Tỉ lệ sinh viên có việc làm từng bước được cải thiện

Tỉ lệ sinh viên có việc làm từng bước được cải thiện
Sinh viên tìm việc tại Hội chợ việc làm
Sinh viên tìm việc tại Hội chợ việc làm

Nội dung chất vấn:

Thời gian qua, nhiều đại biểu Quốc hội và đông đảo cử tri đều cảm nhận khá rõ sự qua tâm của Chính phủ nói chung và của Thủ tướng Chính phủ nói riêng  trong lĩnh vực đầu tư cho giáo dục và đào tạo và lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong điều kiện nguồn thu ngân sách nhà nước còn hạn hẹp như hiện nay. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện còn nhiều vấn đề bất cập mà nhiều đại biểu phát biểu, mong muốn Chính phủ có biện pháp chỉ đạo để khắc phục kịp thời hơn. (Nhiều cử tri thuộc một số nhóm đối tượng đang dần thấy mất niềm tin vào sự điều hành của Chính phủ trong một số lĩnh vực văn hoá xã hội.

Ví dụ như: Cử tri thuộc gia đình của những thanh niên được học xong Cao đẳng, Đại học từ mấy năm nay rồi mà không thể tìm được việc làm trong khi cuộc sống của họ đang gặp nhiều khó khăn; cử tri thuộc gia đình có con bị xâm hại tình dục, bị bắt cóc, bị buôn bán, bị bạo lực học đường…. ; Cử tri là giáo viên, giảng viên tận tuỵ với nghề nghiệp mà cuộc sống của họ quá khó khăn, họ không thể sống được bằng đồng lương của mình….)

Đại biểu xin gửi tới Thủ tướng Chính phủ toàn văn bài phát biểu của mình tại Hội trường vào sáng ngày 27/5 và bản tóm tắt phát biểu của đại biểu tại buổi phát biểu của đại biểu tại buổi thảo luận tổ sáng ngày 22/5 khi thảo luận về kinh tế - xã hội… Đó là những suy nghĩ, đề xuất mà đại biểu thu lượm được từ thực tiễn cuộc sống khi đại biểu thực hiện nhiệm vụ của mình với tinh thần thẳng thắn, vì sự phát triển bền vững của đất nước. Đại biểu rất mong Thủ tướng Chính phủ dành thời gian để xem xét những đề xuất của đại biểu đã nêu trong hai bài phát biểu gửi kèm văn bản này. Đại biểu xin đề nghị Thủ tướng Chính phủ có thể lựa chọn vấn đề để trao đổi với đông đảo cử tri và đại biểu Quốc hội tại phiên trả lời chất vấn của Kỳ họp này.

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:

Theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo xin trả lời về sự điều hành của Chính phủ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, những kết quả và các vấn đề cần phải giải quyết liên quan đến ý kiến của đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh theo Công văn số 99/CV-KH7, ngày 31 tháng 5 năm 2010 của Văn phũng Quốc hội như sau:

1. Đối với tất cả các nước, do có trình độ phát triển kinh tế cao hay thấp, ở mỗi giai đoạn đều có những vấn đề xã hội phải giải quyết như: thất nghiệp, an toàn đường phố, ma túy, chăm sóc y tế, thất học, nghèo khổ, bệnh dịch, chênh lệch giàu nghèo, xung đột dân tộc, mua bán người qua biên giới, bình đẳng giới, bạo lực gia đình…. Trong các vấn đề nêu trên, mặc dù điều kiện kinh tế của Việt Nam còn rất thấp, với GDP/đầu người trên dưới 1.000 USD/năm, có nhiều nội dung chúng ta đã có sự tiến bộ đáng kể và được quốc tế thừa nhận. Thành quả xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam 20 năm qua được Ngân hàng thế giới và nhiều tổ chức đánh giá là một trong các quốc gia thành công nhất. Việt Nam cũng được đánh giá là một quốc gia có sự bình đẳng giới khá tốt, không có sự phân biệt về lương giữa nam và nữ cùng trình độ (đây là điều mà ở Mỹ vẫn chưa làm được). Tỉ lệ nữ sinh viên ở ta là 51%, tương đương tỉ lệ nữ trong dân số.

Sau năm 1975, phải mất 25 năm chúng ta mới hoàn thành phổ cập tiểu học vào năm 2000, nhưng chỉ cần 10 năm (2001-2010) chúng ta sẽ hoàn thành phổ cập trung học cơ sở, và dự kiến sắp tới chỉ 5 năm (2011-2015) hoàn thành phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi. Người rất nghèo ở nước ta được Nhà nước mua bảo hiểm y tế, và chúng ta đang thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, trong khi nước Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, hơn 100 năm qua không có bảo hiểm y tế cho người nghèo (hiện nay là khoảng 35 triệu người). Hiện nay, tỉ lệ thất nghiệp ở đô thị của chúng ta khoảng 6%, trong khi các nước như Đức, Anh, Mỹ từ 8-10%.

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, đất nước Việt Nam thuộc vào tốp 3 nước có người dân lạc quan nhất thế giới. Ở nước ta hầu như không có người tự tử vì bế tắc trong cuộc sống, trong khi ở Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, cứ mỗi ngày có 30 người tự tử. Đất nước chúng ta không có xung đột dân tộc, tôn giáo, sự ổn định chính trị được dư luận quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao. Nước ta cũng đã thành công trong việc chống dịch cúm người, cúm gia cầm, được Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá tốt, không gây náo loạn xã hội, không ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội. Việc chống tệ nạn ma túy, mua bán người qua biên giới được Chính phủ tập trung chỉ đạo, tổng kết định kỳ và đã đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, tình hình còn rất phức tạp, đòi hỏi phải tiếp tục có sự tập trung của toàn xã hội, toàn hệ thống chính trị.

Đối với giáo dục đại học, (trình độ đại học và cao đẳng), do điều kiện lịch sử thực tế ở nước ta, trong một thời gian dài việc đào tạo chủ yếu theo khả năng của các nhà trường, chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu của người sử dụng lao động. Do đó, năng lực người ra trường chưa thực sự phù hợp với yêu cầu của các doanh nghiệp, bệnh viện, cơ quan sử dụng lao động. Từ hai năm nay, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội, tức nhu cầu của người sử dụng lao động. Các doanh nghiệp, cơ quan sử dụng lao động cần tham gia vào việc xác định các yêu cầu tri thức, kỹ năng mà người ra trường phải có. Đây là điều căn bản giúp cho sinh viên ra trường có việc làm.

Công tác dự báo nhu cầu lao động có trình độ đại học, cao đẳng vừa qua chưa được chú ý, song Chính phủ đó chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực. Từ năm 2009, Trung tâm đã đi vào hoạt động. Cũng từ năm học 2009-2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng hướng dẫn để sinh viên trước khi ra trường 2 năm, đó phải khởi động quá trình đi tìm việc làm. Điều này giúp cho sinh viên thấy rõ hơn các yêu cầu tri thức, kỹ năng và hành vi mà nơi làm việc đòi hỏi, từ đó tự có chương trình học tập, rèn luyện phù hợp để ra trường dễ có việc làm.

Nhằm tạo điều kiện cho sinh viên có gia đình khó khăn về kinh tế học được đại học, cao đẳng và tập trung cho học hành, từ năm 2007, Chính phủ đã triển khai mới chương trình Ngõn hàng Chính sách xã hội cho vay để học. Đến nay có 1,7 triệu sinh viên, học sinh học nghề đang vay với tổng giá trị vay hơn 18.000 tỉ đồng. Với tất cả hỗ trợ và chính sách nói trên, nếu sinh viên không thực sự nỗ lực học tập, rèn luyện, chỉ đạt kết quả trung bình, ngoại ngữ yếu, kỹ năng tin học yếu thì khả năng tìm được việc làm là khó khăn, trong đó có trách nhiệm của bản thân. Thực tế điều tra thống kê năm 2005 cho thấy, 95,8% người trong độ tuổi lao động có trình độ đại học, cao đẳng ở nước ta có việc làm, năm 2007 tỉ lệ này đó tăng lên là 96,65%. Trong khi đó, theo thông báo tại Diễn đàn kinh tế thế giới Đông Á mới tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh (ngày 6 và 7/6/2010), hiện nay gần 30% sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc ra trường không có việc làm.

Theo báo cáo Năng lực cạnh tranh các quốc gia của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), giáo dục đại học của Việt Nam năm 2007 được xếp hạng thứ 103, năm 2008 thứ 98, năm 2009 thứ 92 trong số 133 nước. Như vậy mặc dù vị trí còn thấp, song 3 năm qua đó có tiến bộ và được lên 11 hạng. Riêng về chất lượng giáo dục đại học, năm 2008 xếp thứ 120, năm 2009 thứ 85, lên được 35 hạng.

Với các biện pháp mà ngành giáo dục đã và sẽ triển khai, với nỗ lực học tập và rèn luyện cao của sinh viên, tỉ lệ sinh viên có việc làm ở nước ta sẽ được cải thiện.

2. Từ năm 2006, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác định cần xây dựng Đề án tăng thu nhập cho giáo viên trình Thủ tướng Chính phủ. Sau khi nghiên cứu phương án của Bộ đề xuất là tăng hệ số ưu đãi cho giáo viên bình quân từ 1,35 lên 1,7. Đây là mức đề xuất hệ số ưu đãi trong tương quan với hệ số ưu đãi của lực lượng vũ trang (bộ đội, công an là 1,8). Tuy nhiên, Chính phủ đã bàn bạc và chưa chấp thuận với lý do còn phải tính đến nhu cầu tăng thu nhập của cán bộ, công chức viên chức ngành y tế, văn hoá và các ngành khác. Mặt khác đội ngũ giáo viên ngành giáo dục đã và đang được hưởng hệ số phụ cấp đứng lớp theo Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 06/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy tại các trường công lập, cụ thể: Nhà giáo dạy cao đẳng, đại học là 25% mức lương đang hưởng; nhà giáo dạy trung học cơ sở, trung học phổ thông ở đồng bằng, thành phố là 30%; nhà giáo dạy mầm non, tiểu học ở đồng bằng, thành phố, trung học cơ sở, trung học phổ thông ở miền núi, hải đảo vùng sâu, vùng xa là 35%; giáo viên dạy mầm non, tiểu học ở miền núi, vùng sâu, vùng xa hải đảo là 50%; nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường sư phạm, khoa sư phạm (đại học, cao đẳng) là 40%; nhà giáo dạy các môn Mác - Lênin là 45%. Bình quân phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy là 35% hay hệ số ưu đãi là 1,35.

Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn: Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác tại trường năng khiếu thể dục thể thao, trường năng khiếu nghệ thuật, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học. Mức phụ cấp 70% áp dụng đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác tại trường phổ thông dân tộc nội trú, trường trung học phổ thông chuyên, trường dành cho người tàn tật, khuyết tật và nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác tại các cơ sở giáo dục, đào tạo thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xó hội đặc biệt khó khăn.

Để từng bước nâng cao tiền lương, thu nhập cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước (trong đó có nhà giáo), trong giai đoạn từ 2006-2012, Chính phủ đã có lộ trình tăng mức lương tối thiểu: từ 350.000 đồng/tháng năm 2006 lên 730.000 đồng/tháng từ tháng 5/2010. Như vậy, so với năm 2006, năm 2010 tiền lương của giáo viên hàng tháng đã tăng gấp 2,1 lần. 

Ví dụ, nếu một giáo viên tốt nghiệp đại học ra trường năm 2010, thì sẽ có mức lương là 2,306 triệu đồng/tháng (mức lương tối thiểu nhân với hệ số lương cơ bản nhân với hệ số phụ cấp ưu đãi bình quân chung toàn ngành: 730.000 đồng x 2,34 x 1,35). Nếu ở thời điểm năm 2006 thì giáo viên này có mức lương là 1,105 triệu đồng/tháng (350.000 đồng x 2,34 x 1,35). Nếu giáo viên này năm 2010 công tác ở vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, thì thu nhập là 3,9 triệu đồng/tháng. Nếu giáo viên tốt nghiệp đại học có thời gian công tác 10 năm (hệ số lương là 3,33) thì mức lương hiện nay là 3,3 triệu đồng.

Một ví dụ khác, ở một tỉnh miền núi khu vực đặc biệt khó khăn, một công chức có trình độ cao đẳng được hưởng hệ số lương cơ bản 2,1, hệ số phụ cấp khu vực là 0,7 thì tiền lương được nhận một tháng là 2,069 triệu đồng/tháng. Nhưng cũng một giáo viên trình độ cao đẳng làm việc tại vùng đặc biệt khó khăn thì ngoài hệ số lương cơ bản 2,1, hệ số phụ cấp khu vực (0,7) còn thêm phụ cấp ưu đãi (35%), phụ cấp thu hút (70%) cộng lại tiền lương hơn 3,5 triệu đồng/tháng.

Như vậy, xét về mức độ tăng, thì thu nhập của giáo viên vào năm 2010 bằng 2,1 lần so với năm 2006, còn về giá trị bình quân thì tăng nằm trong khoảng từ 2,5 triệu đến 4 triệu đồng/tháng và cao hơn so với công chức, viên chức của các ngành khác. Tuy nhiên, với nhu cầu chi tiêu ngày càng tăng lên như hiện nay, thì chưa đáp ứng được đòi hỏi tăng thu nhập thực tế cho giáo viên, nhất là khi đã có con nhỏ, đời sống của một bộ phận nhà giáo vẫn còn không ít khó khăn.

Việc làm sao để cán bộ, công chức, viên chức được sống bằng lương là sự quan tâm lớn của Đảng, Chính phủ trong quá trình đổi mới quản lý kinh tế - xã hội của đất nước. Việc tăng lương cơ bản theo lộ trình từ năm 2006 đến năm 2010 đã có tác dụng thiết thực. Tuy nhiên, vẫn còn bất hợp lý và Chính phủ sẽ tiếp tục thiết kế các giải pháp mới cho giai đoạn 2011-2015. Theo kế hoạch tăng lương 2006-2012 đã được Chính phủ duyệt, vào năm 2011 dự kiến mức lương tối thiểu là 850 nghìn đồng/tháng và năm 2012 là 950 nghìn đồng/tháng.

Từ thực tế như trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ và Quốc hội đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục và đào tạo, trong đó có tiền lương của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Tại kỳ họp thứ V, Quốc hội khóa XII vừa qua, Quốc hội đó thông qua Nghị quyết số 35/2009/NQ-QH12 ngày 19/6/2009 về định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015. Trong đó, Quốc hội đã cho phép: Thực hiện chính sách ưu tiên về lương và phụ cấp cho đội ngũ nhà giáo; tiếp tục chính sách khuyến khích nhà giáo dạy học ở các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và giáo dục hoà nhập; đồng thời thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; bảo lưu phụ cấp đứng lớp trong thời hạn 3 năm cho nhà giáo được điều động làm công tác quản lý giáo dục. Chính sách phụ cấp thâm niên cho nhà giáo tiếp tục được khẳng định tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (có hiệu lực từ ngày 01/7/2010).

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành soạn thảo các văn bản trình Chính phủ trong quý 3 năm 2010 để thực hiện Nghị quyết số 35/2009/NQ-QH12 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, trong đó có việc thực hiện phụ cấp thâm niên cho giáo viên.

Thông qua biện pháp này, một mặt chúng ta khuyến khích các nhà giáo tận tụy với nghề, mặt khác thu nhập thực tế của nhà giáo sẽ tiếp tục tăng thêm. So với năm 2006 thì đây là biện pháp sẽ làm tăng thu nhập của nhà giáo, thể hiện đặc thù riêng của ngành giáo dục, bên cạnh chính sách ưu đãi đứng lớp và chính sách thu hút đối với các trường đặc thù và vùng đặc biệt khó khăn đó được áp dụng các năm qua. Tuy chưa được Chính phủ ban hành văn bản về chế độ phụ cấp thâm niên, song chủ trương này của Quốc hội đã được các thầy cô giáo cả nước rất hoan nghênh và là một động viên lớn đối với đội ngũ nhà giáo.

Bộ GD&ĐT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ