Liên tiếp phát hiện thực phẩm “bẩn”
Với 13 triệu dân, mỗi ngày TPHCM tiêu thụ khoảng 1.200 tấn thịt gia súc, gia cầm; mỗi năm tiêu thụ hơn 264.000 tấn thực phẩm đông lạnh; 1.000.000 tấn rau; khoảng 170.000 tấn thủy sản. Trong khi sản xuất nông nghiệp tại thành phố chỉ đáp ứng được 20 đến 30% nhu cầu thực phẩm của người dân, phần còn lại phải nhập từ các tỉnh qua nhiều đường khác nhau.
Mặc dù thành phố đã tăng cường cảnh báo, xử lý các vụ sai phạm liên quan đến vận chuyển, kinh doanh mặt hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch nhưng thời gian qua tình trạng vận chuyển trái phép thực phẩm tươi sống vào thành phố đang tái diễn, nhiều vụ vi phạm với khối lượng lớn.
Thông tin từ Chi cục Thú Y thành phố cho biết, chỉ trong 4 tuần (từ tuần 36 đến tuần 40 năm 2018) trạm kiểm dịch chốt chặn tại những tuyến đường cửa ngõ của thành phố đã phối hợp với các đội Cảnh sát Giao thông ngăn chặn 31 vụ vận chuyển trái phép sản phẩm động vật từ các tỉnh thành lân cận vào thành phố tiêu thụ.
Nhiều vụ việc có tính chất nghiêm trọng, cụ thể ngày 20/9/2018, lực lượng liên ngành đã thực hiện kiểm tra xe khách biển kiểm soát số 18B-01689 phát hiện trên xe vận chuyển 35 con dê sống (gồm 33 con dê sống và 2 con dê đã chết) từ tỉnh Bình Phước về thành phố. Số dê trên được nhốt trong khoang hành lý đóng kín cửa, làm việc với cơ quan chức năng, chủ lô hàng cũng như chủ phương tiên không xuất trình được giấy chứng nhận kiểm dịch động vật theo quy định, lô hàng đã bị xử lý theo quy định.
Tiếp đó, trạm kiểm dịch động vật Xuân Hiệp phối hợp với đội Cảnh sát Giao thông Bình Triệu, đội quản lý thị trường quận Thủ Đức tuần tra tuyến đường quốc lộ 1K. Quá trình kiểm tra phát hiện 3 trường hợp vận chuyển sản phẩm động vật không giấy chứng nhận kiểm dịch, phương tiện vận chuyển sản phẩm động vật không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y và trốn tránh việc kiểm dịch tại các Trạm kiểm dịch đầu mối giao thông trên tuyến đường đi. Lực lượng chức năng đã lập biên bản xử lý tang vật gồm: hơn 4 tấn thịt heo đông lạnh; gần 2,2 tấn thịt heo sữa đông lạnh, 640 kg cánh gà đông lạnh… Tuy nhiên, số vụ xử lý trên được nhận định chỉ là “phần nổi của tảng băng”.
Thực phẩm tươi sống còn nhiều bất cập
Theo phân tích của PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm: “Hiện nay, trên địa bàn thành phố, hệ thống các siêu thị là nơi có thể tạm an tâm về chất lượng thực phẩm bởi để giữ được uy tín họ phải kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng thực phẩm từ khâu đầu vào. Tuy nhiên, thị phần của hệ thống các siệu thị còn hạn chế, sản phẩm hàng hóa chưa đa dạng, giá thành tương đối cao nên chưa thể thay đổi được thói quen mua sắm tại các chợ truyền thống, chợ tạm của người dân”.
Các loại rau luôn có tiềm ẩn nguy cơ tồn dư thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật
Nhu cầu thực phẩm thường ngày của người dân rất lớn, trong khi nguồn cung ứng của thành phố có hạn nên các mặt hàng thực phẩm tươi sống bao gồm rau củ quả, thịt gia súc gia cẩm, thủy hải sản… luôn bị nhập lậu, len lút vận chuyển qua đường tiểu ngạch vào thành phố và đưa đến từng con hẽm để tiêu thụ.
Theo PGS Phong Lan: “Thực phẩm từ các tỉnh nhập về thành phố sẽ tập trung tại các chợ đầu mối, được giám sát chặt chẽ về nguồn gốc, tets nhanh để kiểm tra phát hiện các chất cấm, chất nguy hại, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật... Theo lý thuyết, việc kiểm soát từ nguồn tốt sẽ loại được thực phẩm không đảm bảo, khi đưa ra thị trường chỉ còn nguy cơ thực phẩm nhiễm vi sinh. Tuy nhiên, trên thực tế thực phẩm tại các chợ đầu mối cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị trà trộn hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng bởi lực lượng thanh tra quá mỏng khó có thể kiểm soát được hết”.
Bên cạnh đó, PGS Phong Lan còn lo ngại thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong rau củ quả. “Đây là mặt hàng yêu cầu phải có nguồn gốc rõ ràng. Tuy nhiên, 1 ngày Việt Nam đang nhập khẩu 2,6 triệu USD thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc này đi đâu về đâu? Ngoài nguy cơ tồn dư trong thực phẩm nó sẽ đầu độc nguồn nước, đầu độc môi trường. Đây là vấn đề cần sự phối hợp giữa ngành nông nghiệp, ngành thực phẩm và các ngành liên quan để hướng dẫn quy trình cho người nông dân, kiểm soát chất lượng từ nơi trồng trọt”.
Ngoài ra, các mặt hàng tôm, cá, hải sản theo nhận định của PGS Phong Lan cũng có nguy cơ nhiễm kim loại nặng, nhiễm vi sinh, tồn dư kháng sinh. Để hạn chế nguy cơ mất an toàn từ thực phẩm, ngoài trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, người sản xuất, kinh doanh cần có ý thức bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, người tiêu dùng phải nói không với thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm kém chất lượng.