Theo đó, tại nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, nhất là các trường tiểu học, giáo viên phải chia nhau trực trường (kể cả ban đêm).
Điều khiến nhiều giáo viên và lãnh đạo trường bức xúc là phải trực trường như vậy nhưng họ không được hưởng bất kỳ khoản thù lao nào.
Trước đây, vào tháng 10/2018, Báo GD&TĐ cũng nhận được phản ánh của tập thể giáo viên huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) về việc giáo viên phải thay nhau trực trường kể cả ban đêm và các ngày nghỉ, ngày lễ. Không ai được trả tiền bồi dưỡng hoặc phụ cấp làm thêm giờ.
Theo phản ánh của một số giáo viên, ngoài trực đêm cả năm thì còn phải chia ca trực lễ, tết, 2 tháng nghỉ hè và cả những ngày thứ 7 và Chủ nhật. Các giáo viên ngày phải lên lớp, tối không những phải soạn bài, chấm bài còn phải luân phiên trực đêm ở trường mà không được hưởng bất kỳ phụ cấp nào.
Nếu sáng hôm sau có giờ giảng trên lớp, giáo viên lên lớp khá mệt mỏi và áp lực, ảnh hưởng đến chất lượng giờ dạy. Dù không được đào tạo bất cứ khóa học nào về công tác bảo vệ, không được trang bị công cụ hỗ trợ, nhưng giáo viên được yêu cầu trực đêm phải tuần tra, giám sát và cần thì báo cáo tình hình cho công an xã. Nếu có bất cứ mất mát gì thì cá nhân người trực phải hoàn toàn chịu trách nhiệm!
Theo ông Nguyễn Hồng Oanh - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang: Việc giáo viên trực trường đã được tỉnh Tiền Giang triển khai từ rất nhiều năm trước. Đặc biệt, trong những năm gần đây, tình hình an ninh trật tự phức tạp nên công tác đảm bảo an ninh trường học được thắt chặt.
Có thời gian các trường học trên địa bàn tỉnh liên tục bị trộm đột nhập lấy cắp máy vi tính, các thiết bị dạy học, thiết bị thí nghiệm, thực hành có giá trị. Trong khi đó công tác bố trí bảo vệ trường học hiện nay đang gặp nhiều khó khăn khi mỗi trường chỉ có 1 bảo vệ, không thể bắt buộc họ trực cả ngày đêm.
Khó nhất là lương bảo vệ rất thấp (hệ số lương 1,5 - khoảng 2 triệu đồng/tháng). Nếu muốn có thêm bảo vệ thì các trường phải tự thuê và lấy tiền từ nguồn chi hoạt động thường xuyên để trả lương.
Đối với các trường tiểu học không có kinh phí thuê bảo vệ nên nhiều trường phải phân công giáo viên trực trường.
Ông Oanh cho biết thêm, mặc dù biết các giáo viên thay nhau trực trường là vất vả, nhưng việc bố trí thêm bảo vệ cho các trường hoặc chi bồi dưỡng cho giáo viên thì riêng ngành Giáo dục không thể làm được. Việc giáo viên trực trường nhằm hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ giữ gìn tài sản.
Trước đây tài sản trong trường học không có nhiều giá trị nhưng hiện nay các trường được trang bị thiết bị nghe, nhìn, thiết bị thực hành, thí nghiệm giá trị cao nên việc mất trộm sẽ gây tổn thất rất lớn. Hiện, cũng có một số trường học nếu giáo viên không muốn trực trường thì thống nhất đóng góp tiền để thuê thêm bảo vệ trực đêm theo ca…
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Oanh: Sở GD&ĐT đã nắm được tình hình khó khăn khi giáo viên các trường học trên địa bàn phải thay nhau trực trường ban đêm và các ngày nghỉ, lễ, tết, hè. Trước khó khăn này, Sở GD&ĐT đã báo cáo UBND tỉnh để nắm tình hình và có hướng giải quyết.
Điều 72, 73 Luật Giáo dục hiện hành quy định: Nhà giáo có những nhiệm vụ sau đây: Giáo dục, giảng dạy theo mục tiêu, nguyên lý giáo dục, thực hiện đầy đủ và có chất lượng chương trình giáo dục; Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, các quy định của pháp luật và điều lệ nhà trường; Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo; tôn trọng nhân cách của người học, đối xử công bằng với người học, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học; Không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, nêu gương tốt cho người học; Các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.