Chuyển đổi số trong giáo dục trang bị cho người học năng lực thích nghi

GD&TĐ - Chuyển đổi số trong giáo dục sẽ trang bị năng lực thích nghi cho lực lượng lao động trong bối cảnh thế giới số hóa và toàn cầu hóa.

Chương trình “Công nghệ và Giáo dục” tại Trường ĐH Văn Lang, ngày 15/9. Ảnh: NTCC
Chương trình “Công nghệ và Giáo dục” tại Trường ĐH Văn Lang, ngày 15/9. Ảnh: NTCC

Ngày 15/9, Trường ĐH Văn Lang tổ chức chương trình “Công nghệ và Giáo dục”, cùng chuyên gia luận bàn về chuyển đổi số trong giáo dục đại học kỷ nguyên 4.0.

PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang dẫn một bài bài viết của tỷ phú Bill Gates hồi tháng 3/2023, khi ông nhận định rằng thời đại của AI (trí tuệ nhân tạo) đã bắt đầu. AI mang tính cách mạng cũng giống như điện thoại cầm tay hay mạng Internet.

Bill Gates có cái nhìn lạc quan về AI khi cho rằng AI sẽ có có ảnh hưởng rộng khắp, giúp tăng năng suất đáng kể trong nhiều lĩnh vực.

Với giáo dục, Bill Gates cho rằng AI sẽ cách mạng quá trình đào tạo thông qua cá nhân hóa việc học, hỗ trợ giảng viên trong quá trình giảng dạy và quản lý công việc, cũng như thúc đẩy thu hẹp bất bình đẳng về giáo dục đặc biệt ở các nước đang phát triển.

Vào tháng 6 năm nay, Liên Hiệp Quốc đã họp bàn chính thức về một khuôn khổ pháp lý để AI thật sự mang lại tác động tích cực cho phát triển.

Mới đây, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã ra kêu gọi việc quản lý việc sử dụng AI trong trường học. Những điều này đánh dấu công nghệ AI thật sự đã trở thành một phần của đời sống xã hội.

Theo các chuyên gia, chuyển đổi số hiện là xu thế tất yếu trên toàn cầu, tác động quyết định đến nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội của các nước trên thế giới.

Trong lĩnh vực giáo dục, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu để trang bị năng lực thích nghi mới cho lực lượng lao động trong tương lai, trước bối cảnh thế giới số hóa và toàn cầu hóa.

PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu tham luận tại chương trình. Ảnh: NTCC

PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu tham luận tại chương trình. Ảnh: NTCC

Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang đã tóm tắt hành trình chuyển đổi số - được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển của trường.

Năm 2021, Bộ GD&ĐT đồng ý đề xuất thí điểm xây dựng Trường ĐH Văn Lang thành đại học số. Từ đó đến nay, ứng dụng công nghệ đã hiện diện trong hầu hết hoạt động đào tạo, nghiên cứu, quản lý, vận hành và phát triển đội ngũ của trường.

Theo bà Trần Thị Mỹ Diệu, nhà trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới nhằm tối ưu hóa trải nghiệm của người học, hướng đến nâng cao hiệu quả của đào tạo.

Điều này bắt đầu từ việc rà soát, thiết kế chương trình đào tạo, trong đó xem xét các yếu tố công nghệ có tác động tích cực đến hiệu quả của việc dạy và học.

Song song với việc tiếp tục phát triển một nền tảng công nghệ chung phục vụ công tác quản lý và đào tạo, trường sẽ đầu tư vào các công nghệ đặc thù phục vụ đào tạo như hệ thống mô phỏng tương tác, phòng Lab ảo, nền tảng tương tác - thảo luận trực tuyến.

Nhiều tham luận từ các đại biểu trong nước và quốc tế được trình bày tại chương trình. Ảnh: NTCC

Nhiều tham luận từ các đại biểu trong nước và quốc tế được trình bày tại chương trình. Ảnh: NTCC

Cũng tại chương trình, các đại biểu đã nghe các tham luận của diễn giả: Giáo sư Donald Marinelli, Đồng sáng lập Trung tâm Công nghệ giải trí (Đại học Carnegie Mellon), Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Arizona State, Giáo sư tại Đại học Columbia; TS. John Kang, Đại diện Đại học Carnegie Mellon tại Châu Á; bà Sonja Delafosse, Giám đốc Chương trình Áp dụng - Xây dựng năng lực và bền vững cho Giáo dục của Microsoft; ông Eklavya Bhave, Đại diện châu Á của Coursera; ông Lim Seng Tat, Giám đốc kinh doanh khu vực Đông Nam Á của Altair Engineering…

Các tham luận luận “Microsoft: Các xu hướng công nghệ mới trong giáo dục”; “Sự hội tụ của khoa học tính toán và AI cho khối ngành kỹ thuật - Ứng dụng trên hành trình chuyển đổi số trong giáo dục” của Altair Engineering; tham luận của đại diện Coursera - nền tảng học trực tuyến lớn nhất thế giới giúp người nghe cập nhật xu hướng hướng phát triển của thế giới, tiếp cận những giá trị đột phá mà công nghệ mang lại.

Đáng chú ý, tại chương trình, Giáo sư Donald Marinelli thực hiện bài giảng đại chúng về AI, Metaverse và Internet vạn vật, chia sẻ những góc nhìn về tiềm năng và ứng dụng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...