Duy trì tỉ lệ HS đi học ở vùng cao: Quyết liệt các giải pháp tháo gỡ

GD&TĐ - Tình trạng học sinh bỏ học, trốn học ở những địa phương vùng cao biên giới trong những năm qua mặc dù có nhiều biến chuyển tích cực xong vẫn chưa thể chấm dứt. 

GV đến tận nhà để vận động học sinh đi học
GV đến tận nhà để vận động học sinh đi học

Điều đó không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục nói chung, giáo dục dân tộc nói riêng mà còn đòi hỏi các địa phương tích cực tìm ra các giải pháp tháo gỡ. Tại Mường Khương - Lào Cai chính quyền các cấp đã vào cuộc với hàng loạt giải pháp tháo gỡ hiệu quả.

Khó bó khôn

Mường Khương cũng được biết đến là một trong những huyện nghèo của tỉnh Lào Cai, xuất phát điểm về kinh tế thấp, các vùng sản xuất hàng hóa đang trong giai đoạn hình thành, ngành nghề phi nông nghiệp chưa phát triển. Đáng nói đến nay tỷ lệ hộ nghèo còn cao; kết cấu hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ; trình độ dân trí không đồng đều, trình độ văn hóa của lao động trong độ tuổi thấp.

Những yếu tố bất lợi trên đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của sự nghiệp trên địa bàn huyện.

Mặt khác, do ảnh hưởng của vị trí địa lý, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, đời sống nhân dân còn khó khăn, một bộ phận người dân chưa quan tâm đến việc học tập của con em. HS nghỉ học hoặcđi học không đều một phần do gia đình có cả bố và mẹ đi làm ăn xa, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình không tạo điều kiện cho đi học. Đặc biệt ở một số thời điểm như thời tiết mưa rét, sau nghỉ lễ tết tỉ lệ HS nghỉ học tăng cao...

Vì vậy, công tác duy trì số lượng, tỷ lệ chuyên cần ở các cấp học đặc biệt cấp THCS thực sự là bài toán khó giải và cần nhiều giải pháp từ các cấp chính quyền cũng như ngành Giáo dục.

Học sinh Lào Cai. Ảnh minh họa
 Học sinh Lào Cai. Ảnh minh họa

Chính quyền vào cuộc

Bà Nguyễn Thị Minh Xuân - Trưởng phòng GD&ĐT Mường Khương cho biết: UBND huyện Mường Khương xác định việc nâng cao công tác huy động học sinh ra lớp và duy trì tỷ lệ chuyên cần là nhiệm vụ quan trọng, quyết định đến sự phát triển của giáo dục huyện và đảm bảo kế hoạch hoàn thành tiêu chí nông thôn mới.

Vì thế, thời gian qua UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, Phòng GD&ĐT, các đơn vị trường học trên địa bàn huyện làm tốt công tác tuyển sinh; tích cực tuyên truyền, vận động HS ra lớp; tổ chức ký cam kết huy động số lượng HS giữa lãnh đạo UBND xã, thị trấn với lãnh đạo huyện...

Đặc biệt, UBND huyện đã chỉ đạo ngành Giáo dục tổ chức giao ban kiểm tra và làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương về nâng cao tỷ lệ HS đi học chuyên cần. Phân công lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức Phòng Giáo dục trực tiếp phụ trách các xã, thị trấn. Kịp thời nắm bắt tình hình giáo dục tại các nhà trường, theo dõi tỷ lệ HS đi học chuyên cần theo ngày, tuần, tháng để nắm bắt tình hình huy động và tỷ lệ chuyên cần từng xã, thị trấn, cấp học.

Mặt khác, các cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn đã quyết liệt vào cuộc và có nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả để nâng cao tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần trên địa bàn.

Với sự tích cực vào cuộc của chính quyền địa phương nên công tác vận động HS ra lớp, duy trì học sinh đi học chuyên cần đã được đưa vào quy ước, hương ước. Đây cũng trở thành một trong những tiêu chí xét gia đình văn hóa để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của nhân dân trong việc tạo điều kiện cho con em đến trường.

Mặt khác, giao trách nhiệm cho từng cán bộ phụ trách thôn bản; cán bộ giáo viên phụ trách lớp để vận động các em học sinh nghỉ học quay trở lại trường lớp. Huy động sự vào cuộc của toàn thể các ban, ngành, đoàn thể trong xã, phối hợp với các đơn vị trường học nắm bắt tình hình đi học của HS theo từng buổi học, cử cán bộ xã phối hợp với GV nhà trường phụ trách HS từng thôn có trách nhiệm tìm hiểu nguyên nhân HS không đi học và kịp thời đưa HS ra lớp...

Chuyển biến rõ nét

Về phía ngành GD-ĐT chỉ đạo các đơn vị trường học tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tổ chức đối thoại trực tiếp giữa nhà trường với các em học sinh và phụ huynh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, sự cần thiết của việc học đến các bậc phụ huynh, học sinh.

Chỉ đạo các trường trực thuộc thực hiện nghiêm túc các hoạt động giáo dục, đảm bảo an ninh, an toàn trường học, có các giải pháp quyết liệt duy trì tỷ lệ chuyên cần và phòng chống rét cho học sinh; thực hiện đảm bảo định mức dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh bán trú.

Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, đánh giá xếp loại từng tháng đối với công tác duy trì tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần của các đơn vị trường, có các giải pháp chỉ đạo kịp thời. Tổ chức tốt các hoạt động ngoại khóa, văn nghệ, thể dục thể thao để thu hút học sinh đến trường...

Với các giải pháp như trên, năm học 2018 - 2019 tỷ lệ chuyên cần các cấp học trên địa bàn huyện Mường Khương đã có sự chuyển biến rõ nét: Bậc Mầm non đạt trên 98%; Tiểu học đạt trên 98%, đặc biệt THCS đạt 97,7% (tăng 0,27% so với năm học 2017 - 2018).

Bà Nguyễn Thị Minh Xuân cho biết, trong năm học 2019 - 2020 và các năm học tiếp theo, ngành GD-ĐT sẽ tiếp tục tham mưu để chính quyền các cấp tìm ra giải pháp hiệu quả để duy trì tỷ lệ HS đi học chuyên cần, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn huyện...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ