“Thực thi” phương pháp, kỹ thuật dạy học giúp HS hứng thú học tập

GD&TĐ - Cử tri tỉnh Bến Tre đề nghị ngành Giáo dục (GD) đánh giá kết quả các chương trình thí điểm trong thời gian qua; việc thí điểm các chương trình dạy học cần phải cân nhắc cẩn trọng, không nên thí điểm trên con người, nhất là đối với trẻ em.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo nghiên cứu, vận dụng một số phương pháp, hình thức dạy học tiên tiến của thế giới vào các cấp học phổ thông như: Dạy học giải quyết vấn đề, dạy học tìm tòi nghiên cứu, dạy học dự án, phương pháp “bàn tay nặn bột”, Mô hình Trường học mới (Mô hình VNEN), Tiếng Việt 1 - Công nghệ GD (TV 1-CNGD)...

Những đổi mới trong chỉ đạo về phương pháp dạy học thời gian vừa qua không phải là thực hiện chương trình mới mà là “thực thi” những phương pháp, kỹ thuật dạy học nhằm tăng cường sự tích cực, hứng thú của học sinh (HS) trong học tập. Việc áp dụng các mô hình này đã được Bộ GD&ĐT đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm. Thông qua đó cho thấy, việc đổi mới phương pháp và hình thức dạy học đã đạt nhiều điểm tích cực:

Mô hình VNEN đã tạo được môi trường GD thân thiện, dân chủ trong nhà trường và lớp học; HS tích cực, tự lực, tự quản trong học tập; mối liên hệ giữa nhà trường với cha mẹ HS và cộng đồng được tăng cường.

Cách tiếp cận của tài liệu TV1-CNGD đi từ “âm” đến “chữ” giúp HS hình thành tư duy, phương pháp học tập tích cực; ngữ liệu trong tài liệu sinh động, gần gũi với HS; các bài học từ khái quát đến cụ thể nhằm phát huy tối ưu khả năng của từng HS; HS tích cực tham gia vào hoạt động để tạo ra sản phẩm cho chính mình.

Tuy nhiên, quá trình triển khai đổi mới còn có những hạn chế do điều kiện về cơ sở vật chất còn khó khăn, thiếu thốn, sĩ số lớp học đông; một bộ phận cán bộ quản lý (CBQL) các cấp còn nặng thói quen bao cấp, áp đặt, cản trở sự đổi mới; tâm lý làm theo thói quen, ngại đổi mới của nhiều giáo viên (GV) còn tồn tại; kỹ năng thực hiện trong thực tế về dạy học tích cực của một số GV chưa thuần thục, dẫn đến việc tổ chức hoạt động GD chưa đạt được hiệu quả mong muốn, gây ra những băn khoăn trong dư luận. Bên cạnh đó, công tác truyền thông, cung cấp thông tin cho chính quyền địa phương và phụ huynh HS chưa kịp thời, đầy đủ nên chưa tranh thủ được sự ủng hộ, tham gia của chính quyền, cộng đồng và cha mẹ HS trong quá trình triển khai thực hiện.

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục đánh giá khảo sát, để điều chỉnh những bất cập và phát huy những điểm tích cực, giúp cho việc đổi mới phương pháp, hình thức dạy học thực sự thiết thực, hiệu quả. Đồng thời, làm tốt hơn công tác truyền thông để chủ động tuyên truyền tới toàn xã hội hiểu đúng về chủ trương đổi mới, tạo niềm tin trong phụ huynh HS, xã hội; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý theo hướng đổi mới cho CBQL, GV các cấp để một mặt áp dụng hiệu quả hơn các phương pháp dạy học tích cực nhằm nâng cao chất lượng dạy học theo định hướng phát triển năng lực HS, mặt khác, coi đây chính là giải pháp truyền thông tốt nhất để đông đảo cha mẹ HS, xã hội hiểu đúng về những đổi mới mà Bộ đang chỉ đạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.