Diễn đàn Thương mại Quốc tế Việt Nam (VFIT) 2023 với chủ đề “Thương mại và Chuyển đổi kép: Hướng tới Chuyển đổi xanh và Chuyển đổi số” trong khuôn khổ hoạt động của Chương trình WTO Chair giai đoạn 2022-2026. Tham dự có đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, các sứ quán, trường Đại học và tổ chức nước ngoài, các doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi xanh và chuyển đổi số tại Việt Nam.
Phát biểu tại Diễn đàn, PGS. TS Phạm Thu Hương – Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình WTO Chair tại Trường ĐH Ngoại thương đã nhấn mạnh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là hai định hướng chiến lược phát triển kinh tế xã hội giúp cho các quốc gia tận dụng được cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 một cách chủ động và tích cực. Trường ĐH Ngoại thương đã và đang tích cực tham gia vào các vấn đề thời sự này.
Tham luận của GS Henry Gao, chuyên gia về Luật Thương mại quốc tế - đã cho thấy những sự khác biệt rõ nét trong các quy định về thương mại số của ba cường quốc hàng đầu thế giới, là Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, đồng thời lý giải cho sự khác biệt này từ quan điểm lợi ích và triết lý pháp lý của từng quốc gia. Đây được coi là những vấn đề quan trọng cần được xem xét trong các hiệp định thương mại tự do trong tương lai.
Các khách mời tham luận tại Diễn đàn. |
Ông Trần Minh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cung cấp một bức tranh toàn cảnh về thực trạng chuyển đổi số tại Việt Nam, các quan điểm chính sách, cách tiếp cận, các lĩnh vực ưu tiên và chiến lược quốc gia về chuyển đổi số. Nhà nước đánh giá là trọng tâm phát triển của toàn xã hội trong thời gian tới nếu như Việt Nam muốn bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới và hướng tới chuyển đổi xanh bền vững.
PGS. TS Đào Ngọc Tiến – Phó Hiệu trưởng trường ĐHNT, đặt ra một chủ đề nhận được sự quan tâm hiện nay liên quan đến cách thức hoạt động của Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh Châu Âu và một số khuyến nghị đối với Việt Nam. Theo đó, Việt Nam cần có các cơ chế định giá carbon và phát triển thị trường tín dụng carbon để giảm lượng khí thải trong quá trình sản xuất và là nền tảng cho các cuộc đàm phán thương mại với EU liên quan đến CBAM đối với hàng hoá nhập khẩu.
Phiên thảo luận bàn tròn các diễn giả là bà Nguyễn Thị Lệ Quyên – Phụ trách Văn phòng Chuyển đổi số, Cục phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Lê Huy Hoàng – Giám đốc tư vấn chuyển đổi số, FPT Digital, và luật sư Victor Crochet từ văn phòng Luật Van Bael & Bellis, tiếp tục đi sâu vào thực trạng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh tại Việt Nam trước những thách thức toàn cầu. Các chuyên gia đã nhấn mạnh chuyển đổi số sẽ góp phần quan trọng vào quá trình chuyển đổi xanh và ngược lại.
Cũng trong khuôn khổ của Diễn đàn, hoạt động Triển lãm đã cung cấp không gian cho các tổ chức, doanh nghiệp trình bày các giải pháp đã được thực hiện hướng tới chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.
Các thảo luận đã thúc đẩy các ý tưởng một cách hiệu quả nhằm nâng cao vai trò kết nối và hỗ trợ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp và các bên liên quan khi tham gia vào các hoạt động thương mại trong quá trình chuyển đổi kép. Sự kiện được tổ chức thành công đóng góp quan trọng trong việc hỗ trợ các bên liên quan đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của chính mình và đóng góp vào một tương lai số hoá hơn và xanh hơn cho xã hội.