Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho học sinh: Cần thiết nhưng phải cẩn trọng

GD&TĐ - Trong khi số lượng người từ 18 tuổi trở lên của Hà Nội được tiêm phủ mũi 1, nhiều người tiêm đủ 2 mũi, có ý kiến cho rằng nên xem xét tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho học sinh trung học trong thời gian sớm nhất...

Dù việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho học sinh là cần thiết nhưng cần phải được thử nghiệm lâm sàng kỹ lưỡng. Ảnh: Nhật Nguyên
Dù việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho học sinh là cần thiết nhưng cần phải được thử nghiệm lâm sàng kỹ lưỡng. Ảnh: Nhật Nguyên

Phụ huynh mong ngóng

Theo chị Phí Thị Diễn, phụ huynh học sinh Trường THPT Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội), thành phố đã nới lỏng giãn cách để vừa phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch. Điều này khiến chị vừa mừng vừa lo bởi hai vợ chồng là lao động tự do và thường xuyên tiếp xúc với bên ngoài, khả năng mắc bệnh vẫn có. Người lớn được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin nên khá yên tâm khi dịch Covid còn diễn biến phức tạp. Hai con của chị chưa đủ 18 tuổi nên chưa được tiêm vắc-xin. Chị Diễn bày tỏ mong muốn học sinh trung học cũng sẽ sớm được tiêm để tạo kháng thể.

Bộ Y tế đang tích cực tìm kiếm nguồn cung ứng vắc-xin để đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch. Khi nguồn cung ứng vắc-xin đáp ứng đủ, Bộ Y tế sẽ hướng dẫn và phân bổ vắc-xin về các địa phương. Từ đó, Bộ sẽ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phê duyệt danh sách đối tượng tiêm cụ thể, trong đó có người dưới 18 tuổi bao gồm cả học sinh.

Cùng tâm trạng trên, anh Nguyễn Văn Thanh, trú quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: “Học sinh từ 12 – 17 tuổi cần sớm được tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Thời gian học trực tuyến chỉ là tạm thời, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng tới cả tâm sinh lý của học sinh. Đó là chưa kể hiệu quả học trực tuyến không thể bằng học tại trường. Mà muốn mở cửa trường, thành phố nên tính toán để sớm tiêm phòng cho học sinh”.

Chị Đỗ Mai Phương, có con đang học lớp 8 tại huyện Hoài Đức, Hà Nội bày tỏ, việc sớm tiêm phòng cho đối tượng dưới 18 tuổi sẽ tạo ra sự công bằng và miễn dịch cộng đồng. Chị lập luận, khi các em được đến trường sẽ giao lưu và tiếp xúc với nhiều người. Trẻ được tiêm vắc-xin, bố mẹ sẽ yên tâm phần nào vì đã có kháng thể, tăng khả năng phòng dịch Covid-19.

Theo cô Trần Thị Bích Hợp – Hiệu trưởng Trường THPT Đống Đa, Hà Nội, 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường đều tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19. Từ khi thành phố nới lỏng giãn cách, nhiều phụ huynh gọi điện bày tỏ mong muốn trẻ được tiêm vắc-xin trước khi trở lại trường.

“Đây là vấn đề quan trọng vì liên quan đến sức khỏe của học sinh nên cần ý kiến từ phía các chuyên gia y tế. Dù mong muốn từ phía phụ huynh là chính đáng, nhưng thiết nghĩ việc tiêm vắc-xin cho học sinh cần được cân nhắc cẩn thận, nếu đủ an toàn và cơ quan chuyên môn cho phép mới tiến hành”, cô Nguyễn Thị Hiền – Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên nói.

Học sinh trung học được tiêm vắc-xin trước khi quay trở lại trường là mong muốn của nhiều phụ huynh. Ảnh: INT
Học sinh trung học được tiêm vắc-xin trước khi quay trở lại trường là mong muốn của nhiều phụ huynh. Ảnh: INT 

Cần thiết nhưng phải chặt chẽ

PGS.TS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khẳng định: Vắc-xin đóng vai trò quan trọng hàng đầu và bền vững trong phòng chống các bệnh truyền nhiễm.

Hiện dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, thời gian qua cho thấy vắc-xin đã đem lại hiệu quả tốt trong phòng bệnh, nhất là người đã tiêm vắc-xin thường có triệu chứng nhẹ, giảm nguy cơ nhập viện, giảm tử vong nếu không may mắc bệnh Covid-19.

Cũng theo ông Phu, bất kể lứa tuổi nào cũng có thể nhiễm SARS-CoV-2. TP Hồ Chí Minh là ví dụ, dịch lây theo yếu tố gia đình. Do tiếp xúc gần lại thường xuyên nên kể cả trẻ em dưới 18 tuổi cũng bị nhiễm. Do đó, việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho các em là cần thiết khi đi học trở lại.

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu và sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 vừa qua trong điều kiện khẩn cấp. Khi tiêm cho đối tượng nào phải trải qua quá trình thử nghiệm lâm sàng dành cho đối tượng đó nên đa số    vắc-xin được tiêm cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên.

“Trẻ dưới 18 tuổi đang trong giai đoạn phát triển nên càng phải thử nghiệm lâm sàng cẩn thận, chặt chẽ. Không chỉ bảo đảm yêu cầu an toàn, hiệu quả trong giai đoạn trước mắt mà trong suốt quá trình phát triển về sau”, PGS Trần Đắc Phu cho hay.

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã tiêm một số loại vắc-xin cho đối tượng từ 12 - 18 tuổi, thậm chí ở trẻ nhỏ. Còn ở Việt Nam, chưa có vắc-xin tiêm cho đối tượng dưới 18 tuổi. Ngay cả vắc-xin đang nghiên cứu và sản xuất ở Việt Nam cũng chỉ đang thử nghiệm lâm sàng ở lứa tuổi trên 18.

Thủ tướng Chính phủ cũng có ý kiến yêu cầu Bộ Y tế cần nghiên cứu, nhập khẩu để có vắc-xin phòng Covid-19 cho người dưới 18 tuổi. PGS Trần Đắc Phu cũng hi vọng, trong thời gian tới Việt Nam sẽ có loại vắc-xin có thể tiêm cho các em, không chỉ là vắc-xin nhập khẩu mà cả vắc-xin do Việt Nam sản xuất. 

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Xuân Tiến – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin: Thành phố vẫn tổ chức cho học sinh học trực tuyến hoặc qua truyền hình. Sở cũng tiếp nhận không ít ý kiến của phụ huynh về kiến nghị tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho học sinh trung học trước khi trở lại trường. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại Hà Nội vẫn còn nhiều phức tạp, việc cho học sinh quay trở lại trường vào thời điểm nào cần được tính toán thật kỹ lượng. Chỉ khi nào đủ an toàn, thành phố sẽ quyết định cho học sinh đi học lại. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.