Chuyện của mẹ rất dài, từ thuở cắt cỏ chăn trâu đến khi trở thành mẹ của 3 đứa con để luôn đầu tắt mặt tối cõng gạch vào lò, hòng lo cái ăn, cái mặc đủ đầy.
Phút giây mà mẹ thấy thảnh thơi nhất có lẽ chỉ khi rang ngô mỗi khi Đông về. Thong thả và nhịp nhàng, mẹ khua chảo gang nóng như thể khua hơi ấm tỏa khắp gian bếp để mà ấp iu, làm hồng đôi má của những đứa trẻ. Đầu đũa cả vừa như rẽ cát cho ngô chạy lại vừa như gắng đuổi theo chúng bén gót.
Nó hồ hởi gọi mẹ từ dưới nhà khoe rằng đã mua được ngô, nhưng không phải bioseed già vàng bóng như năm xưa mà là nếp vừa chắc hạt. Mẹ thong dong vẽ từng hạt, cứ thắc thỏm sao tay không phồng, rát. Rồi nó nhanh chóng cho vào nồi chiên không dầu và bấm nút. Không quá 10 phút, là có mẻ ngô rang bóng bẩy nhờ “tiểu xảo” giữa chừng - đảo thêm chút bơ.
Hạt vừa chín thì dẻo còn hạt già hơn cũng rồm rộp, nhưng phải “đánh nhanh rút gọn” khi đang nóng hôi hổi, chậm dăm phút là thành dai. Đấy là điều nó đúc rút sau mấy lần phát kiến cách rang ngô “kiểu mới” để bù lại những nhớ nhung năm xưa của mẹ. Nhưng, thưởng thức như thế thì không thể thong thả nhâm nhi. Hơi ấm cũng chỏn vỏn, khó tỏa lan theo câu chuyện, câu trò cùng tiếng cười rúc rích.
Mẹ lắc đầu bảo, hiện đại thật đấy nhưng đã gọi là rang thì phải giòn “vĩnh cửu” và bung nở như bioseed chứ? Cùng với lửa đều, chảo gang nóng bỏng thì phải nhờ đến cát và đôi tay chuyên cần đấy nhé.
“Nguyên lý” rất đơn giản: Ngô được truyền nhiệt và om sâu vào trong khi tham gia trò chơi đuổi bắt trên cát nóng. Có hạt còn hớn hở nổ tung thành hoa.
Rang xong là mẹ nhúm lại một ít, sớm mai chia đều trong 3 túi nhỏ xinh cho 3 chị em, bảo mang đến lớp rí rách với bạn bè, nhưng nhớ chỉ khi bác trống trường báo ra chơi nhé. Thế là, ngô rang của mẹ trở thành nỗi nhớ mùa Đông của biết bao cô cậu học trò thuở ấy.
Đến giờ, mỗi khi gặp lại, bạn xưa liền hỏi trong tiếng cười nhí nhảnh: “U vẫn khỏe và gửi ngô rang cho chúng tớ, đấy chứ?...”.