Thùng giao thức ăn nóng sử dụng nhiệt pô xe máy

GD&TĐ - Dự án thùng giao thức ăn nóng sử dụng nhiệt thải là sản phẩm của nhóm SV Khoa Công nghệ Nhiệt, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM (IUH).

Thùng giao thức ăn nóng của nhóm sinh viên Trường Đại học Công nghiệp TPHCM.
Thùng giao thức ăn nóng của nhóm sinh viên Trường Đại học Công nghiệp TPHCM.

Dự án thùng giao thức ăn nóng sử dụng nhiệt thải trên phương tiện vận chuyển là sản phẩm của nhóm sinh viên Khoa Công nghệ Nhiệt, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM (IUH).

Đáp ứng nhu cầu

Sinh viên Nguyễn Bá Linh, thành viên của nhóm cho biết, nhận thấy nhu cầu đặt thức ăn nóng (cơm, cháo, phở, hủ tiếu, gà rán, pizza…) online tại các thành phố lớn ngày càng tăng nhanh, nhằm thỏa mãn nhu cầu ăn ngon như “bếp mẹ nấu” thông qua dịch vụ giao hàng shipper, nhóm đã thực hiện đề tài này.

Có thể thấy, túi giao hàng và công nghệ giữ nhiệt trong các túi trên thị trường Việt Nam nói riêng, toàn cầu nói chung chưa đáp ứng được nhu cầu. Thêm vào đó, tình trạng ùn tắc giao thông trong các thành phố lớn ở nước ta cũng gây trở ngại tới việc giao thức ăn nóng sốt.

Do đó, loại thức ăn yêu cầu ăn nóng mới ngon này khi đến được tay người đặt hàng hầu hết bị nguội lạnh, người dùng muốn ăn ngon phải đưa vào bếp nấu hay hâm lại.

Ý tưởng của nhóm sinh viên là giải quyết các mục tiêu giữ nhiệt và gia tăng được nhiệt cho loại thức ăn yêu cầu nóng hổi như mới múc ra từ bếp cho người dùng thông qua app đặt hàng online, ngay cả khi trời mưa, gió hay mùa Đông hoặc quãng đường vận chuyển xa hay kẹt xe trên đường thời gian vận chuyển hàng thức ăn kéo dài.

Đồng thời, tái sử dụng nhiệt thải từ pô xe máy để giữ nhiệt, làm nóng thức ăn khi nhận và giao góp phần tiết kiệm năng lượng trong đun nấu, giảm phát thải lên môi trường sống của con người.

Việc nấu hoặc hâm lại thức ăn sau khi nhận qua app online vừa bất tiện, có thể làm mất đi một số thành phần dinh dưỡng trong đồ ăn, đặc biệt lại gây ra tốn phí thời gian, điện và gas; không những thế còn góp phần làm tăng gánh nặng phát thải CO2 ...

“Những bất tiện trong việc giao thức ăn nóng tại các đô thị hiện nay đã khiến chúng tôi hình thành ý tưởng lập nhóm nghiên cứu và xây dựng dự án “Thùng giao thức ăn nóng sử dụng nhiệt thải trên phương tiện vận chuyển”. Thức ăn lấy từ trong thùng giao hàng tới tay khách đặt hàng luôn nóng hổi, thậm chí nhiệt trong thức ăn còn nóng hơn, nhiệt độ tăng lên trong quá trình vận chuyển trên đường giao hàng”, sinh viên Nguyễn Bá Linh chia sẻ.

thung-giao-thuc-an-nong-su-dung-nhiet-po-xe-may-1-3883-5430.jpg

Tăng hiệu suất động cơ và tuổi thọ pô

Trưởng nhóm Trần Thanh Vũ cho biết, nguồn nhiệt cấp cho thùng giao hàng được lấy từ nhiệt thải của pô xe máy. Thùng giao hàng giữ nhiệt nóng sẽ được lắp đặt cho các shipper cung cấp thực phẩm yêu cầu nóng sốt đến người sử dụng từ các nhà hàng, quán ăn.

Ngoài ra, công nghệ này còn có thể ứng dụng được trên các loại xe ô tô dùng cho các gia đình đi picnic, đi chơi xa cần mang thực phẩm nóng sốt để ăn mà không cần đun nấu, hâm lại khi đến địa điểm du lịch.

Khi di chuyển, ống pô xe sẽ tỏa một lượng nhiệt nhất định. Lượng nhiệt này sẽ được thu gom bằng hệ thống dây dẫn để đưa vào thùng để đồ ăn, do đó đồ ăn sẽ luôn nóng.

“Loại thùng hàng giữ nhiệt cho thực phẩm yêu cầu giữ nhiệt nóng dự kiến sẽ được ứng dụng triển khai, phát triển khu vực miền Bắc, miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên vào khoảng thời gian trời giá rét, mưa dầm. Làm sao để kết quả cuối cùng là thực phẩm chứa bên trong đến với khách hàng luôn nóng hổi... Đối với xe máy gắn loại pô xe đặc biệt này cho phép giải nhiệt trong quá trình di chuyển, giúp nâng cao hiệu suất động cơ, tăng tuổi thọ pô xe và tuổi thọ phương tiện vận chuyển”, sinh viên Trần Thanh Vũ chia sẻ.

Nhóm ấp ủ ý tưởng này từ năm thứ 2 học đại học và phát triển thành công mô hình trong khoảng thời gian 2 năm, dưới sự hướng dẫn của PGS.TS Bùi Trung Thành, giảng viên Trường Đại học Công nghiệp TPHCM. Sản phẩm vừa đạt giải Nhất cuộc thi “Innogreenlife 2023 - Đổi mới sáng tạo vì cuộc sống xanh” lần thứ 3 do Trường Đại học Công nghiệp TPHCM tổ chức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.