Tiền Giang đồng lòng nâng cao chất lượng GD-ĐT

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngành GD&ĐT tỉnh Tiền Giang đã hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2022 - 2023, chất lượng giáo dục khởi sắc và nhận được sự đồng thuận cao.

Niềm vui ngày khai giảng của cô trò tỉnh Tiền Giang.
Niềm vui ngày khai giảng của cô trò tỉnh Tiền Giang.

Tập trung nguồn lực cho phát triển giáo dục

Vượt qua khó khăn, thách thức, được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng tinh thần cộng đồng trách nhiệm, chủ động, sáng tạo. Ngành GD&ĐT tỉnh Tiền Giang nhận được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2022 - 2023.

Theo Tiến sĩ Lê Quang Trí, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang: Năm học 2022 - 2023 là năm học ngành GD&ĐT tiếp tục thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ của nhiệm kỳ 2021 - 2026, như: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI.

Với chủ đề năm học: “Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động GD&ĐT”, ngành GD&ĐT tỉnh Tiền Giang đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng GD&ĐT.

Năm học 2022 - 2023, toàn ngành GD&ĐT tỉnh tiếp tục thực hiện lộ trình Chương trình GDPT 2018 đối với các khối lớp 3, 7 và 10. Bên cạnh đó, công tác chọn sách giáo khoa cho học sinh khối lớp 4, 8 và 11 được ngành GD&ĐT tỉnh triển khai khẩn trương, nghiêm túc, khách quan. Toàn ngành tiếp tục rà soát cơ sở vật chất, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên để thực hiện Chương trình mới.

Với bậc học Mầm non đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp tiếp tục được giữ vững; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được nâng cao; phong trào thi đua “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” tiếp tục tạo nhiều lan tỏa tích cực…

Ở bậc Tiểu học, cơ sở vật chất trường lớp tiếp tục được cải thiện, xây dựng khang trang đáp ứng yêu cầu dạy và học. Các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với các khối lớp. Bậc Trung học tiếp tục có nhiều đổi mới căn bản trong dạy và học. Việc đổi mới phương pháp dạy học đã được nhà trường, giáo viên quan tâm chú ý, đặc biệt đối với việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Công tác phân luồng học sinh được triển khai thực hiện tốt.

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các bậc học trong toàn ngành GD&ĐT đã từng bước được củng cố, kiện toàn theo yêu cầu đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ đào tạo. Toàn ngành GD&ĐT hiện có 19.172 cán bộ, nhà giáo công tác ở các đơn vị sự nghiệp giáo dục, trong đó có 1.180 cán bộ quản lý, 15.351 giáo viên và 2.641 nhân viên. Công tác xây dựng trường chuẩn Quốc gia, kiểm định chất lượng ở các cơ sở giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh. Đến nay, số trường đạt chuẩn Quốc gia các bậc học là 351/510 trường, đạt tỷ lệ 68,82%...

Lãnh đạo UBND tỉnh cùng lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang động viên thí sinh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Lãnh đạo UBND tỉnh cùng lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang động viên thí sinh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

“Quả ngọt” sau nỗ lực vượt khó

Tại tỉnh Tiền Giang, một số mô hình hay, cách làm hiệu quả trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 như: Chương trình giáo dục mầm non mới lấy trẻ làm trung tâm; Dạy học bằng phương pháp Bàn tay nặn bột; dạy học theo phương pháp Đan Mạch; Mô hình trường học mới VNEN; Sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học, xây dựng “Nguồn học liệu mở”...

Một số cách làm sáng tạo như “Trường học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc” của TP Mỹ Tho; Mô hình câu lạc bộ yêu Sử và các bộ môn của các trường: THPT Nguyễn Đình Chiểu, Chuyên Tiền Giang, THPT Trương Định, THPT Cái Bè; Mô hình tiếp sức đến trường của Trường THCS&THPT Ngô Văn Nhạc…

Về công tác thi cử, trong tháng 6/2023, ngành GD&ĐT tỉnh đã tổ chức Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 an toàn, không để xảy ra các sai sót, đảm bảo khách quan và đúng quy chế. Theo đánh giá, điểm thi tuyển sinh lớp 10 năm nay tại Tiền Giang khá cao. Môn Ngữ văn có 16.913 thí sinh đạt điểm trên trung bình, tỷ lệ 82,96%. Môn Tiếng Anh có 12.647 thí sinh đạt điểm trên trung bình, tỷ lệ 62,03%. Môn Toán có 15.734 thí sinh đạt điểm trên trung bình, tỷ lệ 77,1%.

Cũng trong tháng 6, tỉnh Tiền Giang đã tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Trong kỳ thi năm nay, điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của tỉnh Tiền Giang đạt 6,72 điểm, xếp thứ 13 toàn quốc (tăng 3 bậc so với năm 2022) và đứng thứ 2 khu vực ĐBSCL.

Đặc biệt, điểm trung bình 3 môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh của học sinh Tiền Giang trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT đạt 19,72 điểm, nằm trong tốp 10 cả nước, xếp thứ nhất khu vực ĐBSCL. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2023 của tỉnh Tiền Giang đạt 99,68%, trong đó có 28 trường có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt 100%.

Năm học 2023 - 2024, ngành GD&ĐT tỉnh Tiền Giang đã có những bước chuẩn bị bài bản. Theo Tiến sĩ Lê Quang Trí, để chuẩn bị cho năm học 2023 - 2024, ngành GD&ĐT tỉnh Tiền Giang tập trung rà soát, đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Hiện toàn tỉnh có 510 cơ sở giáo dục từ bậc học mầm non đến THPT, với 8.750 phòng học; trong đó có 7.874 phòng học kiên cố (chiếm tỷ lệ gần 90% tổng số phòng học).

Để chuẩn bị cho năm học mới, toàn tỉnh thực hiện đầu tư xây mới các phòng học và sửa chữa nhiều hạng mục như cổng trường, hàng rào, nhà vệ sinh; rà soát mua sắm trang thiết bị tối thiểu phục vụ Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng mức đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường lớp ở bậc mầm non là 53 công trình với trên 1.000 tỷ đồng; bậc tiểu học 64 công trình, trị giá hơn 1.064 tỷ đồng; THCS là 48 công trình với 1.007 tỷ đồng; bậc THPT 20 công trình, trị giá 441 tỷ đồng. Công tác quan trọng tiếp theo là ngành sẽ tập trung tuyển dụng đội ngũ giáo viên còn thiếu ở các cấp học, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, giảng viên đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới.

Năm 2023, kết quả thi học sinh giỏi cấp quốc gia của tỉnh xếp 4/13 tỉnh khu vực ĐBSCL, với 18 giải, chỉ sau TP Cần Thơ (25 giải), tỉnh Đồng Tháp và tỉnh An Giang (mỗi tỉnh 19 giải).

10 nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023 - 2024 tỉnh Tiền Giang:

1. Hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý.

2. Thực hiện hiệu quả Chương trình Giáo dục mầm non, Giáo dục phổ thông và Giáo dục thường xuyên.

3. Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp.

4. Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình GDPT 2018.

5. Tăng cường công tác chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

6. Ngành Giáo dục cần chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh.

7. Tăng cường hội nhập quốc tế, chủ động mở rộng hợp tác song phương, đa phương.

8. Ngành Giáo dục tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành.

9. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực GD&ĐT nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm.

10. Đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành; tăng cường công tác truyền thông giáo dục, bảo đảm thiết thực, hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.