Liên quan đến thu chi, trước thềm mỗi năm học mới, Bộ GD&ĐT đều có công văn yêu cầu giám đốc sở GD&ĐT tỉnh, thành hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện công khai theo đúng quy định hiện hành. Đến lượt mình, sở GD&ĐT lại có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã và cơ sở giáo dục thực hiện thu học phí và những khoản thu khác theo đúng quy định. Riêng hoạt động thu chi của ban đại diện CMHS, từ năm 2011 Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT với những nguyên tắc rõ ràng trong việc thu quỹ, những nội dung nào được chi, nội dung nào không được phép chi từ quỹ CMHS.
Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng lạm thu, thu chi không đúng quy định, đặc biệt liên quan đến quỹ CMHS, vẫn diễn ra khiến dư luận xã hội hết sức bất bình. Mới đây, một trường ở Hà Nội rò rỉ bảng thu chi quỹ phụ huynh hàng chục khoản với tổng số tiền lên tới gần 2,5 tỷ đồng mà mới chỉ là tiền chi trong một học kỳ; rồi một trường tại TPHCM cũng thu quỹ CMHS hàng trăm triệu đồng, trong đó có nhiều khoản chi sai so với quy định...
Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục còn khiêm tốn, nhiều hoạt động trong nhà trường cần triển khai nhưng thiếu kinh phí, quỹ CMHS và các khoản tài trợ cho giáo dục có ý nghĩa rất lớn để chung tay với nhà trường chăm lo việc học tập và sinh hoạt của học sinh. Tuy vậy, thực tế cũng có nhiều nơi quỹ CMHS bị biến tướng thành “quỹ ngoại giao” với mục đích không liên quan đến học tập, có nội dung còn nằm trong vùng cấm của Thông tư 55. Chẳng hạn như mới đây truyền thông đưa tin dự toán thu chi của quỹ CMHS một lớp nọ có kinh phí “chăm cô” còn lớn hơn chăm trò.
Vận động CMHS chung tay góp sức, góp công cùng chăm lo việc học tập cho con em, vun đắp cho sự nghiệp trồng người là cần thiết trong điều kiện tài chính dành cho giáo dục còn eo hẹp. Ở nhiều địa phương, trường học, sự chung tay của phụ huynh, các nhà hảo tâm đã tạo hiệu quả đáng ghi nhận trong đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng sinh hoạt, học tập của học sinh. Chẳng hạn, ở cấp tiểu học, khi môn Tin học chưa bắt buộc thì việc đầu tư phòng máy, trang thiết bị hiện đại bằng ngân sách là hết sức khó khăn. Nhờ sự chung tay của phụ huynh, nhà tài trợ theo các mô hình xã hội hóa mà nhiều trường ở TPHCM, Cần Thơ… thuận lợi khi triển khai Chương trình GDPT 2018 có môn Tin học bắt buộc từ lớp 3.
Tuy vậy, việc huy động nguồn lực phụ huynh, dù là vì mục đích tốt cho học sinh, cũng cần tuân thủ đúng quy định, hướng dẫn của cơ quan chức năng, tránh lạm thu làm ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ gia đình - nhà trường; ảnh hưởng tới việc xây dựng môi trường văn hóa học đường, gây bức xúc dư luận.
Không phải ngẫu nhiên mà Điều 13, Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT quy định ràng buộc trách của hiệu trưởng nhà trường, giáo viên chủ nhiệm trong quản lý và tổ chức các hoạt động của CMHS. Rõ ràng hiệu trưởng nhà trường, giáo viên chủ nhiệm đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp, hỗ trợ để hoạt động CMHS hiệu quả, đúng quy định, trong đó có các vấn đề liên quan đến kinh phí. Thế nhưng đến nay, việc xử lý trách nhiệm liên quan đến lạm thu ở các trường cũng chỉ ở mức nhắc nhở, rút kinh nghiệm, phê bình, ít có hiệu trưởng nào bị giáng chức, cách chức vì ngó lơ hay mượn tay ban đại diện CMHS lạm thu.
Thuốc chưa đắng nên tật cũng chưa dã. Song song với việc kiểm tra công tác thu chi đầu năm học, chấn chỉnh lạm thu hoặc thu các khoản trái quy định, đã đến lúc các địa phương cần xử lý nghiêm khắc, kịp thời hơn đối với các thành viên ban giám hiệu nơi xảy ra lạm thu, kể cả đó là chủ trương của nhà trường hay “nối dài” qua ban đại diện CMHS hoặc giáo viên chủ nhiệm.