Kỷ niệm 49 năm thống nhất đất nước

Nhớ 'Đoàn tàu không số' và bến cảng lòng dân

Một chiếc tàu thuộc “Đoàn tàu không số” chở vũ khí từ Bắc vào Nam.
Một chiếc tàu thuộc “Đoàn tàu không số” chở vũ khí từ Bắc vào Nam.

GD&TĐ -Huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) không chỉ được biết đến là vùng đất tận cùng cực Nam Tổ quốc mà còn là chiếc nôi của cách mạng trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc Nơi đây có những con người đã làm nên kỳ tích, những địa danh đã đi vào lịch sử, trong đó có bến Vàm Lũng, bến cuối cùng của con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển, tiếp nhận và cất giữ vũ khí an toàn cho những “Đoàn tàu không số” từ Bắc vào Nam.

Chuyến tàu không số đầu tiên cập bến

Đầu năm 1960, cùng với phong trào Ðồng Khởi Bến Tre, phong trào cách mạng của các tỉnh Nam Bộ chuyển mạnh lên thế tiến công và trở thành cao trào đồng khởi rộng khắp. Để đáp ứng yêu cầu vận chuyển vũ khí, hàng hóa chi viện cho chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ, trong khi vận chuyển đường bộ trên dãy Trường Sơn chưa mở rộng tới, quyết sách tổ chức lực lượng vận tải biển chi viện cho chiến trường Nam Bộ và Khu 5 được hình thành, tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển ra đời.

“Dù khó khăn nguy hiểm như thế nào và dù phải hy sinh tính mạng, chúng tôi quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, đáp ứng lòng mong mỏi của Đảng và nhân dân Nam Bộ”, lời hứa của đồng chí Bông Văn Dĩa, Chính trị viên đội tàu ngày 10/10/1962, trước khi cùng đoàn tàu Phương Đông 1 chở vũ khí tiến về miền Nam .

Theo đó, từ giữa năm 1961 đến giữa năm 1962, lãnh đạo Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ở các tỉnh: Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh và Bà Rịa đã cử đoàn 5 thuyền gỗ từ miền Nam ra miền Bắc để báo cáo tình hình, xin tiếp tế vũ khí và sau đó trực tiếp vận chuyển vũ khí, dẫn đường cho các tàu tiếp tế ngụy trang tàu đánh cá từ Bắc vào Nam.

Đêm 11/10/1962, chiếc tàu gỗ đầu tiên của tuyến đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển do đồng chí Lê Văn Một làm thuyền trưởng, đồng chí Bông Văn Dĩa làm chính trị viên tàu, cùng 11 thủy thủ đã rời bến Ðồ Sơn (Hải Phòng) tiến về Nam. Trải qua nhiều khó khăn do thời tiết, lẩn tránh tai mắt của đối phương, ngày 16/10/1962, tàu cập bến Vàm Lũng (Cà Mau), chở theo 30 tấn vũ khí từ hậu phương miền Bắc chuyển đến chiến trường miền Nam an toàn. Đây là chuyến tàu của “Đoàn tàu không số” khai thông tuyến vận tải chiến lược trên biển vào bến Vàm Lũng, đã đi vào lịch sử là bến đầu tiên đón nhận con tàu không số đầu tiên của con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển.

Sau thắng lợi của chuyến đi đầu tiên hay còn được gọi là sự kiện “Tàu Phương Ðông 1”, những chuyến tàu Phương Ðông 2, Phương Ðông 3... tiếp theo lần lượt vào Nam, vận chuyển được hơn 110 tấn vũ khí cập bến an toàn.

Ông Dương Thanh Hải, nguyên cán bộ Đoàn 962 (quê huyện Ngọc Hiển) cho biết, tính đến cuối năm 1970, bến Cà Mau đã tiếp đón tổng cộng 76 chuyến tàu với hơn 4.200 tấn vũ khí, đạn dược từ tiền tuyến lớn miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam; cùng với các bến khác tại Trà Vinh, Bến Tre, Bà Rịa… Số lượng tàu cập bến ở Cà Mau (chủ yếu là bến Vàm Lũng) chiếm hơn 50% lượt tàu “không số”, trực tiếp góp phần cùng các lực lượng vũ trang giành nhiều thắng lợi oanh liệt, như chiến thắng Ấp Bắc, Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là, Vạn Tường, Ba Gia, Bình Giã... làm thất bại về căn bản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đối phương trên chiến trường miền Nam, qua đó làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Mô hình phục dựng cảnh tàu không số chở vũ khí cập bến Vàm Lũng.

Mô hình phục dựng cảnh tàu không số chở vũ khí cập bến Vàm Lũng.

Bến cảng giữa lòng dân

Theo ông Dương Thanh Hải, mỗi chuyến tàu chở vũ khí cập bến an toàn là cả sự nỗ lực, không ngại gian khổ, hy sinh của tất cả anh em, chiến sĩ hải quân “Đoàn tàu không số” và lực lượng tại bến của Đoàn 962, cùng với đó là sự che chở, đùm bọc của nhân dân địa phương. “Mình hoạt động trong thời gian dài, phạm vi rộng nhưng địch không hề biết. Bến bãi, kho cất giữ vũ khí, đạn dược và hoạt động của Đoàn 962 người dân thời đó đều biết, nhưng không một ai hé môi, để lộ thông tin trước kẻ thù tàn bạo. Nếu không có tấm lòng sắt son, đùm bọc, chở che của người dân thì không có bến cảng và không thể nào “Đoàn tàu không số hoàn thành nhiệm vụ chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam”, ông Hải nói.

Trong một lần trở lại thăm di tích bến Vàm Lũng, Đại tá Khưu Ngọc Bảy, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962 cho biết: Sở dĩ Anh hùng LLVTND Bông Văn Dĩa chọn cửa Vàm Lũng làm bến tiếp nhận vũ khí vì khi khảo sát các ông phát hiện lúc thủy triều dâng cao thì tàu 60 tấn vẫn vào dễ dàng. Ngoài ra, cửa sông này rất hoang sơ, rừng đước nguyên sinh nhiều cây to, tán cây đan xen che kín, kẻ thù khó có thể phát hiện được. Nhưng có một vấn đề hệ trọng cần giải quyết lúc bấy giờ là tuyến sông này rất đông dân cư làm nghề đóng đáy trên sông. Để an toàn, buộc phải di dời gần 800 hộ dân vào sâu trong rừng.

Ông Dương Thanh Hải, nguyên cán bộ Đoàn 962 tham quan Di tích lịch sử bến Vàm Lũng.

Ông Dương Thanh Hải, nguyên cán bộ Đoàn 962 tham quan Di tích lịch sử bến Vàm Lũng.

“Chiến thắng của “Đường Hồ Chí Minh trên biển” là chiến thắng của lòng dân. Nếu không có sự đồng lòng hỗ trợ của nhân dân chắc chắn không có kỳ tích diễn ra. Để làm bãi tiếp nhận vũ khí, 800 hộ dân Vàm Lũng phải di dời nhà cửa từ ven biển vào sâu trong rừng, dù việc mưu sinh khó khăn nhưng tất cả đều ủng hộ, đồng tình. Có thời điểm, khi tàu cập bến, vì bảo vệ bí mật, không để kẻ thù phát hiện, người dân không được ra ngoài mua bán, phải bám trụ trong rừng cùng bộ đội để ra sức bảo vệ bến, có lúc phải ăn trái mắm thay cơm, thiếu nước ngọt... Tại Tân Ân, người dân cưu mang, che giấu một tổng kho có sức chứa lúc cao nhất lên tới hơn 1.000 tấn vũ khí, đạn dược. Năm 1963, có một chuyến tàu bị mắc cạn, lập tức bà con được huy động để chuyển hàng và vũ khí. Tổng kho này cách chi khu Năm Căn của địch khoảng chục cây số, vậy mà chúng chẳng thể phát hiện ra. Thế nên, bến Vàm Lũng chính là “Bến cảng lòng dân”, Đại tá Khưu Ngọc Bảy bùi ngùi nhớ lại.

Tượng đài di tích bến Vàm Lũng.

Tượng đài di tích bến Vàm Lũng.

Vị đại tá về hưu chia sẻ thêm, vùng đất Tân Ân, Ngọc Hiển bấy giờ người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề biển, nguồn lợi tôm cá nhiều lắm, nhưng họ vẫn hy sinh nguồn lợi kinh tế vào rừng ở nhường chỗ cho việc lập bến tiếp nhận vũ khí, phải nói sự hy sinh cho cách mạng rất lớn lao. “Đa số chiến sĩ của cụm bến Cà Mau đều là người xứ Tân Ân, Ngọc Hiển nên cuộc đời họ lúc nào cũng gắn bó máu thịt với biển, với rừng như cây mắm, cây đước bám rễ sâu vào lòng đất. Bến Vàm Lũng là một bến cảng giữa rừng, nhờ trái tim người lính và tấm lòng nhân dân cắm chặt với đất, với rừng nên không gì có thể hủy hoại được”, Đại tá Khưu Ngọc Bảy xúc động khẳng định.

Đường Hồ Chí Minh nối Quốc lộ 1 về tận Khu du lịch Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển.

Đường Hồ Chí Minh nối Quốc lộ 1 về tận Khu du lịch Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển.

Quê hương anh hùng đổi thay sắc diện

Vàm Lũng là bến tiếp nhận con tàu không số đầu tiên và cũng là bến cuối cùng trong hệ thống các bến, cảng đón nhiều nhất các “đoàn tàu không số”. Với giá trị, ý nghĩa lịch sử đặc biệt, ngày 10/11/2010 di tích bến Vàm Lũng thuộc tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Hiện tại, khu di tích được xây dựng nằm gần trung tâm hành chính huyện Ngọc Hiển. Công trình gồm tượng đài chính cao hơn 10 mét thể hiện năm tháng ghi dấu sự kiện, hai phù điêu hai bên có hình 2 con tàu đang vượt sóng và khu nhà trưng bày hiện vật, hình ảnh liên quan đến di tích. Đây không chỉ là nơi để những người từng trực tiếp mở đường lập bến và giữ bến tìm đến để hoài niệm mà còn là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc đối với thế hệ trẻ tỉnh Cà Mau.

Được sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước, khu vực bến Vàm Lũng (xã Tân Ân) nói riêng, huyện Ngọc Hiển nói chung đang từng ngày thay đổi diện mạo. Ông Đặng Hoàng Xứng ngụ khóm 8, thị trấn Gạch Gốc, Ngọc Hiển cho biết, những năm gần đây đời sống vật chất lẫn tinh thần người dân Tân Ân, Gạch Gốc cải thiện hơn rất nhiều. Đặc biệt hạ tầng giao thông được đầu tư giúp đi lại thuận tiện hơn, trường lớp xây dựng khang trang, điện lưới quốc gia đến từng xóm, ấp... khiến bà con rất phấn khởi.

Anh Phạm Lê Hiệp, một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ, sau nhiều năm, anh mới trở lại Đất Mũi (Ngọc Hiển, Cà Mau) tham quan. Lần trở lại mới đây anh thấy tốc độ phát triển hơn rất nhiều, nhất là về hạ tầng giao thông. “Từ TP Cà Mau mình đi thẳng xuống Khu du lịch Đất Mũi bằng xe ô tô không phải qua chiếc phà nào, ngày xưa phải đi bằng phương tiện thủy. Nhà cửa ở đây cũng mọc lên ngày càng nhiều, xây dựng kiên cố, khang trang hơn. Chỉ có một việc không thay đổi là người dân Đất Mũi vẫn rất thân thiện, mến khách”, anh Hiệp vui vẻ nói.

Trong chuyến công tác tại tỉnh Cà Mau, về thăm Đất Mũi vào đầu năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ đạo chính quyền và nhân dân phấn đấu phát triển vùng Đất Mũi xứng tầm là vùng đất cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc và tạo đà tăng trưởng kinh kế để huyện Ngọc Hiển sớm đạt chuẩn nông thôn mới. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, UBND tỉnh Cà Mau đã xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án xây dựng huyện Ngọc Hiển đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

“Tính đến nay, Ngọc Hiển đạt được 5/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Còn 4 tiêu chí chưa đạt gồm: Y tế - văn hoá – giáo dục; kinh tế; môi trường; chất lượng môi trường sống. Tổng số tiêu chí của 5 xã đạt 77/95 tiêu chí, bình quân đạt 15,4 tiêu chí/xã. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ngọc Hiển đang tiếp tục nỗ lực phấn đấu để đạt chuẩn huyện nông thôn mới theo đúng kế hoạch đề ra”, ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển bày tỏ tinh thần quyết tâm của địa phương.

“Năm tháng qua đi, bến Vàm Lũng đã có nhiều đổi thay, nhiều bạn bè, đồng chí, đồng đội năm xưa không còn gặp lại, song, màu xanh của rừng, biển và sự chân chất của lòng người nơi đây vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Chiến công anh dũng và sự hy sinh cao cả của các lực lượng mở đường vận tải chiến lược mang tên Bác Hồ kính yêu trên biển Đông, của những con tàu không số, của quân và dân các bến bãi làm nhiệm vụ chi viện cho cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến cứu nước đi vào lịch sử đấu tranh của dân tộc như một mốc son chói lọi và sống mãi trong lòng quân, dân Cà Mau nói riêng, cả nước nói chung”, Đại tá Khưu Ngọc Bảy chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.