"Năm COVID buồn’: Đảo lộn chuyện tiền thưởng Tết

Tết đã cận kề và đây thời điểm để nhìn lại thành quả của cả một năm. Có thể nói, bức tranh về mức thưởng Tết đã phần nào phản ánh toàn cảnh nền kinh tế với những thay đổi đảo ngược do COVID-19.

"Năm COVID buồn’: Đảo lộn chuyện tiền thưởng Tết

Cứ dịp cuối năm là những người lao động làm công ăn lương lại thấp thỏm mong ngóng thưởng Tết. Và với rất nhiều người lao động, một cái Tết có no đủ hay không phụ thuộc phần nhiều vào thưởng Tết. Trải qua cả một năm khó khăn, thu nhập giảm đi vì đại dịch COVID-19, người lao động dù không quá hy vọng nhưng vẫn không khỏi thấp thỏm trông đợi vào tiền thưởng Tết.

Thưởng Tết Dương lịch tăng kỷ lục

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, mức thưởng Tết Dương lịch bình quân là 2,34 triệu đồng/người. Mức thưởng này tăng 151% so với thưởng dịp Tết Dương lịch 2020 (930.000 đồng/người). Đây có lẽ là mức thưởng Tết Dương lịch bình quân cao nhất cho đến nay.

Mức thưởng cao nhất dịp Tết Dương lịch năm 2021 là 990 triệu đồng tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Một số mức thưởng cao của doanh nghiệp khác tại các địa phương như: Hà Nội là 68 triệu đồng (doanh nghiệp có vốn đầu tư  nước ngoài), tại Đà Nẵng là 83,43 triệu đồng (doanh nghiệp có vốn đầu tư  nước ngoài), tại Bình Dương là 350 triệu đồng (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).

Lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết sở dĩ mức thưởng Tết Dương lịch tăng cao so với năm 2020 là do nhiều doanh nghiệp hỗ trợ thêm cho người lao động trong bối cảnh đời sống của người lao động chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19. Điều này thể hiện sự chia sẻ của doanh nghiệp đối với một năm bị giảm giờ làm, giảm thu nhập của người lao động.

Mặc dù thưởng Tết Dương lịch tăng kỷ lục song thưởng Tết Âm lịch vẫn không tránh khỏi xu hưởng bị giảm do ảnh hưởng tiêu cực từ COVID-19. Thưởng Tết Âm lịch năm 2021 bình quân là gần bằng 1 tháng lương, khoảng 6,36 triệu đồng/người, giảm 5% so với năm 2020 (6,69 triệu đồng/người).

Trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, mức thưởng cao nhất năm là 1,07 tỷ đồng/người thuộc về một doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi đó, mức thưởng Tết thấp nhất tại các doanh nghiệp có kế hoạch thưởng là 100.000 đồng, thậm chí không có thưởng Tết. Mức chênh lệch về thưởng Tết cao thấp cách nhau cả nghìn lần diễn ra hàng năm đã không còn lạ lẫm nhưng vẫn khiến người lao động không khỏi ngỡ ngàng.

Thế nhưng, khác với mọi năm, đa số người lao động có tinh thần sẻ chia khó khăn với doanh nghiệp nhiều hơn. Bởi để có thể duy trì một khoản thưởng Tết cho người lao động, các doanh nghiệp đều phải tiết kiệm chi phí, cắt giảm những khoản chi không cần thiết. Từ nguồn tiết kiệm này, các doanh nghiệp dù còn khó khăn vẫn chăm lo Tết cho người lao động.

Anh Nguyễn Văn Hiếu (Mê Linh, Hà Nội) chia sẻ: “Mình được thưởng 4 triệu mà mừng quá vì năm nay công ty mình rất khó khăn, sản xuất không tăng đều như mọi năm mà còn giảm. Một năm cả nước trải qua dịch bệnh, thiên tai, biết bao nhiêu khó khăn, nên mình càng trân trọng từng đồng tiền mình làm ra.”

Cho phép thưởng Tết bằng hiện vật

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhìn nhận thưởng Tết năm 2021 có sự phân loại. Đối với những doanh nghiệp năm 2020 không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch COVID-19 mà vẫn có công ăn việc làm cho người lao động, có lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh thì vẫn sẽ có thưởng Tết, đơn cử như ngành viễn thông, ngân hàng, điện lực...

(Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN).

Đối với các doanh nghiệp năm 2020 làm ăn kém hơn, nhưng vẫn cố gắng tiết kiệm, tích lũy từ quỹ lương, thì cũng sẽ thưởng tháng lương thứ 13 cho người lao động, như điện tử, sản xuất chế tạo, thủy sản... Số lao động được thưởng ít và không được thưởng cũng có nhưng sẽ không nhiều, thường rơi vào các ngành dệt may, da giày, du lịch, dịch vụ...

“Những năm trước, chỉ số GDP tăng 6-7%, nhưng năm 2020 giảm còn khoảng 3%, số lao động mất việc trong năm 2020 là 1,3 triệu người là rất lớn. Bản thân người lao động đều mong muốn có thưởng Tết, nhưng với tình hình khó khăn chung, cả thế giới cũng bị ảnh hưởng nên người lao động cũng phải chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp,”

Trong bối cảnh cạnh tranh nguồn nhân lực ngày càng gay gắt, đa số các doanh nghiệp đều hướng tới xây dựng cơ chế đãi ngộ phù hợp, đáp ứng nguyện vọng chính đáng, tạo niềm tin cho người lao động, mà thưởng Tết là một trong những giải pháp hữu hiệu. Do đó, thưởng cũng là một trong những nội dung được quy định mới trong Bộ Luật Lao động năm 2019, có hiệu lực từ năm 2021.

Nếu như trước đây Bộ Luật Lao động năm 2012 quy định thưởng phải bằng tiền mặt thì bây giờ cho phép thưởng có thể là tiền hoặc bằng tài sản và các hình thức khác. Như vậy, người sử dụng lao động không chỉ thưởng bằng tiền như quy định hiện nay mà có thể thưởng bằng tài sản, hình thức khác như cổ phần, cổ phiếu, hiện vật mà doanh nghiệp có được.

Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cho biết: Một số người lao động lo lắng rằng, nếu quy định như vậy thì sẽ có nhiều trường hợp doanh nghiệp lợi dụng quy định này để lấy những sản phẩm của doanh nghiệp không tiêu thụ được để thưởng cho người lao động. Thực tế từ trước đến nay có một số trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn nên dùng biện pháp lấy một số sản phẩm như: Màn tuyn, nước mắm, thậm chí gạch xây nhà… để thưởng Tết cho người lao động.

“Thực ra đây hầu hết là những trường hợp doanh nghiệp hết sức khó khăn, và họ cũng rất thiện chí muốn có một khoản cho người lao động. Nhưng cũng có thể có doanh nghiệp không khó khăn, vẫn có điều kiện nhưng lại lợi dụng quy định, lấy sản phẩm tặng người lao động để người lao động tiêu thụ hộ sản phẩm của mình, nhưng tôi nghĩ rằng rất ít trường hợp như vậy xảy ra,” ông Lê Đình Quảng nhận định.

Theo ông Lê Đình Quảng, từ tham khảo một số thông tin thì hầu hết người lao động vẫn mong muốn là thưởng bằng tiền. Tuy nhiên, quy định ở Bộ luật Lao động năm 2019 về thưởng đa dạng là phù hợp, linh hoạt với cơ chế thị trường.

Rất nhiều doanh nghiệp hiện nay có quà thưởng rất hữu ích, phù hợp, có ý nghĩa ví dụ như thưởng bằng tài sản có giá trị như là tivi, tủ lạnh, ô tô, xe máy và có những hình thức thưởng phù hợp với nhu cầu người lao động.

Tết đang cận kề và đây thời điểm để nhìn lại thành quả của cả một năm. Có thể nói, bức tranh về mức thưởng Tết đã phần nào phản ánh toàn cảnh nền kinh tế.

Trong bối cảnh nền kinh tế năm 2020 đầy biến động, thưởng Tết cho thấy sự sẻ chia của các doanh nghiệp và người lao động. Bước sang năm 2021 được dự báo là một năm khó lường trước diễn biến của dịch bệnh COVID-19, thế nhưng người lao động vẫn tiếp tục trông chờ một năm mới với việc làm ổn định lương để có thưởng cao hơn.

Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) nói về quy định thưởng Tết theo Bộ Luật Lao động mới.
Theo vietnamplus.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ