Chống lạm thu đầu năm học tại Hà Nội

GD&TĐ - Năm học 2022 - 2023, ngành GD-ĐT Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp về công tác thu, chi ở các trường học, kiên quyết chống lạm thu...

Học sinh Hà Nội trong ngày khai giảng.
Học sinh Hà Nội trong ngày khai giảng.

Nhiều khoản thu chưa được thỏa thuận

Bước vào năm học mới, mối lo của các bậc phụ huynh được giải tỏa khi HĐND thành phố Hà Nội quyết định không tăng học phí trong năm học này. Dù vậy, câu chuyện về các khoản thu ngoài học phí vẫn là đề tài nóng trên các diễn đàn.

Vừa vơi mối lo học phí, giữa tháng 9 vừa qua, nhiều phụ huynh học sinh Trường Mầm non Cự Khê (huyện Thanh Oai) bày tỏ sự bức xúc về việc nhà trường dùng một phần tiền thu thêm của một số lớp để sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất trường học mà không có sự thỏa thuận.

Cụ thể, phụ huynh phản ánh về việc nhà trường giới thiệu tổ chức một số lớp dạy học theo cách tiếp cận mới, phương pháp mới. So với lớp bình thường, mức tiền đóng thêm của lớp này là 500.000 đồng/tháng. Các phụ huynh mong muốn con mình được học trong môi trường tốt hơn nên xin vào lớp học này.

Tuy nhiên, đến buổi họp phụ huynh, phụ huynh bất ngờ khi nhà trường cho biết với số tiền 500.000 đồng/tháng ở các lớp “xã hội hóa” mà họ phải đóng thêm sẽ được chia làm 2 phần: 50% nộp về cho nhà trường và 50% giữ lại ở lớp. 50% nộp về nhà trường được thông báo dùng để chi cho việc sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất của nhà trường.

Bảng kế hoạch được nhà trường lập ra, nhưng phụ huynh cho hay chưa hề được họ thông qua. Phụ huynh không đồng tình bởi tiền đóng góp cơ sở vật chất đầu năm họ vẫn phải đóng như các lớp thường. Trường cũng có chi phí phân bổ sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất do huyện cấp hằng năm nên khoản tiền sửa chữa bổ sung chia riêng cho 6 lớp “xã hội hóa” là không hợp lý.

Còn tại Trường Tiểu học Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm), phụ huynh cho rằng ngoài một số khoản thu như tiền nước uống tinh khiết, tiền học hai buổi/ngày, tiền ăn, tiền phục vụ bán trú còn xuất hiện 2 khoản thu chưa hợp lý. Cụ thể, nhà trường thu 150.000 đồng/học sinh/tháng khoản thu tiếng Anh Smart Horizon. Dự kiến chi là nộp trả cho đơn vị tiếng Anh.

Tiền câu lạc bộ trông giữ học sinh sau giờ học chính thức là 180.000 đồng/học sinh/tháng. Số tiền này sẽ chi lương giáo viên trực tiếp giảng dạy, chi lương quản lý, phục vụ, y tế, cơ sở vật chất. Hay tại một trường học khác không ít phụ huynh xôn xao bàn tán về một bảng dự kiến thu chi được cho là của ban phụ huynh lớp 1 ở Hà Nội.

Theo đó, có hàng loạt đầu mục mà ban phụ huynh kê ra để kêu gọi đóng góp, như Trung thu, tham quan dã ngoại, ngày 20/11, ngày Noel, Tết Nguyên đán, hội chợ, ngày 8/3, chi thường xuyên, thăm hỏi ốm đau, hiếu hỉ... Tổng chi dự kiến của các khoản này là hơn 132 triệu đồng. Con số này là lớn vì lớp có 37 học sinh, tính trung bình mỗi gia đình có con học ở lớp này sẽ gánh 3,5 triệu đồng.

Buổi họp phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Buổi họp phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ

Một trong những giải pháp quan trọng nhằm hạn chế hiện tượng lạm thu đầu năm học, đó là công khai, minh bạch các khoản để phụ huynh nắm rõ và thực hiện đúng. Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường tuyệt đối không lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT.

Bảy khoản tiền mà ban đại diện không được thu cũng được công khai, gồm: Bảo vệ cơ sở vật chất, an ninh; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp, trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; mua máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các cơ sở giáo dục tổ chức quán triệt và phổ biến tới toàn thể cán bộ, giáo viên, cha mẹ học sinh các văn bản chỉ đạo thu chi của các cấp quản lý giáo dục, niêm yết công khai các văn bản chỉ đạo. Các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm giải trình trước người học, xã hội về các mức thu, khoản thu.

Sở cũng yêu cầu các nhà trường thực hiện tốt công tác phối hợp giữa nhà trường với Ban đại diện cha mẹ học sinh trong quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh; phổ biến điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh tới cha mẹ học sinh. Thủ trưởng các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên về những khoản thu chi sai quy định.

Ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình - thông tin: Phòng đã công khai đường dây nóng phản ánh tình trạng lạm thu đến phụ huynh. Các nhà trường thực hiện tốt công tác phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh trong quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh; phổ biến điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh tới cha mẹ học sinh.

Bà Nguyễn Diệu Ánh - Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm - cho biết, để ngăn tình trạng lạm thu, các khoản thu đã được minh bạch hóa, phổ biến đến tất cả phụ huynh học sinh. Liên Phòng GD&ĐT - Tài chính đã có tờ trình UBND quận phê duyệt các khoản thu khác trong năm học 2022 - 2023 gồm: Tiền phục vụ bán trú, học phẩm, nước uống, tiền học 2 buổi/ngày tại 17 trường mầm non, 12 trường tiểu học và 7 trường THCS trên địa bàn.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết thêm, Sở cũng đã yêu cầu các phòng GD&ĐT, các nhà trường công bố số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận những thông tin liên quan đến công tác giáo dục; không thu gộp nhiều khoản vào một thời điểm. Sở sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thu chi; xử lý nghiêm, kịp thời đối với hiệu trưởng nhà trường để xảy ra sai phạm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ