để hỗ trợ HS hoàn cảnh khó khăn học trực tuyến, tỉnh Tiền Giang tăng cường công tác vận động. Sự chung tay của các cấp, ngành và đơn vị đã hỗ trợ hàng ngàn HS học trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid-19.

Trường THCS-THPT Ngô Văn Nhạc, huyện Cái Bè (Tiền Giang) trao thiết bị học trực tuyến cho HS hoàn cảnh khó khăn.
Trường THCS-THPT Ngô Văn Nhạc, huyện Cái Bè (Tiền Giang) trao thiết bị học trực tuyến cho HS hoàn cảnh khó khăn.

Chung tay giúp HS học trực tuyến

Theo thống kê của tỉnh Tiền Giang, số học sinh cần hỗ trợ thiết bị học trực tuyến là hơn 68.000 (chiếm khoảng 30,5% số học sinh đang học trực tuyến). Tỉnh đã vận động mạnh thường quân tặng, hỗ trợ các thiết bị học trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ đó mà các em học sinh yên tâm học trực tuyến. 

Bước vào năm học 2021 - 2022, Trường THPT Phạm Thành Trung, huyện Cái Bè có 8 học sinh hoàn cảnh khó khăn, gặp khó khi học trực tuyến. Sau khi tìm hiểu hoàn cảnh học sinh, nhà trường tiến hành vận động các mạnh thường quân hỗ trợ máy tính bảng cho các em.

Theo thầy Lại Thành Nhân, Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Thành Trung, bước đầu qua vận động, nhà trường đã tiếp nhận được 10 máy tính bảng. Trường đã tiến hành trao các máy tính cho học sinh. Sau khi  các khối 10, 11 nhập học, nhà trường sẽ tiếp tục rà soát và sẽ có những giải pháp để hỗ trợ các em có phương tiện học tập trực tuyến.

Theo thầy Nhân, sau hơn một tuần học trực tuyến, dù còn nhiều khó khăn thế nhưng hoạt động dạy và học của nhà trường đã đi vào nền nếp ổn định. Trường quyết tâm không để học sinh nào phải thiệt thòi vì điều kiện khó khăn trong việc học trực tuyến.

Cùng với học sinh khối 9 và 12, các lớp còn lại ở các bậc học trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng đã bước vào đợt học trực tuyến. Do số lượng truy cập khá lớn (trên 200.000 học sinh) nên đã xảy ra việc báo lỗi hệ thống của các phần mềm. Trước tình trạng trên, các trường đã báo cáo với lãnh đạo ngành Giáo dục, các đơn vị viễn thông, đã khắc phục sự cố tạm thời; một số trường đã linh hoạt chuyển đổi qua sử dụng phần mềm khác để buổi học đầu tiên có thể bắt đầu.

Cô, trò tỉnh Tiền Giang trong giờ học trực tuyến.
Cô, trò tỉnh Tiền Giang trong giờ học trực tuyến.

Không để HS bị bỏ lại phía sau

Sở GD&ĐT Tiền Giang đang phát động triển khai chương trình “Máy tính cho em” và chương trình “Sóng và máy tính cho em” nhằm quyên góp, ủng hộ học sinh khó khăn. Hiện tại, toàn tỉnh Tiền Giang có 191 trường tiểu học với khoảng 137 nghìn học sinh, 124 trường THCS với khoảng 83 nghìn học sinh và 38 trường THPT với khoảng 46 nghìn học sinh đã bước vào năm học mới với hình thức học trực tuyến.

Tỉnh Tiền Giang đang đẩy mạnh công tác xã hội hóa để kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng ngành Giáo dục hỗ trợ các giải pháp, phần mềm dạy và học trực tuyến. Chung tay hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn khi tiếp cận với hình thức học tập trực tuyến. Đến ngày 13/9 lãnh đạo tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân đã quan tâm hỗ trợ cho các em học sinh nhân dịp đầu năm học mới.

Theo đó, UBND tỉnh tặng 640 triệu đồng học bổng cho học sinh hoàn cảnh khó khăn. Vận động tặng trên 1000 bộ SGK cho học sinh thuộc diện hộ nghèo. VNPT, Mobifone và Viettel Tiền Giang đã tặng 6.000 bộ giải mã kết nối MyTivi, 15.000 sim 4G, 350 triệu đồng học bổng cho học sinh. Các doanh nghiệp cũng đã cung cấp miễn phí các giải pháp dạy và học trực tuyến trên hệ thống VNPT Elearning, mSchool... Tổng kinh phí khoảng 7, 6 tỉ đồng.

Theo ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, để đáp ứng yêu cầu dạy và học trực tuyến, đòi hỏi các trường tùy vào điều kiện mà có các giải pháp sao cho phù hợp và hiệu quả. Trong giảng dạy trực tuyến, các trường phải rất linh hoạt từ việc sắp xếp thời khóa biểu, đến xây dựng các chủ đề bài học, không gây áp lực nặng nề cho cả giáo viên và học sinh. 

Tất cả chung sức vượt khó, hỗ trợ tối đa cho học sinh, bảo đảm mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau” và tự tin bước vào năm học mới, không để những khó khăn của dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng dạy học là quyết tâm của các trường học trên địa bàn tỉnh Tiền Giang…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.