Thương thay… nhan sắc!

GD&TĐ - Vậy là, cuộc thi hoa hậu tầm cỡ quốc gia có tuổi đời lâu nhất, được xem là uy tín nhất mang tên Hoa hậu Việt Nam đã khép lại vào cuối tuần qua.

Cũng như muôn cuộc thi khác, cuộc thi này chẳng thể tránh khỏi những ì xèo, bới móc và thường tập trung vào các thiếu nữ mới ở độ tuổi mười chín, đôi mươi. Nào là nhan sắc nàng hậu không có gì nổi bật, thậm chí còn kém chị kém em.

Nàng hậu trả lời câu hỏi ứng xử ngắc ngứ, hô khẩu hiệu và kém sắc sảo vậy mà vẫn đăng quang! Nào là năm trước nàng hậu đối đáp với bạn bè bằng những từ ngữ thô tục, thiếu… lành mạnh hay như công việc làm thêm của nàng á hậu 2 xem ra có phần nhạy cảm, chẳng phải đáng lưu tâm đó sao?

Công bằng mà nói, nếu những nàng hậu ấy thật sự xuất sắc, thật sự nổi trội thì dư luận việc gì phải nổi sóng ì xèo hay ngồi rảnh bới móc? Thế nhưng, dẫu là thế mà sao vẫn thấy thương thay cho nhan sắc Việt hôm nay.

Ấy là cái nỗi thương thay cho những nhan sắc vừa hé đã bị bủa vây, ép uổng trong hào quang vương miện, hào quang vật chất thì thử hỏi còn có thể tự nhiên rực rỡ được bao lâu? Ấy là cái nỗi thương thay cho khát vọng nhan sắc Việt vươn quốc tế sao cứ mong manh, đứt gãy?

Chẳng phải sao khi ngay trong đêm chung kết, vẻ đẹp của các thiếu nữ gần như bị nhấn chìm trong một chương trình tạp kỹ lô xô, vay mượn, chắp ghép ý tưởng cùng muôn vàn chiêu trò PR, quảng cáo của không biết bao nhiêu đối tác “xí chân” vào cuộc thi. Dường như, họ phải “ngụp lặn” trong những bộ sưu tập áo dài không tôn vinh được vóc dáng xuân thì, mà còn bị trở nên già nua, cứng nhắc.

Đã thế, họ còn phải nép mình sau 5 nàng hậu… mở màn. Ngán ngẩm hơn nữa khi tổng số thời lượng đêm chung kết được kéo dài gần 4 tiếng đồng hồ nhưng thời gian thực tế dành cho các chủ nhân đêm thi khoe sắc lại chẳng là bao. Mỗi màn trình diễn dồn dập ngắn ngủn để đan cài vào đó là phát biểu của nhà tài trợ hoặc phóng sự giới thiệu sản phẩm trá hình… dài phát ớn. 

Nói chung, dù chính danh là một cuộc thi nhan sắc tầm cỡ quốc gia nhưng dường như sàn diễn ấy chưa hẳn dành cho nhan sắc tỏa sáng mà chỉ là cái cớ để ban tổ chức cài lồng đối tác của mình quảng cáo thương hiệu.

Thế nên, khi nhan sắc gần như chỉ còn cửa nấp nom phía sau cho đủ thủ tục thì làm sao có cơ hội phô diễn một cách rực rỡ nhất, quyến rũ nhất để những người cầm cân nảy mực lựa chọn chính xác gương mặt xuất sắc nhất của cuộc thi để trao vương miện?

Và tất nhiên với những nàng hậu được chọn ra từ những cuộc thi nặng mùi vật chất, không ngừng thiếu trách nhiệm như thế thì làm sao có thể trông mong đến một ngày nhan sắc Việt sẽ tỏa sáng quốc tế như những nước bạn Philippines, Thái Lan…? Thực là thương thay… nhan sắc!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ