Nhóm sinh viên sáng chế robot y tá thông minh

GD&TĐ - Robot y tá tích hợp AIoT thông minh có thể thực hiện được nhiều thao tác giống như người là sản phẩm của nhóm sinh viên.

Nhóm sinh viên với giải pháp robot Florence (robot y tá) hỗ trợ từ xa tại các bệnh viện.
Nhóm sinh viên với giải pháp robot Florence (robot y tá) hỗ trợ từ xa tại các bệnh viện.

Robot y tá tích hợp AIoT thông minh có thể thực hiện được nhiều thao tác giống như người là sản phẩm của nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM.

Hỗ trợ từ xa

Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh ứng dụng số hóa, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, nhóm AIoT BKR (gồm 5 thành viên) nhận thấy tình trạng quá tải bệnh viện và thiếu hụt y bác sĩ là thách thức lớn, khiến tình trạng bệnh nhân thiếu sự tương tác hỗ trợ về mặt tinh thần trong quá trình điều trị, cách ly... Hiểu rõ nhu cầu cấp thiết này, nhóm đã phát triển Florence (robot y tá) hỗ trợ từ xa tại các bệnh viện.

Trong lĩnh vực y tế, công cụ hỗ trợ từ trí tuệ nhân tạo AI này ngày càng được ứng dụng rộng rãi để đơn giản hóa việc chăm sóc bệnh nhân và cắt giảm chi phí không cần thiết. Bệnh nhân thích được tư vấn bởi bác sĩ thật hơn và trí thông minh nhân tạo đã giúp cho bệnh nhân khi trò chuyện với chatbot có cảm nhận giống như đang trò chuyện trực tiếp với bác sĩ.

Trong đại dịch, nhiều quốc gia đã ban bố lệnh hạn chế đi lại, phong tỏa để giảm nguy cơ lây nhiễm, vì vậy, phương thức khám bệnh từ xa là lựa chọn tối ưu. Trong tình thế này, các chatbot được điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo đã trở thành một phần không thể thiếu tại nhiều bệnh viện để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Florence được trang bị những tính năng tiên tiến như tự động điều hướng và nhận diện bệnh nhân, vận chuyển vật phẩm y tế, đo lường chỉ số sức khoẻ cơ bản, giao tiếp bằng giọng nói để hướng dẫn và nhắc nhở bệnh nhân về liệu trình điều trị.

Sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT), robot có khả năng thu thập dữ liệu bệnh nhân và truyền đạt nhanh chóng đến bác sĩ để hỗ trợ chẩn đoán và điều trị hiệu quả. Khả năng hỗ trợ từ xa này của Florence là yếu tố quan trọng giúp giảm tải cho nhân viên y tế và đảm bảo người bệnh vẫn được quan tâm chu đáo.

Đại diện nhóm chia sẻ thêm rằng, một trong những điểm nổi bật của Florence là khả năng giao tiếp bằng giọng nói, giúp robot dễ dàng tiếp cận với nhiều đối tượng bệnh nhân khác nhau, từ người già đến trẻ em, bất kể mức độ thành thạo công nghệ.

Nâng cao chất lượng chăm sóc y tế

“Với tầm nhìn tạo ra những sản phẩm “Do người Việt - cho người Việt”, nhóm AIoT BKR mong muốn phát triển các công nghệ phù hợp với nhu cầu của hệ thống y tế Việt Nam, với chi phí hợp lý.

Bằng cách kết hợp công nghệ tiên tiến với sự am hiểu về thị trường nội địa, nhóm tin tưởng rằng Florence và các sản phẩm robot tương tự sẽ giúp nâng cao chất lượng chăm sóc y tế và mang lại sự tiện ích tối ưu cho người dân Việt Nam”, đại diện nhóm chia sẻ.

Nhóm sinh viên cho biết, sự thật là robot không thể thay thế chuyên môn của bác sĩ, ứng dụng này cũng không thể đảm nhận hoàn toàn việc chăm sóc bệnh nhân. Tuy nhiên, việc kết hợp những gì tốt nhất giữa “bác sĩ thật” và “bác sĩ ảo” sẽ nâng cao hiệu quả chăm sóc bệnh nhân, đơn giản hóa và theo dõi nhanh việc chăm sóc mà không làm giảm chất lượng.

Tư vấn sức khỏe từ xa mang lại khả năng tiếp cận tốt hơn cho các cộng đồng nông thôn và không được phục vụ đầy đủ, giúp họ đặt lịch hẹn, giữ lịch hẹn dễ dàng hơn. Những người bị hạn chế về khả năng di chuyển hoặc những người không thể lái xe có thể dễ dàng nhận được sự chăm sóc mà họ cần hơn. Các trung tâm y tế nông thôn có thể kết nối bệnh nhân với các chuyên gia theo yêu cầu.

Công nghệ tư vấn sức khỏe từ xa cho phép theo dõi bệnh nhân và thu thập dữ liệu thường xuyên. Điều này có thể khuyến khích các thực hành tự chăm sóc và thông báo chẩn đoán tốt hơn. Hệ thống tư vấn sức khỏe từ xa tích hợp AI có thể tự động phân tích dữ liệu bệnh nhân và giúp các nhà cung cấp dịch vụ y tế phản hồi nhanh chóng với các phát triển mới.

Trong thời đại Internet vạn vật (Internet of Things - IoT), kết nối cực nhanh có nghĩa là nhiều loại thiết bị và dụng cụ y tế khác nhau có thể được kết nối với máy chủ hoặc đám mây. Do đó, công nghệ tư vấn sức khỏe từ xa có thể sử dụng dữ liệu thời gian thực để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe từ xa chất lượng cao hơn.

Với ý tưởng độc đáo này, nhóm AIoT BKR của Trường Đại học Bách khoa TPHCM đoạt giải Nhất cuộc thi “Bach khoa Innovation 2024” nhận phần thưởng là 30 triệu đồng, 1.000 USD và gói hỗ trợ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ