Bên cạnh đó, những ngữ liệu về môi trường sẽ giúp học sinh tự tin hơn trong các hoạt động nói, viết; từ đó góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy môn tiếng Anh.
Từ những ưu điểm này, thầy Phí Văn Sốp - Phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Giót (Điện Biên) - chia sẻ giải pháp tích hợp giáo dục môi trường vào chương trình tiếng Anh lớp 10 với việc dạy kiến thức ngôn ngữ, rèn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết thông qua các ngữ liệu về môi trường.
Trong đó cung cấp, bổ sung thêm cho học sinh kiến thức chung về môi trường, giáo dục học sinh ý thức bảo vệ môi trường, ý thức giữ gìn, bảo tồn các loài sinh vật, sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần bị cạn kiệt.
Thiết kế bài tập giao học sinh chuẩn bị ở nhà trước bài học
Với hoạt động này, thầy Phí Văn Sốp lưu ý, bài tập cần được thiết kế vừa sức, đảm bảo có liên quan chặt chẽ với nội dung bài học hoặc giúp học sinh có thêm hiểu biết chuẩn bị tiếp thu bài học.
Đối với 3 đơn vị bài học trong chương trình tiếng Anh lớp 10 bao gồm: Unit 9: Undersea World; Unit 10: Conservation; Unit 11: National Parks, có thể sử dụng dạng tích hợp toàn phần.
Ở những đơn vị bài học này, giáo viên cần thiết kế nhiệm vụ để học sinh chuẩn bị trước từng Unit, hoặc trước khi bước vào cả Chủ điểm Nature and Environment, học sinh sẽ sử dụng kết quả đó để tham gia các hoạt động học tập trên lớp.
Từ việc cung cấp kiến thức về môi trường, giáo viên cần định hướng cho học sinh về thái độ đối với môi trường sống, cung cấp cho các em một số kỹ năng để có thể chung tay bảo vệ môi trường sống nơi các em học, cư trú.
Huy động hiểu biết về môi trường
Nhấn mạnh kiến thức được sử dụng phải liên quan chặt chẽ với nội dung bài học hoặc làm nền tảng để học sinh tìm hiểu bài học, thầy Phí Văn Sốp chia sẻ cách thức thực hiện như sau:
Trong các bài giảng, giáo viên cần gợi mở để học sinh sử dụng những hiểu biết của mình về môi trường để tham gia các hoạt động học tập. Các hoạt động phần “Warm up” hoặc trong phần “Before you ... ” có thể phát huy tốt những kiến thức về môi trường của học sinh.
Ví dụ về các hoạt động học tập được thiết kế trong các giờ dạy tích hợp giáo dục môi trường trong hoạt động khởi động Unit 10: Conservation - Lesson 2. Speaking:
Tasks Sts to look at this picture and answer some questions:
- Where can you see elephants like these?
- Do they have enough food?
- Do they suffer from dangerous diseases?
- Do they feel happy?
Học sinh dùng hiểu biết về vườn thú kiểu cũ để trả lời các câu hỏi của giáo viên. Từ đó, giáo viên dẫn dắt học sinh đến sự cần thiết phải thiết lập các vườn thú kiểu mới mà ở đó các loài động vật được chăm sóc tốt hơn, chúng có sự tự do nhiều hơn trong môi trường gần hơn với tự nhiên.
Đặt vấn đề để học sinh suy nghĩ cuối bài học
Thầy Phí Văn Sốp cho rằng, việc đưa ra các vần đề để học sinh suy nghĩ sau bài học cần gắn liền với nội dung bài học, đảm bảo không gây quá tải cho các em.
Cách thức thực hiện như sau: Sau mỗi bài học, trong phần “After you . . . ”, giáo viên có thể thiết kế một số câu hỏi, một số nhiệm vụ nhỏ nhằm giáo dục cho học sinh ý thức bảo vệ môi trường, giúp các em khắc sâu về nội dung bài học, mở rộng thêm và đôi khi nhấn mạnh lại một số kỹ năng cần thiết cho học sinh.
Đổi mới kiểm tra, đánh giá
Việc kiểm tra, đánh giá, theo thầy Phí Văn Sốp, cần được đổi mới theo một số hướng sau đây:
Kiểm tra đánh giá ngay trong quá trình giảng dạy chứ không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra kết quả đạt được của học sinh sau các đơn vị bài học. Kết hợp giữa giáo viên đánh giá học sinh với học sinh tự đánh giá, học sinh đánh giá lẫn nhau. Tăng cường sử dụng lời khen khi đánh giá kết quả hoạt động của học sinh. Ví dụ: “Well done! ”; “It’s a very good job!”...
Đưa các nội dung đã tích hợp vào nội dung các bài kiểm tra. Kết hợp kiểm tra nhiều kỹ năng, trong đó chú trọng kiểm tra phần kỹ năng nói của học sinh. Kiểm tra, đánh giá những nhiệm vụ mà giáo viên giao cho học sinh thực hiện trước và sau bài học.
Thầy Phí Văn Sốp cho rằng, việc đổi mới như vậy chắc chắn sẽ giúp học sinh nhận thấy được đánh giá đúng mức. Các em nỗ lực, cố gắng của bản thân được thầy cô ghi nhận. Bên cạnh đó, những nội dung đã tích hợp được đưa vào nội dung các bài kiểm tra sẽ giúp học sinh hứng thú học tập hơn.
Tích hợp giáo dục môi trường ở mức độ thấp
Ở một số đơn vị bài học, giáo dục môi trường không phải là mục tiêu chính của bài, tuy nhiên căn cứ vào nội dung, giáo viên có thể liên hệ, tích hợp giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh.
Ví dụ, ở Unit 1: A day in the life of ... - Leson 3. Listening, trong phần “Before you listen”, khi học sinh trả lời câu hỏi “Is it interesting to travel by cyclo?” giáo viên có thể kết hợp giáo dục về các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường: To protect the enviroment, we should travel by bus, by bicycle or just walk more often...