Thực vật cũng biết khi nào tính mạng bị đe dọa

GD&TĐ - Quả thật đó là một tin buồn cho những người ăn chay, khi mà phần lớn đều cho rằng tránh xa thực phẩm từ động vật một phần vì không muốn làm tổn hại những sinh vật biết di chuyển và ít nhiều có chút tính linh trên Trái đất, còn thực vật chỉ là những loài vô tri vô giác.

Thực vật cũng biết khi nào tính mạng bị đe dọa

Nói cách khác, hầu hết loài thực vật cũng “biết” khi nào bạn ăn chúng và đương nhiên là chúng không thích điều này. Đó chính là kết luận đầy bất ngờ từ nghiên cứu vừa công bố bởi các nhà khoa học tại Đại học Missouri (Hoa Kỳ), trong đó chỉ ra rằng thực vật có thể “cảm nhận” được khi nào chúng đang bị ăn và từ đó, chúng phát động cơ chế tự vệ để ngăn chặn điều này xảy ra.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã khảo sát một loại cỏ dại họ mù tạt có tên khoa học là Arabidopsis. Đây là loài thực vật có họ hàng gần với bông cải xanh, cải xoăn, mù tạt xanh và một số loài khác thuộc họ cải. Loài này thường được sử dụng trong các thử nghiệm khoa học bởi nó là loài thực vật đầu tiên được lập trình từ gen và các nhà khoa học cũng có những hiểu biết khá tường tận về chúng.

Để giải đáp cho câu hỏi liệu thực vật có biết khi nào chúng bị ăn hay không, các nhà nghiên cứu tại Missouri đã ghi lại một số âm thanh với độ chính xác cực cao về những rung động do một con sâu tạo ra khi nó đang ăn lá cây Arabidopsis nhằm kiểm chứng giả thuyết rằng thực vật có thể cảm nhận hoặc nghe được những rung động bằng một hình thức nào đó. Trong thử nghiệm, họ đã kiểm soát các yếu tố gây nhiễu như rung động từ các tác động tự nhiên như gió…

Kết quả, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, loài cây Arabidopsis đã sản sinh ra dầu mù tạt, dùng như một loại chất độc nhẹ, khi chúng bị ăn. Loại dầu này sẽ được cây gửi lên những chiếc lá để đuổi kẻ tấn công đi. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu còn nhận thấy rằng, khi loài cây “cảm giác hoặc nghe” được những rung động do bị loài sâu gặm nhấm, chúng sẽ gửi thêm lượng lớn dầu. Trong khi đó, đối với những rung động khác từ môi trường thì Arabidopsis không phát sinh các phản ứng tự vệ này.

Heidi Appel, nhà khoa học tại Bộ phận khoa học thực vật thuộc Đại học Nông nghiệp, thực phẩm và tài nguyên thiên nhiên, trực thuộc Đại học Missouri, nhận định: “Các nghiên cứu trước đây đã điều tra các thực vật phản ứng lại với năng lượng âm học, bao gồm cả âm nhạc. Tuy nhiên, nghiên cứu này là lần đầu tiên tìm hiểu phản ứng của thực vật với những rung động xuất phát từ hệ sinh thái tự nhiên. Chúng tôi nhận thấy rằng khi gặp những rung động do bị ăn, một số thay đổi sẽ xảy ra trong quá trình trao đổi chất của thực vật, giúp chúng tạo nên những loại hóa chất phòng vệ nhằm chống lại sự tấn công của loài sâu”.

Chí ít, các nhà nghiên cứu rõ ràng cũng không tìm cách khuyến cáo là nên hạn chế ăn cả thực vật, thay vì chỉ “cứu rỗi” động vật khỏi việc biến thành các món ăn của đông đảo người ăn chay trên thế giới hay những nhà bảo vệ động vật trên thế giới hiện nay. Dẫu vậy, chắc chắn chẳng ai thích thú khi ngắt một ngọn rau non đưa lên miệng mà biết rằng, chúng cũng cảm nhận rõ việc đang bị “ăn thịt” và cố vùng vẫy trong bất lực…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Yêu chay” không có nghĩa là mối quan hệ thiếu tình yêu. (Ảnh: ITN)

Vì sao 'yêu chay' ngày càng phổ biến?

GD&TĐ - Có tới 40 triệu người Mỹ đang trong các mối quan hệ lãng mạn không quan hệ tình dục. Đáng nói,phần lớn những người này hoàn toàn hài lòng với điều đó.