Thương vợ - nỗi niềm của Tú Xương

GD&TĐ - Từng “Cũng lều cũng chõng cũng đi thi”, từng “lăm le bia đá bảng vàng”, nhưng do sinh ra gặp buổi thời mạt vận, với Tú Xương “Một việc văn chương thôi cũng nhảm; Trăm năm thân thế có ra gì”.

Ảnh minh họa: IT
Ảnh minh họa: IT

Cả đời đi thi, rốt cuộc dắt lưng được cái tú tài dở dang dang dở. Từ đây, ông Tú trở thành gánh nặng, thành “nợ” đeo đẳng cuộc đời vợ. Nỗi niềm riêng - chung ấy đi vào bài thơ “Thương vợ” một cách tự nhiên nhưng đằm thắm, thiết tha. Chỉ có điều, tâm sự đó không chỉ là bi kịch riêng của Tú Xương mà còn là bi kịch của cả một thế hệ.

1.

Trần Tế Xương (1870 - 1907), tên khai sinh là Trần Duy Uyên, người làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, tên thường gọi là Tú Xương. Sinh ra và lớn lên trong buổi thực dân Pháp xâm lược, Hán học đã suy tàn, cuộc đời Tú Xương gắn với bi kịch thi cử. Mười lăm tuổi (1885) đi thi hương, không đậu, hai khoa tiếp theo 1888, 1891 đi thi cũng trượt cả hai, khoa Giáp Ngọ 1894 ông đỗ tú “rốt bảng”. Những khoa thi sau đó, vào năm 1897, 1900, 1903, 1906 người ta đều thấy có mặt Tú Xương ở trường thi nhưng khoa nào cũng trượt. Thế rồi, Tú Xương mất vào đầu năm sau (1907). “Tức là Tú Xương thi chết thôi, thi cho đến chết mới thôi” (Nguyễn Tuân).

Cũng vì gánh nặng thi cử mà cuộc sống của Tú Xương về vật chất rất thiếu thốn. “Nghèo đói đã cứa xé Tú Xương. Sự đểu cáng đã vả vào Tú Xương. Hoàn cảnh đó được in đậm trong thơ phú của Tú Xương sự vất vả, cay cú, phát phẫn, buồn phiền”. Nỗi niềm về hoàn cảnh sống của bản thân trong thời buổi nhiễu nhương đã đi vào thơ Tú Xương làm nên mảng thơ trữ tình, ẩn chứa bầu tâm sự sâu nặng của một văn nhân ưu thời mẫn thế: “Trời không chớp bể mưa nguồn/ Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn”; “Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”; “Tình này ai tỏ cho ta nhỉ?/ Tâm sự năm canh một ngọn đèn”; “Thiên hạ dễ thường ai ngủ cả/ Việc gì mà thức một mình ta”; “Non non, nước nước, tình tình/ Vì ai ngơ ngẩn cho mình ngẩn ngơ”…

Cuộc sống của cả nhà Tú Xương, toàn bộ gánh nặng cơm áo gạo tiền của gia đình nghèo, lại đông con, đều dằn lên đôi vai của người vợ. Vợ Tú Xương là bà Phạm Thị Mẫn, quê ở Hải Dương, nhưng sinh ra ở Nam Định. Người đàn bà “mặt nhẵn nhụi, tính hạnh khoan hòa” ấy hơn chồng một tuổi, đảm đang, chịu khó, quanh năm “đầu sông bãi bến, đua tài buôn chín bán mười” để nuôi năm con dại và nuôi chồng ăn học và ăn chơi. Trong bài “Văn tế sống vợ”, Trần Tế Xương đã từng giới thiệu về hoàn cảnh sống của vợ mình một cách bông đùa: “Con gái nhà dòng, lấy chồng kẻ chợ; Tiếng có miếng không được chăng hay chớ”.

Bằng giọng điệu trữ tình vừa đằm thắm, yêu thương vừa ngậm ngùi, xót xa, bài thơ “Thương vợ” chính là địa hạt của nghệ thuật để Tú Xương bộc lộ nỗi niềm với vợ, nỗi niềm thời cuộc, và nỗi niềm bản thân. Sức nặng của bài thơ chính là ở chiều sâu của những nỗi niềm ấy.

2.

Thơ xưa viết về vợ đã ít, mà viết về vợ khi còn đang sống lại càng hiếm hoi hơn. Trần Tế Xương lại khác. Trong sáng tác của ông, có hẳn một đề tài về bà Tú gồm cả thơ, văn tế, câu đối như: Đau mắt, Văn tế sống vợ, Tự trào, Tết dán câu đối và bài thơ nổi tiếng Thương vợ.

Bà Tú từng chịu nhiều vất vả, gian truân trong cuộc đời, nhưng bà lại có niềm hạnh phúc là ngay lúc còn sống đã được đi vào thơ ông Tú với tất cả niềm yêu thương, trân trọng của chồng. Còn với ông Tú, trong mỗi sáng tác viết về bà Tú luôn có sự hòa quyện giữa hai giọng điệu là trữ tình và tự trào. Giọng trữ tình dành cho bà Tú và giọng tự trào dành cho mình - một nhà nho sinh ra giữa buổi Hán học đã suy tàn mà đành bất lực nhìn đất nước chìm trong nô lệ. Nỗi niềm của nhà thơ cũng là nỗi lòng của tất cả những trí thức lúc bấy giờ.

Bài thơ “Thương vợ” được mở đầu bằng hình ảnh bà Tú tất bật ngược xuôi:

Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ năm con với một chồng.

“Quanh năm” là ngày nối ngày, tháng kề tháng, là thời gian tuần hoàn, quay vòng, khép kín. “Quanh năm” còn là triền miên, là không ngơi nghỉ. Trong vòng quay đó, người vợ, người mẹ ấy gắn mình với công việc “buôn bán” để nuôi chồng, nuôi con. Sách viết về Tú Xương còn ghi lại chuyện bà Tú đã có thời gian làm nghề buôn gạo: Bà Tú buôn gạo hàng đội, hàng thúng, chứ không có vốn buôn hàng thuyền (Xuân Diệu). Địa điểm bán buôn của bà Tú thật hiểm nguy, đó là “mom sông” - phần đất ở bờ sông nhô ra phía lòng sông, là nơi đầu sóng ngọn gió, ba bề bốn bên đều là nước. “Mom sông” còn là không gian sinh tồn bấp bênh, chông chênh. Sự vất vả, lam lũ và bất chấp hiểm nguy đó cũng là bởi:

Nuôi đủ năm con với một chồng

Câu thơ như oằn lên đôi vai người phụ nữ “quanh năm buôn bán” ấy gánh nặng của bao con người: Một đầu gánh là “năm con”, còn đầu kia là “một chồng”. Và phải “nuôi đủ”. “Đủ” ở đây có thể hiểu  là không thiếu, cũng có thể hiểu là đủ thứ: Nào cơm ăn, áo mặc; nào thức uống, gạo tiền; nào điếu đóm, lều chõng lại còn bầu bạn, thơ văn…

Như vậy, mặc dù không xuất hiện trực tiếp trên mỗi dòng thơ, nhưng sau mỗi câu thơ, sau mỗi hình ảnh thơ người đọc đều có thể hình dung rất rõ hoàn cảnh sống của bà Tú - trong thời gian “quanh năm”, giữa không gian “mom sông” và trong cái tất bật cuộc sống gia đình.

Cảnh kiếm sống của bà Tú tiếp tục được gợi tả cụ thể hơn ở hai câu thực:

Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt  nước buổi đò đông

Lời thơ của Tú Xương gợi về một hình ảnh quen thuộc trong ca dao xưa - hình ảnh con cò. Hình ảnh đó gắn với những cảnh ngộ tất tả, ngược xuôi của số phận người phụ nữ:

- Cái cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.

- Cái cò mày đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao

Ông ơi, ông vớt tôi nao

Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng

Có xáo thì xáo nước trong

Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.

- Nước non lận đận một mình

Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay

Ai làm cho bể kia đầy

Cho ao kia cạn, cho gầy cò con.

Trong thơ Tú Xương, cái cò, con cò, cò con giờ trở thành “thân cò”. “Thân cò” là sự hóa thân của thân phận người phụ nữ.

“Thân cò” tội nghiệp ấy “lặn lội” trong không gian rợn ngợp, heo hút “khi quãng vắng”. Và cả khi “buổi đò đông”, “thân cò” vẫn lầm lũi giữa “mặt nước”, giữa tiếng “eo sèo” chốn buôn bán ngược xuôi.

Hai câu thực này đối rất chỉnh, “khi quãng vắng” đối với “buổi đò đông”. Hai từ láy lặn lội - eo sèo được đảo lên đầu mỗi câu thơ càng nhấn mạnh nỗi vất vả, gian truân của bà Tú. Là con gái nhà dòng nhưng vì chồng, vì con “thân cò” mong manh ấy chấp nhận phong trần lấm láp, không quản ngại hiểm nguy, lặn lội “khi quãng vắng”, chen chúc “buổi đò đông”.

Vậy Tú Xương đứng đâu trong dòng đời tấp nập ấy? Dù cho “nay hàng Thao, mai phố Giấy” (Văn tế sống vợ), tưởng như “Tiền bạc phó cho con mụ kiếm” (Tự cười mình) thế là xong cuộc sống một nhà nho, nhưng thực ra ông Tú vẫn luôn dõi theo từng bước chân của vợ. Không có một tấm lòng, không có sự thấu hiểu với những vất vả, bon chen mà vợ phải trải qua nhà thơ không thể nào gợi ra được một cách chân thực về cuộc mưu sinh của bà Tú đến vậy! Đằng sau mỗi lời thơ, mỗi hình ảnh ta vẫn dễ dàng nhận thấy cái nhìn dõi theo của người chồng. Đó là thái độ khi thì xót xa, thương cảm, khi lo lắng thở dài, có cả sự thấu hiểu và lòng tri ân. Khi lòng thấu hiểu và sự tri ân đó được đẩy lên ở mức cao hơn, ông Tú nhập thân vào bà Tú, tự cảm tất cả những vất vả của thân phận:

Một duyên hai nợ âu đành phận

Năm nắng mười mưa dám quản công.

Hai câu thơ gần với lối nói dân gian nhờ cách sử dụng thành ngữ chéo của tác giả. Tú Xương đã sáng tạo chữ “duyên nợ”  thành “một duyên hai nợ”, vừa miêu tả được tình thương yêu của ông đối với bà vừa dự cảm được những khó khăn thử thách mà vợ ông phải vượt qua. Câu thơ chấp chới giữa hai làn nghĩa: Một là duyên hai là nợ bà cũng đều chấp nhận; duyên thì ít (một) mà nợ thì nhiều (hai) nên âu đành phận. Nếu hiểu theo nghĩa thứ nhất thì phẩm chất bà Tú hiện lên qua con mắt của Tú Xương nhất quán với phần đầu bài thơ, còn hiểu theo nghĩa thứ hai thì đó lại là lời Tú Xương mượn tiếng bà Tú để thể hiện sự ngưỡng mộ của đức ông chồng thi sĩ thành Nam với vợ mình. Sự xuất hiện nhiều của số đếm trong nhịp đầu của hai câu thơ “một duyên hai nợ”, “năm nắng mười mưa” làm cho sự vất vả, nhọc nhằn như được nhân lên gấp bội.

Vợ chồng là “duyên”, khi nên duyên thì có “nợ”. Với bà Tú đã nên duyên, dù có nợ thì “âu đành phận”. Cũng bởi thế mà dù cho có “năm nắng mười mưa”, dù có lam lũ, vất vả đến đâu đi nữa người phụ nữ ấy nào“dám quản công”. Đằng sau sự chấp nhận “âu đành phận”, “dám quản công” ấy là cả một đức hi sinh thầm lặng mà cao cả của người phụ nữ Việt Nam. Hai câu thơ đọc lên sao cứ ngậm ngùi. Cái ngậm ngùi ấy làm nên giọng trữ tình thiết tha, sâu lắng trong bài thơ. Cái ngậm ngùi ấy là nỗi niềm của người chồng trước vất vả, gian truân của vợ.

Trong sáu câu thơ đầu, Tú Xương đã phác họa rõ nét chân dung của bà Tú trong hoàn cảnh sống cụ thể, với đức tính đảm đang, với đức hi sinh cao cả. Bức chân dung ấy từng thấp thoáng trong nhiều sáng tác của Tú Xương:

Con gái nhà dòng lấy chồng kẻ chợ

Tiếng có miếng không, gặp chăng hay chớ

Mặt nhẵn nhụi, chân tay trắng trẻo, ai dám chê rằng béo, rằng lùn?

Người ung dung, tính hạnh khoan hòa, chỉ một nỗi hay gàn hay dở

Đầu sông bãi bến, đua tài buôn chín bán mười

Trong họ ngoài làng, vụng lẽ chào dơi nói thợ.

                                                           (Văn tế sống vợ)

Chẳng phải quan mà chẳng phải dân,

Ngơ ngơ ngẩn ngẩn hóa ra đần.

Hầu con chè rượu ngày sai vặt,

Lương vợ ngô khoai tháng phát dần.

                                          (Tự trào)

Đối rằng:

“Cực nhân gian chi phẩm giá, phong nguyệt tình hoài,

Tối thế thượng chi phong lưu, giang hồ khí cốt”

Viết vào giấy dán ngay lên cột

Hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay?

Rằng hay thì thực là hay,

Chẳng hay sao lại đỗ ngay tú tài!

Xưa nay em vẫn chịu ngài!...

                                     (Tết dán câu đối)

Tú Xương luôn dành cho vợ một vị trí xứng đáng trong đời thơ của mình. Khi hài hước, trào lộng, khi hóm hỉnh sâu cay, khi cảm thương sâu sắc, tất cả những sắc thái, giọng điệu ấy đều được qui về một cái gốc, đó là tình yêu thương vợ. Bà Tú là người phụ nữ hạnh phúc trong thơ của Tú Xương. Nỗi niềm thương vợ của ông Tú thật đáng quý, đáng trọng biết bao! Thương vợ là một thứ tình cảm rất đời thường, nhưng để tỏ rõ nỗi niềm thương vợ lại là điều hiếm gặp ở các nhà nho. Tú Xương đã phá bỏ rào cản quan niệm “trọng nam khinh nữ”, “nhất nam viết hữu thập nữ viết vô”, “đàn ông cái nhà đàn bà cái bếp”… để ngợi ca vợ, để nhận hết trách nhiệm về mình trong cuộc đời vất vả của vợ, để khắc ghi nỗi lòng tri ơn vợ, để cảm thấy nhỏ bé, cảm thấy có lỗi với vợ. Đó là một tình cảm lớn và sâu nặng. Tình cảm của Tú Xương dành cho vợ trở thành niềm an ủi lớn đối với cuộc đời bà Tú, mặt khác nó góp phần xé bỏ hàng rào bất công đối với người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Sự hạ mình của Tú Xương trước vợ đã nâng tư tưởng nhân văn của văn học thời kì này lên một bậc.

Ảnh minh họa: IT
Ảnh minh họa: IT

3.

Nỗi niềm trong bài thơ “Thương vợ”, Tú Xương không chỉ dành cho bà Tú mà đó còn là tâm sự  thế thời của một nhà nho.

Thương vợ nhưng cũng để tự trào cho một ông chồng vô tích sự. Trên đôi vai bà Tú không chỉ có “năm con” mà còn thêm “một chồng”. Không phải “năm con” và “chồng” là sáu. Bởi gánh nặng ông chồng bằng cấp số cộng, thậm chí là cấp số nhân của năm con. Có thể Tú Xương đã xem mình là đứa con thứ sáu - nhưng là đứa con đặc biệt của bà Tú, cũng phải để vợ nuôi. Tú Xương đã tự hạ mình ngang hàng với các con khi cay đắng, tủi hổ, xót xa nhận ra mình là một thứ con trong gánh nặng của vợ. Xuân Diệu từng cho rằng: “Đếm con, “năm con” chứ ai lại đếm chồng, “một chồng”. Tại vì phải nuôi như nuôi con cho nên mới ngang hàng để đếm cho đủ”. Cách nói tự trào ấy thật xót xa.

“Thương vợ” được làm bằng thể thất ngôn bát cú Đường luật, sáu câu thơ đầu là hình ảnh bà Tú, cuộc sống tảo tần của người vợ, phẩm hạnh của người phụ nữ Việt trong cái nhìn cảm thông, tri ân của ông Tú. Cái nhìn đó khi dõi theo bước chân thập thững của vợ lúc ở “mom sông”, “khi quãng vắng” và cả lúc “buổi đò đông”, khi lại lặn sâu, nhập thân, đồng cảm trong lời tự nhủ “Một duyên hai nợ âu đành phận; Năm nắng mười mưa dám quản công”, nhưng đến hai câu kết, cảm xúc đè nén bỗng bật lên thành tiếng chửi phẫn uất, tê tái:

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc

Có chồng hờ hững cũng như không.

Ông Tú chửi thói đời, chửi những nếp quen đáng chê trách mặc nhiên cứ được công nhận và chấp nhận. Hào lũy thành kiến của Nho giáo Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu xướng phụ tùy… mặc nhiên khuôn người phụ nữ vào nếp nhà, còn những ông chồng, ông đồ lại mặc nhiên được đi lọng che ô, được xướng thơ đồ họa, được phong lưu hoa tửu… Cái “thói đời ăn ở bạc” đó là của lịch sử. Dù nhận ra sự bất công, vô lí, nhưng ông Tú cũng là sản phẩm của lịch sử nên chỉ biết tự nhận mình là một ông “chồng hờ hững” có cũng như không. Xót xa là ở chính sự bất lực ấy. Giọng tự trào thật sâu cay.

Đằng sau tiếng chửi mình, chửi đời, chửi xã hội ấy, chúng ta bắt gặp những giọt nước mắt của nỗi đau, của tâm trạng phẫn uất, của bi kịch Tú Xương.

Từng “Cũng lều cũng chiếu cũng đi thi”, từng “lăm le bia đá bảng vàng” cho sang mặt vợ, nhưng do sinh ra gặp buổi thời mạt vận nên đành “Một việc văn chương thôi cũng nhảm; Trăm năm thân thế có ra gì”. Cả đời đi thi, không nghề không nghiệp, rốt cuộc dắt lưng được cái tú tài dở dang dang dở, trở thành “thái vô tích”, từ đây, ông Tú  chỉ “nay hàng Thao mai phố Giấy, sáng Tràng Lạc, tối Viễn Lai”, cũng từ đây “tiền bạc phó cho con mụ kiếm”, rồi “Hỏi ra quan ấy ăn lương vợ” (Quan tại gia), trở thành gánh nặng, thành “nợ” đeo đẳng cuộc đời bà Tú. Thế cho nên tâm sự dồn nén phẫn uất trào lên thành tiếng chửi cũng là điều dễ hiểu. Chỉ có điều, tâm sự đó không chỉ là bi kịch riêng của Tú Xương mà còn là bi kịch của cả một thế hệ.

Nguyễn Khuyến từng dành cho Tú Xương những câu thơ khắc cốt: “Kìa ai dưới suối xương không nát/ Ắt hẳn nghìn thu tiếng vẫn còn”. Khi tiếng thơ còn, tiếng lòng còn thì nỗi niềm của nhà Nho buổi thời lận đận ấy sẽ còn mãi gieo vào lòng người những xúc cảm sâu xa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

HLV Park Hang Seo gây sốt trên mạng xã hội trong tháng 3.

HLV Park Hang Seo gây 'sốt' mạng xã hội

GD&TĐ - Dù đã chia tay tuyển Việt Nam từ lâu nhưng HLV Park Hang Seo vẫn luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của người hâm mộ bóng đá trên dải đất hình chữ S.