Thực tế đáng buồn!

GD&TĐ - Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 do Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm của Bộ Y tế làm chủ đầu tư.

Đến năm 2018, một số hạng mục của hai dự án hoàn thành, trong đó có khu khám bệnh nhưng cũng từ đó, cả hai dự án tạm dừng xây dựng. Hiện nay cả 2 bệnh viện đều đóng cửa, dù tiến độ giải ngân đạt hơn 55% và 57%...

Đây là báo cáo của của đại diện hai bệnh viện với Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác khi khảo sát hiện trường, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án xây dựng 3 bệnh viện lớn trên địa bàn tỉnh Hà Nam diễn ra vừa qua.

Dự án xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai tại thành phố Phủ Lý, Hà Nam được khởi công xây dựng vào cuối năm 2014, dự kiến hoàn thành vào năm 2017. Sau gần 2 năm chậm tiến độ, đến tháng 3/2019, phòng khám Bệnh viện Bạch Mai mới chính thức đón tiếp bệnh nhân.

Thế nhưng sau gần một năm đi vào hoạt động, ngày 30/3/2020 bệnh viện thông báo tạm thời dừng hoạt động... Còn khu khám bệnh thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 được khánh thành vào tháng 10/2018 nhưng chỉ dừng ở mức cắt băng khánh thành chứ chưa từng tiếp nhận bệnh nhân...

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm tiến độ của hai dự án này được cho là do chưa lường hết các phát sinh trong quá trình triển khai dự án, nhất là việc thực hiện các quy định trong đầu tư xây dựng cơ bản như thực hiện các hợp đồng xây dựng; phát sinh vướng mắc trong thực hiện các hợp đồng và thanh quyết toán, giải ngân vốn.

Để giải quyết, Bộ Y tế đề xuất Thủ tướng cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2024. Đồng thời chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tiếp tục ưu tiên cân đối vốn cho các dự án; Bộ Xây dựng chủ trì rà soát, hướng dẫn xử lý, tháo gỡ các vướng mắc...

Thực tế, không chỉ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hay Bạch Mai mà còn nhiều bệnh viện tuyến Trung ương khác đang rơi vào tình trạng quá tải. Nguyên nhân là bệnh nhân nhiều nhưng số giường bệnh được giao ít. Cơ sở vật chất, lực lượng y, bác sĩ không đủ để phục vụ bệnh nhân. Vì vậy, việc xây dựng cơ sở 2 là cần thiết, đồng thời cũng là phương án tối ưu giúp giảm tình trạng quá tải.

Thế nhưng với tình trạng “xây xong rồi đắp chiếu”, theo một đại biểu Quốc hội là thực tế đáng buồn, cần nhanh chóng xem xét và đánh giá lại tình trạng. Cơ sở vật chất đã đầy đủ chưa, có đội ngũ thầy thuốc hay không? Bệnh viện đã đủ điều kiện đi vào hoạt động chưa? Nếu đủ thì cần phân cử đội ngũ y, bác sĩ về làm việc, tránh gây lãng phí kéo dài - vị đại biểu Quốc hội này nhấn mạnh.

Có thể thấy, việc chậm tiến độ tại các dự án đầu tư xây dựng cơ bản đã trở nên “phổ biến” bởi rất nhiều lý do, cả khách quan và chủ quan. Yêu cầu của cơ quan chức năng bao giờ cũng là sớm giải quyết dứt điểm. Tuy nhiên, để thực hiện không phải dễ.

Như với hai dự án này, nguyên nhân đã được chỉ rõ, đó là xuất phát từ những yếu kém, sai lầm khi lập, tư vấn, thẩm định dự án, quyết định đầu tư, chọn nhà thầu, hợp đồng, đấu giá và tổ chức thực hiện.

Cho nên, vấn đề còn lại, đồng thời cũng là yêu cầu của Thủ tướng tại buổi làm việc là phải giải quyết dứt điểm, sớm hoàn thiện để đưa hai bệnh viện đi vào hoạt động, phục vụ khám, chữa bệnh, đáp ứng mong mỏi của nhân dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.