Thường trực Tỉnh ủy Lai Châu đồng ý bổ nhiệm trái luật

GD&TĐ - Lãnh đạo doanh nghiệp vốn Nhà nước chiếm 98% tự tay ký giấy đề xuất mình vào vị trí giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT. Thường trực tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Lai Châu biết trái luật nhưng vẫn ra quyết định bổ nhiệm.

Ông Vì Văn Chung, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Nước Lai Châu trao đổi với phóng viên
Ông Vì Văn Chung, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Nước Lai Châu trao đổi với phóng viên

Theo Luật Doanh nghiệp 2014, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số phiếu biểu quyết thì Chủ tịch Hội đồng quản trị không được kiêm giám đốc hoặc tổng giám đốc. Bất chấp pháp luật, Công ty Cổ phần Nước sạch (Công ty Nước) Lai Châu đề xuất tỉnh bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) kiêm Giám đốc.

Chủ tịch HĐQT tự đề xuất bổ nhiệm mình trái luật

Công ty Cổ phần Nước sạch Lai Châu tiền thân là Công ty TNHH Xây dựng Lai Châu. Được chuyển đổi thành công ty cổ phần theo Quyết định số 261/QĐ-UBND ngày 31/3/2015 của UBND tỉnh Lai Châu. Về việc phê duyệt phương án cổ phần hóa, chuyển Công ty TNHH Xây dựng và Cấp nước Lai Châu thành Công ty Cổ phần Nước sạch Lai Châu.

Công ty TNHH Xây dựng và Cấp nước Lai Châu trước khi cổ phần đã được UBND tỉnh bổ nhiệm chức danh quản lý. Giám đốc Công ty là ông Vì Văn Chung. Phó Giám đốc là ông Nguyễn Văn Trường.

Quá trình cổ phần hóa, ngày 22/3/2016 Công ty Nước Lai Châu đã có Tờ trình số 32TTr/CTN, gửi Thường trực Tỉnh ủy và Ban cán sự Đảng UBND về việc đề nghị bổ nhiệm chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Nước sạch Lai Châu. Căn cứ để bổ nhiệm các chức danh trên được Công ty Nước Lai Châu dựa trên Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Về mặt pháp luật, Công ty Nước Lai Châu buộc phải hiểu, theo khoản 2, điều 152 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số phiếu biểu quyết thì chủ tịch HĐQT không được kiêm giám đốc hoặc tổng giám đốc. Ở Công ty Nước Lai Châu thì số vốn Nhà nước chiếm 98%.

Trong tờ trình, Công ty Nước Lai Châu đã viện dẫn cho việc vi phạm rằng: “Do điều kiện thực tế của doanh nghiệp hiện nay về doanh thu còn thấp, phạm vi phục vụ chưa nhiều, giá nước chưa được áp dụng đủ do điều kiện kinh tế, mức sống của người dân còn thấp dẫn đến doanh thu chưa đáp ứng đủ chi phí cho bộ máy quản lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Mặt khác, các yêu cầu, nhiệm vụ, chức năng của bộ máy quản lý công ty trước khi chuyển sang cổ phần và hiện tại cơ bản chưa có nhiều thay đổi”.

Vì thế, để việc lãnh đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của công ty đáp ứng yêu cầu và hiệu quả, phù hợp tình hình thực tế, tập thể cấp ủy và HĐQT Công ty Nước Lai Châu đã họp, thống nhất giải pháp trước mắt.

Theo đó đề nghị Thường trực Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và các cơ quan chức năng liên quan xem xét và quyết định bổ nhiệm ông Vì Văn Chung thời điểm đó là người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Điều hành Công ty Nước Lai Châu.

Bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Trường, thành viên HĐQT giữ chức vụ Phó Giám đốc công ty. Tờ trình trên do chính tay ông Vì Văn Chung, Chủ tịch HĐQT Công ty Nước Lai Châu ký đề xuất.

Trụ sở Công ty Nước Lai Châu.
 Trụ sở Công ty Nước Lai Châu.

Biết sai nhưng... vẫn cứ làm!

Trao đổi với Báo GD&TĐ liên quan đến những sai phạm trong quá trình bổ nhiệm, ông Chung thừa nhận rằng đó là việc sai trái.

“Nói sai thì nó cũng sai. Còn nói bảo là đúng thì nó cũng đúng một phần. Vì sao lại nói thế? Bởi theo Luật Doanh nghiệp (năm 2014) người ta đã nói là không được đứng 2 chức danh như thế. Nhưng theo Nghị định 71 (năm 2017) người ta vẫn cho phép đến tháng 8/2020 mới chấm dứt. Hai câu chuyện nó là như thế”, ông Vì Văn Chung nói.

Thời điểm 22/3/2016 Công ty Nước Lai Châu lập tờ trình đề nghị bổ nhiệm hai chức danh. Tờ trình trên căn cứ vào Luật số 68/2014/QH13 ban hành ngày 26/11/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015. Đến 6/6/2017 Nghị định 71/2017/NĐ-CP hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng mới ra đời. Ông Chung vẫn viện dẫn văn bản “ở tương lai” cho những đề xuất trên Luật “trong quá khứ” của mình.

“Quan trọng hơn cả là tại thời điểm mình xây dựng năm 2015 đúng không (?), khi chuyển đổi sang công ty cổ phần, thì tại Lai Châu thiếu về mặt nhân sự, nói chung là không có người. Thời điểm ấy, giám đốc cũ nghỉ, chuyển, không đầy đủ bộ máy.

Thứ hai nữa là với mức độ chi phí, với nội dung công việc điều hành của Công ty Nước Lai Châu nó quá nhỏ bé. Doanh thu tất cả mọi thứ nó không thể đáp ứng được. Từ những cái thực tiễn như thế thì tỉnh bảo trước mắt là tạm thời cứ cho kiêm nhiệm. Cứ kiêm nhiệm đi đã rồi hoàn chỉnh các thứ thì đến nhiệm kỳ này công ty mới đề nghị trình”, ông Chung phân trần.

Ông Vì Văn Chung lý giải thêm: “Mình cũng báo cáo sơ bộ với các bác ý rồi. Nhiệm kỳ này mình sẽ hoàn chỉnh lại cơ cấu bộ máy. Mình cũng tham khảo với một số tỉnh thì người ta cũng kiêm, nói chung kiêm nhiều thì mình mới trình thôi, để hết nhiệm kỳ thì mình mới hoàn thiện bộ máy”.

Theo cách lý giải trên thì rõ ràng bản thân ông Vì Văn Chung cũng như tập thể cấp ủy và HĐQT Công ty Nước Lai Châu đã biết quy trình bổ nhiệm cho ông Chung là sai.

Thường trực Tỉnh ủy Lai Châu và Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Lai Châu đã biết việc bổ nhiệm đối với ông Chung là sai xong vẫn cố tình làm. Ai sẽ chịu trách nhiệm cho những sai phạm trên. Lập ra cả bộ máy công quyền để thấy sai vẫn cứ làm thì phụng sự dân sao có thể đúng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.