Thượng đỉnh Mỹ - Thổ: Nóng chuyện S-400

GD&TĐ - Ngày 13/11 (giờ Mỹ), trong khuôn khổ chuyến thăm được đánh giá là quan trọng của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đến Mỹ, ông Erdogan và ông Trump có cuộc đàm phán hết sức khó khăn. Trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đầy rẫy những bất đồng, đạt được những thỏa thuận mấu chốt lúc này là rất khó.

Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan trong cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng vào ngày 13/ 11/2019. Ảnh: New York Times
Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan trong cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng vào ngày 13/ 11/2019. Ảnh: New York Times

S-400 - Tâm điểm trong quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ

Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không hiện đại S-400 của Nga khiến người Mỹ nổi cơn thịnh nộ. Những tuyên bố đầy tính hăm dọa kiểu như đưa Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi gói hợp đồng máy bay chiến đấu F- 35 hay trừng phạt khiến nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ trở nên điêu đứng…

Tuy nhiên, trước chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Donald Trump đã gửi cho ông Recep Erdogan một bức thư với những lời mời chào đầy hấp dẫn. Nào là cho phép Thổ Nhĩ Kỳ trở lại với gói hợp đồng máy bay chiến đấu F-35, nào là đề xuất một thỏa thuận thương mại trị giá 100 tỷ USD…, nếu Ankara ngừng sử dụng S-400 của Nga.

Câu chuyện S-400 thực sự là tâm điểm trong quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay trong cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng hôm 14/11, Tổng thống Mỹ nói: “Thổ Nhĩ Kỳ mua lại thiết bị công nghệ cao của Nga như S-400, tạo ra một số khó khăn rất nghiêm trọng cho chúng tôi và chúng tôi thường xuyên thảo luận về nó, thảo luận hôm nay và sẽ thảo luận về nó trong tương lai”. Donald Trump bày tỏ hy vọng rằng tình trạng này sẽ được giải quyết.

Theo ông Trump, lãnh đạo hai nước đã yêu cầu người đứng đầu các cơ quan đối ngoại và cố vấn an ninh quốc gia của cả hai nước bắt đầu ngay lập tức để giải quyết “vấn đề S-400”.

Đổi lại, Tổng thống Erdogan nói rằng ông đã thảo luận với ông Trump về việc mua S-400 và máy bay chiến đấu F-35 mới nhất của Mỹ.

“Hôm nay, chúng tôi đã thảo luận về S-400 và F-35. Tôi nghĩ rằng chỉ bằng đối thoại, chúng tôi mới có thể giải quyết những vấn đề liên quan đến hệ thống S-400 và chương trình F-35 mà chúng tôi gặp phải”, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định.

Ông Erdogan nói thêm rằng, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sẵn sàng đàm phán về việc mua hệ thống phòng không Patriot của Mỹ “nếu điều kiện phù hợp”.

Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa yêu cầu Hoa Kỳ dẫn độ nhà thuyết giáo Hồi giáo đối lập Fethullah Gulen.

Ông Erdogan nói sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Mỹ Tổng thống Donald Trump tại Washington: “Chúng tôi một lần nữa bày tỏ yêu cầu ngăn chặn Gulen ở lại Hoa Kỳ... Chúng tôi đã trao nhiều tài liệu trong chuyến thăm này. FETO (tên được sử dụng ở Thổ Nhĩ Kỳ) là kẻ khủng bố đối với chúng tôi... Điều này là không thể chấp nhận được. Chúng tôi muốn Hoa Kỳ trao trả ông ta cho chúng tôi”.

Recep Erdogan sẽ đổi S-400 lấy hàng tỷ USD?

Còn nhớ, vào đêm trước chuyến đi tới Mỹ, ông Erdogan đã nói rõ: Trong cuộc mặc cả dài của Ankara và Washington, ông có thể tiến một bước về phía trước. Về phần mình, ông Trump đã cố gắng sử dụng một củ cà rốt và một cây gậy.

Vào cuối tháng 10, tổng thống Mỹ hứa rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trả giá đắt cho việc mua S-400 từ Nga và can thiệp trực tiếp vào Syria. Tuy nhiên, trước chuyến công du Washington của Tổng thống Recep Erdogan, ông Trump lại ve vãn bằng hợp đồng kinh tế trị giá 100 tỷ USD và hợp tác quân sự sâu rộng, trong đó cho phép Ankara quay trở lại dự án F-35.

Trong khi đó, Nga đã hoàn thành việc giao tất cả các thành phần S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ theo thỏa thuận. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng, việc giao lô thứ hai có thể được thực hiện muộn hơn so với lịch trình.

Bình luận về điều này, Chủ tịch Hội đồng Chính sách đối ngoại và quốc phòng Nga Fedor Lukyanov cho rằng, ông Erdogan sẽ tích cực chơi theo đề nghị của Nhà Trắng để từ chối ủy thác những chiếc S-400 đã mua từ Nga.

“Ông ấy (Erdogan-ND) đã hoàn thành nghĩa vụ với Nga, mua lại hệ thống phòng không S-400. Sau đó, làm với nó là đặc quyền của mình. Có lẽ chỉ cần cất vào kho và không đụng tới”. Cũng theo lời ông Lukyanov thì điều này khá lạ, nhưng không phải không có.

“Tôi nghĩ rằng, đây là một vấn đề nghiêm trọng đối với các đồng minh của Hoa Kỳ và NATO, vì vậy sẽ có những cuộc thương lượng thực sự”, ông Fedor Lukyanov khẳng định.

Tuy nhiên, V. Blokhin, một chuyên gia phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh của Viện Hàn lâm Khoa học Nga lại tin rằng Tổng thống Erdogan không còn chỗ để “múa” với S-400.

Nếu nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ từ chối S-400 để đón nhận những lời hứa hậu hĩnh của Tổng thống Trump, ông ấy sẽ gặp rắc rối. Ông ấy sẽ đánh mất hình ảnh của mình: Đồng ý hợp tác với Moscow, sau đó trở mặt. Trong hoàn cảnh như vậy, rất ít người muốn hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ - ông Blokhin nói với tờ “Vzglyad”.

Và nói chung, đối với Erdogan, việc quay trở lại hợp tác chặt chẽ với Mỹ là không thể - Blokhin tin tưởng. Theo chuyên gia này, Ankara sẽ không quên sự cân nhắc của Quốc hội Mỹ về việc công nhận tội ác diệt chủng người Armenia và khó có thể quên lời Donald Trump về khả năng phá hủy nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ”.

Ấy là chưa kể, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo còn đe dọa tấn công phủ đầu vào Thổ Nhĩ Kỳ vì những hoạt động quân sự chống lại người Kurd ở miền Bắc Syria. Trong bối cảnh ấy, làm sao Erdogan có thể thực hiện bất kỳ thỏa thuận nào với Mỹ?

Theo các nhà phân tích, trước mắt, rất có thể Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lựa chọn chính sách “đu dây” giữa hai siêu cường Nga và Mỹ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bệnh nhi bị rắn cắn điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: BVCC

Nguy cơ tử vong khi trẻ bị rắn cắn

GD&TĐ - Rắn độc cắn là một tai nạn khá thường gặp, có thể dẫn đến tử vong nếu xử trí không thích hợp, đặc biệt khi bị rắn hổ cắn.

Ngôi nhà còn là 'lớp học' bồi dưỡng, trao truyền dân ca ví, giặm cho thế hệ trẻ.

Còn sức còn trao truyền dân ca ví, giặm

GD&TĐ - Dưới sự hướng dẫn của vợ chồng nghệ nhân, những năm gần đây câu lạc bộ Dân ca ví, giặm xã Cẩm Mỹ liên tục phát triển và giành nhiều giải thưởng.