Bảo đảm quyền con người trong bối cảnh đại dịch Covid-19

GD&TĐ - Sáng 24/11, Trường ĐH Luật Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học bảo đảm quyền con người trong bối cảnh đại dịch Covid-19 – kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến và nhận được nhiều ý kiến tham luận và thảo luận của các chuyên gia, đại biểu và nhà khoa học.

Có thể nói, cho đến nay, các nỗ lực của Liên hợp quốc và các nước đã đạt được những hiệu quả rõ rệt, người dân có thể tiếp tục thụ hưởng các quyền con người cơ bản của mình, phù hợp với tình hình thực tế và các chính sách ứng phó đại dịch của các quốc gia.
Ông Nguyễn Hải Lưu

Trao đổi tại hội thảo, ông Nguyễn Hải Lưu – Phó Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao) – cho rằng, đại dịch Covid-19 đang đặt ra nguy cơ làm xói mòn các thành tựu mà cộng đồng quốc tế đã đạt được về bảo vệ quyền con người, khiến những nhóm dễ bị tổn thương vốn đã gặp khó khăn phải thêm vật lộn để được thụ hưởng những quyền cơ bản của họ.

Về cơ bản, những nhóm quyền mà dịch Covid-19 có những ảnh hưởng tiêu cực nhất, gồm 4 nhóm chính. Cụ thể là: Quyền được sống và chăm sóc sức khoẻ, khám bệnh, chữa bệnh kịp thời của người dân; quyền tự do cá nhân gồm quyền tự do di chuyển, quyền tự do hội họp; quyền được tiếp cận thông tin, đặc biệt là về tình hình dịch bệnh; tác động của đại dịch Covid-19 đến nhóm dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch.

Theo ông Nguyễn Hải Lưu, việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong tình hình mới đặt ra yêu cầu cần có sự chung tay của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong việc tìm giải pháp để vừa ứng phó với những tác động sâu rộng của đại dịch, vừa bảo đảo các quyền con người cơ bản.

Để giải quyết tận gốc khủng hoảng này, đòi hỏi một cách tiếp cận toàn xã hội, toàn Chính phủ và toàn thế giới, với sự quyết tâm cao và tinh thần đoàn kết mạnh mẽ.

Từ năm 2020, khi đại dịch mới bùng phát, Liên hợp quốc đã tập trung vào 3 lĩnh vực chính, bao gồm: Trước tiên là ứng phó y tế ở quy mô lớn; ứng phó với các vấn đề kinh tế, xã hội nhằm bảo đảm sinh kế; tập trung vào các quốc gia và dân số bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam cũng góp sức vào nỗ lực chung của Liên hợp quốc, tham gia các sáng kiến, nghị quyết ứng phó với Covid-19 và phân phối vắc-xin để cùng chung tay giải quyết thách thức lớn nất toàn cầu trong thời gian qua.

Đây tiếp tục là ưu tiên của Việt Nam trong thời gian tới. Hy vọng sẽ sớm đẩy lùi đại dịch, để người dân có thể trở lại cuộc sống bình thường và thụ thưởng các quyền con người cơ bản của mình.

Từ thực tế ở Canada, ông Trần Chí Thành – đại sứ quán Việt Nam tại Canada gợi ý một số chính sách đối với Việt Nam trên các khía cạnh:

Thứ nhất, việc xây dựng và áp dụng các chính sách, biện pháp ứng phó với đại dịch Covid-19 phải dựa trên các bằng chứng khoa học, có sự tham vấn với đại diện các cộng đồng dân cư chịu ảnh hưởng trực tiếp, có thời gian áp dụng cụ thể và căn cứ theo diễn biến tình hình thực tế. Đồng thời, phải thường xuyên được đánh giá để có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Thứ hai, việc áp dụng chính sách phải được thực hiện thống nhất, đồng bộ trên tất cả các địa phương trong cả nước và áp dụng với mọi người dân, không phân biệt giới tính, tuổi tác, quốc tịch, nơi cư trú; tránh tạo hiện tượng mỗi địa phương áp dụng theo cách riêng, gây ra sự bất bình đẳng và khó khăn cho người dân.

Thứ ba, công tác thông tin, tuyên truyền phải kịp thời và minh bạch, nhất là việc thông tin công khai cho người dân về các biện pháp đang và sẽ áp dụng khi tình hình dịch bệnh có biến chuyển, cả theo hướng tốt và xấu.

Một mặt, giúp người dân có sự chuẩn bị, tránh tâm lý hoang mang, chạy theo đám đông. Mặt khác, tạo sự đồng thuận chung và khuyến khích người dân tự giác chấp hành. Qua đó, nâng cao hiệu quả của các biện pháp đang được áp dụng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ