Nhìn lại cơ thể chị Trần Nguyệt Kiều (sinh năm 1969) bây giờ không thiếu những vết sẹo lớn nhỏ. Mỗi vết như một lần để nhắc chị nhớ về những khó khăn đã trải qua, đem đến động lực để chị cố gắng trong suốt phần đời còn lại.
Di chứng nặng nề của cơn sốt bại liệt
Năm 6 tuổi, cơn sốt bại liệt đã cướp đi của chị Kiều một chân, một tay. Không được cứu chữa kịp thời, gân tay và chân bên phải của chị Kiều co rút lại khiến nửa người chị gần như bị liệt hoàn toàn. Sau tai nạn đó, chị Kiều như sinh ra lần thứ 2 khi phải tập nói, tập đi lại từ đầu, không hơn một đứa trẻ.
Đến năm 10 tuổi, chị mới được các bác sĩ phẫu thuật mổ gót chân để lấy lại hình dáng như bàn chân người bình thường, cánh tay phải mất khả năng sử dụng không có cách nào cứu chữa.
Hơn 10 năm sau khi tiến hành phẫu thuật, chị Kiều luôn phải mang nẹp sắt. Nẹp sắt rất nặng, khiến việc di chuyển của chị càng khó khăn hơn. Mỗi lần ra đường là một lần chân tay trầy xước vì vấp ngã.
Hàng xóm của chị Kiều cho biết, mỗi lần thấy chị ra ngoài đường là họ lại dõi mắt theo. Hễ thấy chị ngã là phải 2, 3 người chạy tới đỡ, vì nẹp sắt nặng, nếu mạnh tay sẽ càng làm chị đau hơn.
Trải qua nhiều lần châm cứu và chữa trị, cùng với quyết tâm của mình, chị Kiều cũng có thể đi, nói và hòa nhập với cộng đồng.
20 năm sau, vận may đã mỉm cười với người phụ nữ nghị lực. Vì muốn chị bớt tủi thân, mọi người dồn tiền mở một tạp hóa nhỏ ngay trước nhà, muốn hàng ngày có người tới mua hàng, trò chuyện, an ủi chị.
Không chỉ có thế, chị Kiều còn đăng ký đi học nghề miễn phí tại Trung tâm Bảo trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM. Kể từ đó, sáng chị học nghề kết cườm, chiều học văn hóa, tranh thủ những lúc rảnh rỗi học thêm tin học. Tất cả khởi đầu cho một niềm hi vọng mới. “Tôi bắt đầu học lại, 20 năm rồi, mình chẳng còn nhớ gì cả, hệt như trên trời rơi xuống vậy. Mấy thầy cô cũng khổ sở, nhưng thấy tôi là người ham học, nhiệt tình nên tận tình chỉ bảo”.
Đến giờ này, chị vẫn không thể quên cảm xúc ngày mình nhận kết quả đậu tốt nghiệp lớp 12. Chị bảo rằng nếu không vì di chứng ở chân, chắc chị đã nhảy cẫng lên vui mừng như bao người bình thường khác. Nước mắt chị rơi vì hạnh phúc đã đến sau bao nỗ lực.
Chị thường xuyên lên mạng tìm tòi các công thức làm bánh.
Tiệm bánh homemade
Việc đến với nghề làm bánh với chị Kiều như một mối duyên lành được nối lại. Bà ngoại chị Kiều là người khéo tay. Từ nhỏ chị đã được thưởng thức nhiều loại bánh do bà ngoại làm ra như: Bánh bông lan, bánh da lợn, bánh bò… và chính chị cũng từng có thời gian ngồi bán bánh ở các bến xe.
Tình cờ một lần chị gái chị Kiều mua một cái lò nướng, chị tự nhủ sao mình không thử làm? Ban đầu, chị tập làm bánh từ bột đa dụng. Chiếc bánh làm ra được mọi người trong gia đình thích thú. Trẻ em hàng xóm thỉnh thoảng vẫn qua hỏi thăm bánh của dì Kiều. Nhưng thành công đầu tiên đó không làm chị thỏa mãn, chị tìm tòi nhiều sách báo để làm ra loại bánh có hương vị ngon hơn.
Đam mê làm bánh, chị Kiều loay hoay với công việc tỉ mẩn. “Làm sao để tách lòng trắng trứng chỉ với một tay trái? Sau bao lần thất bại, cuối cùng tôi đã nghĩ ra cách rửa trứng thật sạch để mỗi lần đập trứng nát ra thì mình vẫn còn… ăn được. Vậy là mỗi lần đập trứng hỏng, cả ngày hôm đó tôi lại "được" ăn món trứng chiên”, chị kể. Khó khăn này không đủ làm chùn lòng người, trải qua gần 5 tháng, chị Kiều đã có thể tự mình hoàn thành công đoạn đơn giản… mà khó nhất.
Tiệm bánh của chị Kiều đã duy trì được hơn 3 năm nay.
Mọi chuyện bắt đầu suôn sẻ hơn từ đó. Nhưng nhớ lại những lần làm hàng chục, hàng trăm chiếc bánh bằng một tay, chị vẫn thoáng giật mình. Nhờ sự động viên tinh thần của mẹ và những người xung quanh, chị Kiều đã mở tiệm bánh và duy trì được hơn 3 năm nay.
Mở tiệm bánh, chị Kiều cũng nhận được sự giúp đỡ của nhiều cá nhân hảo tâm. Họ không cho chị tiền, không cho chị nhà mà tặng chị chiếc máy đánh trứng, chiếc máy tính… để hàng ngày chị có thể lên mạng tìm kiếm những công thức làm bánh mới, góp phần xây dựng nên Tiệm bánh chị Kiều.
Cuộc sống một mình không bao giờ là nhàm chán với người phụ nữ nghị lực này. Hàng ngày, những đơn đặt hàng bánh giúp chị cảm thấy cuộc sống của mình vô cùng ý nghĩa. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn trong việc di chuyển nhưng lúc nào người phụ nữ này cũng cảm thấy lạc quan, bởi theo lời chị, nếu không vì cơn sốt lúc nhỏ để lại di chứng, chắc gì chị đã mở được tiệm bánh homemade như bây giờ.