Giới chuyên gia dự đoán đến năm 2040, châu Á sẽ nắm trong tay hơn 50% GDP của thế giới và 40% tiêu dùng toàn cầu.
Tiềm lực và đà phát triển của châu Á được đánh giá rất rộng mở trong thời gian tới. Tuy nhiên, “thế kỷ châu Á” phải đối mặt với thách thức chưa từng thấy từ biến đổi khí hậu. Trong 20 năm qua, khu vực này đã chịu tác động từ nhiều thảm họa như mực nước biển dâng cao, thời tiết cực đoan… đe dọa sự tồn tại của các hòn đảo, thành phố ven biển.
Ước tính, số lượng thảm họa khí hậu hiện nay tăng cao so với thế kỷ trước. Châu Á cũng chiếm tỷ lệ phát thải khí nhà kính lớn nhất trong thế kỷ 21. Điều này có liên quan đến tình trạng nóng lên toàn cầu và đặt ra nguy cơ về an ninh lương thực, tuổi thọ và nền kinh tế các quốc gia.
Theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới, tại châu Á, Trung Quốc là quốc gia phải hứng chịu nhiều lũ lụt, bão, lở đất và hạn hán nhất với gần 500 thảm họa tính từ năm 2000. Xếp sau là Ấn Độ, Philippines lần lượt hứng chịu 333 và 290 thiên tai.
Tuy nhiên, châu Á có nhiều cơ hội để quản lý các nguy cơ và thách thức từ biến đổi khí hậu. Các quốc gia phát triển hàng đầu khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản đang đi đầu thế giới về ứng dụng công nghệ năng lượng sạch giúp giảm nhẹ tác động từ biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, châu Á đang tích cực đàm phán và thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP26), đang diễn ra tại Glasgow, Scotland.
Một trong những điểm nổi bật trong Hội nghị COP26 là sự góp mặt của các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân tại châu Á trước các vấn đề về biến đổi khí hậu. Bên cạnh những cam kết chung của các quỹ công và của các quốc gia, châu Á đang huy động nguồn vốn tư nhân lớn chưa từng có trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Đứng trước những thách thức do biến đổi khí hậu gây nên, việc khu vực tư nhân tích cực tham gia vào các hoạt động của Hội nghị COP26 là điều hoàn toàn dễ hiểu. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã bắt đầu hành động, như tài trợ cho các quỹ môi trường bền vững; tăng chí phí cho các hoạt động giảm khí thải nhà kính, bảo vệ môi trường; ứng dụng công nghệ xanh trong sản xuất…
Nhưng các doanh nghiệp tư nhân đang hành động đơn độc, chưa có sự phối hợp nhịp nhàng và chặt chẽ cùng chính phủ các nước và thế giới. Do đó, theo Quỹ IRFS (Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế), khu vực tư nhân cần thước đo để đánh giá mức độ phối hợp và tiến độ hoạt động của khu vực tư nhân trong việc chống biến đổi khí hậu.
Thước đo cũng là căn cứ để các công ty tư nhân hành động vì môi trường, thay vì chỉ tập trung vào lợi ích cá nhân. Và thước đó này phải được phát triển đảm bảo tính độc lập, tương tự như khung pháp lý cho các cuộc kiểm toán tài chính thông thường.
Phần lớn trách nhiệm giải quyết khủng hoảng khí hậu thuộc về chính sách của chính phủ, cam kết của khu vực tư nhân và công nghệ. Nhưng nếu có thước đo chung cho các doanh nghiệp có quy mô khác nhau, châu Á có thể huy động nguồn vốn tư nhân tương đối dồi dào, thiết yếu để giải quyết thách thức lớn nhất trong thời đại chúng ta.