Năm nay, sau khi đã trải qua đại dịch Covid-19 kinh hoàng, nền kinh tế của nước ta đã bắt đầu hồi phục. Các chỉ số đã cho thấy dấu hiệu hồi phục sau đại dịch của Việt Nam là rất tích cực. Từ thu ngân sách đến xuất nhập khẩu đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.
Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát là những khái niệm vẫn thường nghe hằng ngày trên các diễn đàn cũng như các phương tiện truyền thông trong thời gian qua. Tuy nhiên, đời sống của người lao động, nhất là số công nhân ở các khu công nghiệp thì vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy dịch Covid-19 đã cơ bản được khống chế, song việc phục hồi kinh tế thế giới vẫn là bài toán nan giải. Ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 khiến công việc này ở nhiều nước vẫn diễn ra rất chậm chạp.
Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu như da giày, đồ gỗ và dệt may - những ngành nghề thu hút một lực lượng lao động rất lớn và mang về một lượng ngoại tệ đáng kể cho quốc gia từ nhiều năm qua.
Hàng loạt đơn hàng xuất khẩu đã bị cắt giảm hoặc hủy bỏ khiến cho các chủ doanh nghiệp đứng trước những quyết định khó khăn, đó là buộc phải cắt giảm số lao động không có hoặc thiếu việc làm trong một số dây chuyền sản xuất do tình hình xuất khẩu bị ngưng trệ.
Có những công nhân đã gắn bó với doanh nghiệp hàng chục năm nhưng buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm nghỉ để chờ diễn biến của tình hình.
Tính đến cuối năm nay, việc làm của gần nửa triệu công nhân đã bị ảnh hưởng, trong đó có trên 41 nghìn người mất việc. Lương hàng tháng không có để sống qua ngày nói gì đến thưởng Tết! Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn gửi các ngành, các cấp, đặc biệt là các Bộ LĐ-TB&XH, Liên đoàn Lao động Việt Nam là phải tìm mọi cách để giải quyết tình trạng thất nghiệp cũng như sớm phối hợp với các chủ doanh nghiệp bàn giải pháp trả nợ lương cho công nhân cũng như chăm lo việc hỗ trợ thất nghiệp và thưởng Tết cho người lao động.
Tại buổi giao ban trực tuyến giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam với LĐLĐ các tỉnh cho thấy, tình trạng thưởng Tết năm nay là vô cùng ít ỏi. Có những đơn vị, tiền thưởng Tết cho công nhân ít đến mức khó tin.
Với 50.000 đồng cho mỗi người lao động thì không biết phải chi tiêu làm sao cho cái Tết đây? Cá biệt cũng có những đơn vị thưởng Tết lên đến 100 triệu đồng/người nhưng số này quá ít, đa số chỉ dừng lại ở một vài tháng lương cơ bản là chính.
Một cái Tết nữa đã cận kề nhưng việc chăm lo Tết cho người lao động không phải doanh nghiệp nào cũng dư dả về tài chính. Mức độ thưởng Tết cho công nhân cũng là một cách giữ chân người lao động để họ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Ai cũng biết điều đó nhưng đôi khi lực bất tòng tâm.
Có những điểm sáng trong nền kinh tế, song bóng đêm khó khăn thì vẫn còn đó. Chỉ mong giai đoạn thắt ngặt này sớm vượt qua để mọi người ai cũng có những cái Tết sum vầy mà không còn quá bận tâm đến chuyện thưởng như năm nay nữa.