Bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”: Tình cảm gia đình hòa vào tình yêu đất nước

Bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”: Tình cảm gia đình hòa vào tình yêu đất nước

Rasul Gamzatov - nhà thơ của mọi thời đại trong cuộc nói chuyện với báo Nước Nga văn học đã bày tỏ: “...Nền tảng của bất kỳ tác phẩm nào phải là chân lý được khắc họa bằng tất cả tài nghệ của nhà văn. Cần phải hát đúng giai điệu về thời đại mình và phải miêu tả nó một cách trung thực bằng những hình ảnh hấp dẫn, không một chút giả tạo”.

Trong thơ ca Việt Nam hiện đại, có nhiều bài thơ đã hát đúng giai điệu về thời đại nhưng lại vượt qua giới hạn để trở thành suối nguồn của tình yêu ca ngợi quê hương, đất nước. Lòng yêu nước thể hiện ở mỗi bài mỗi khác, tùy theo cảm hứng của tác giả, song đều là một nốt nhạc trong bản giao hưởng ngợi ca Tổ quốc và nhân dân anh hùng. Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm là một trong những bài thơ như thế.

Hình tượng xuyên suốt bài thơ chính là người mẹ dân tộc Tà-ôi. Người mẹ có mặt trong hầu hết các dòng thơ, câu thơ như những cây xà nu, cây kơ-nia vừa vút cao để tiếp nhận ánh sáng mặt trời lại vừa bám chặt vào lòng đất để không cơn gió to, bão lớn nào có thể làm chao đảo, ngả nghiêng. Người mẹ xuất hiện với tiếng ru ầu ơ, ngọt lành. Nhưng điều đặc biệt là khúc ru ngọt ngào, vấn vương ấy không phải bên vành nôi thơ bé mà lại gắn với công việc thật cụ thể: Vừa địu con trên lưng vừa giã gạo, tỉa bắp trên nương, thực hiện công việc kháng chiến.

***

Bài thơ gồm ba khúc: Khúc ru của chủ thể trữ tình, yêu thương, ước mơ với cấu trúc lặp lại. Mở đầu là tình yêu mẹ gửi đến em cu Tai:

Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi

Em ngủ cho ngoan đừng rời

lưng mẹ

Kết thúc là lời ru của mẹ cũng được lặp lại ở mỗi đoạn:

Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan

a-kay hỡi.

Mẹ thương a-kay, mẹ thương...

Con mơ cho mẹ...

Mai sau con lớn...

Trong mỗi khúc hát ru đều có hình ảnh người mẹ. Đó là người mẹ nghèo khổ, vai gầy, lưng nhỏ xuất hiện trên cái phông nền là vùng núi hoang vắng ở chiến khu miền Tây Thừa Thiên, nơi có dải Trường Sơn, núi Ka-lưi, có suối, rừng và dấu vết của làng đói với công việc vất vả cùng tình cảm, ước vọng đối với đứa con và quê hương, đất nước. Trên lưng mẹ, giấc ngủ em sâu nồng - những đứa trẻ lớn lên trong thời lửa đạn, lớn lên trên nương rẫy, ruộng đồng.

Hoàn cảnh không bình thường ấy đã góp phần thể hiện sự khốc liệt của chiến tranh. Tuy nhiên, trong khổ đau, hoang tàn, mất mát, cuộc sống vẫn sinh sôi, yêu thương vẫn đong đầy, con người vẫn đầy lòng tin tưởng bởi người mẹ ấy không lao động cho riêng mình mà là cho mọi người, cho đất nước. Mẹ giã gạo nuôi bộ đội để thắt chặt tình quân dân cá nước. Mẹ tỉa bắp vì làng đói. Mẹ đi đạp rừng, chuyển lán bởi cả dân tộc đang đánh Mỹ. Chiến dịch ấy đổ dồn trên nhiều câu thơ với hình ảnh liệt kê, nhịp thơ nhanh gấp:

Anh trai cầm súng, chị gái

cầm chông

Mẹ địu em đi để giành trận cuối

Mẹ địu trên lưng em cu Tai, mẹ là người mẹ chiến sĩ còn cu Tai của mẹ trở thành dũng sĩ diệt Mỹ tí hon:

Từ trên lưng mẹ, em đến

chiến trường

Từ trong đói khổ em vào

Trường Sơn.

Tầm vóc của mẹ đã vươn lên từ một người lao động bình thường đến người mẹ anh hùng, người mẹ Tổ quốc. Đặt trên vai mẹ là nhiệm vụ thiêng liêng của thời đại mới, thời đại lịch sử cách mạng Việt Nam.

***

Hướng phát triển của mạch thơ đi dần vào chiều sâu hình tượng. Vì sao người mẹ lam lũ, nhọc nhằn? Vì một nguồn sống khác chứ không vì củ sắn, bắp ngô mà vì mẹ thương a-kay, thương bộ đội, thương đất nước. Dòng máu trong mẹ đầy ắp tình thương, một tình thương nhân hậu, bao la, cao cả vô cùng. Trái tim mẹ đong đầy tình thương yêu đứa con, thắm mãi tình quân dân, một lòng vì Tổ quốc.

Mạch nguồn nội dung, chủ đề xuyên suốt của tác phẩm cũng là mạch nguồn xuyên suốt của thơ ca dân tộc. Tình cảm gia đình gắn liền tình yêu Tổ quốc, nỗi niềm riêng gắn với cái chung rộng lớn, cái “tôi” bé nhỏ hòa vào cái “ta” cộng đồng. Tình yêu thương của mẹ tuy vô hình mà lại có sức mạnh to lớn đối với những đứa con và đối với cả dân tộc. Để rồi từ đó, ước mơ mẹ bay vào giấc mơ con:

Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ

Mai sau con lớn làm người tự do.

Giấc mơ lớn nhất của mẹ dành cho em cu Tai là được làm người tự do của một đất nước tự do để được thấy Bác Hồ. Hình ảnh Hồ Chí Minh đặt trong bối cảnh này rực rỡ như một ánh hào quang. Chân thật và cảm động. Tính hiện đại của bài thơ, sự chất phác trong cách nghĩ của người miền núi đã gặp nhau trong hình ảnh Hồ Chí Minh vừa mới mẻ vừa quen thuộc. Bài thơ khép lại về hình thức nhưng tình thơ, ý thơ cứ mở ra để rồi khẳng định suối nguồn tình yêu, tình yêu con, gia đình, quê hương sẽ trở thành tình yêu đất nước. Đó cũng chính là lý do để bốn năm sau khi bài thơ ra đời, năm 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh hoàn toàn thắng lợi, Nam Bắc ca khúc khải hoàn như giấc mơ của người mẹ Tà ôi.

Bài thơ ra đời năm 1971, giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Khúc hát ru được phổ nhạc, trở thành Bài ca trên nương được nhiều người ưa thích. Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ cũng được đánh giá là một trong những bài thơ hay của thơ ca giai đoạn chống Mỹ cứu nước và của nền văn học Việt Nam. Giờ đây, đọc lại bài thơ, mỗi chúng ta vẫn rưng rưng xúc động bởi tình cảm mộc mạc, chân thành cao đẹp của những người mẹ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ gian khổ và oanh liệt của dân tộc ta - người mẹ Việt Nam!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ