Thực phẩm 'bẩn' bủa vây cổng trường

GD&TĐ - Đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không hạn sử dụng, thậm chí hết hạn sử dụng đang được bày bán tràn lan, công khai khắp các cổng trường.

Chính quyền xã Xuân Sinh (huyện Thọ Xuân) ghi nhận nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng được bày bán ngay cổng trường.
Chính quyền xã Xuân Sinh (huyện Thọ Xuân) ghi nhận nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng được bày bán ngay cổng trường.

“Ma trận” đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc

Mặc dù ghi hạn sử dụng là ngày 15/2/2024, nhưng cho đến ngày 5/3/2024, hàng chục hộp bỏng ngô vẫn được bày bán công khai tại cơ sở bán hàng trước cổng Trường Tiểu học Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Không chỉ hết hạn sử dụng, hầu hết các thực phẩm bán tại đây đều không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không ghi rõ hạn sử dụng; những sản phẩm có ghi chữ nước ngoài thì không có tem nhãn phụ; những thực phẩm chế biến tại chỗ không được bảo quản, chế biến đúng quy định… Trong khi đó, người bán thì mơ hồ với những loại hàng hóa do chính mình nhập về và bán cho học sinh.

Chị Mai Thị Thắm, chủ cơ sở Thắm Ma (xã Xuân Sinh) phân trần: “Hàng hết hạn sử dụng là do nhà em mới chuyển nhà nên chưa xem được hạn sử dụng. Những hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ thì đọc thấy chữ Việt Nam thì lấy. Nhiều khi lấy hàng mình không để ý được hết. Tem nhãn phụ em cũng không hiểu biết về cái đấy nên em mới lấy”.

Đáng nói, xã Xuân Sinh là địa phương vừa xảy ra 2 trường hợp học sinh nghi ngộ độc sau ăn bim bim, mỳ cay gây hoang mang trong dư luận vào thời điểm trước Tết Nguyên đán 2024.

Không chỉ ở nông thôn, ngay giữa TP Thanh Hóa, các loại thực phẩm đóng gói không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hạn sử dụng, không có tem nhãn phụ… cũng được bày bán tràn lan trước cổng trường.

Ghi nhận của Báo GD&TĐ tại khu vực cổng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (phường Ngọc Trạo, thành phố Thanh Hóa); Trường Tiểu học Đông Vệ 1, Trường THCS Lê Lợi (phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa) rất nhiều cửa hàng bày bán công khai các loại quà vặt được thiết kế với đủ hình dáng, màu sắc bắt mắt, thu hút học sinh.

Từ cánh gà, chân gà, xúc xích… chỉ có chữ nước ngoài. Đặc biệt điều thu hút các bạn nhỏ là đồ ăn lại vô cùng rẻ, dao động từ 5 - 10 ngàn đồng.

Bản thân người bán thừa nhận đây là những món đồ có sức thu hút và tiêu thụ rất lớn trong học sinh.

Đặc biệt, những quán đồ ăn nhanh nhầy nhụa dầu mỡ, các loại nước sốt, tương được đựng trong các hộp cáu bẩn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh.

Ông Lê Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi (thành phố Thanh Hóa) cho biết: “Nhà trường đã liên tục có những buổi tuyên truyền để học sinh hiểu được tác hại của việc ăn quà vặt không rõ nguồn gốc.

Bên cạnh đó, thực hiện việc đóng cổng trường giờ ra chơi, không cho học sinh ra ngoài mua đồ ăn vặt. Giờ lên lớp thì các em chấp hành tốt, tuy nhiên, khi tan học nhà trường rất khó kiểm soát”.

Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi cũng mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc kiểm soát nguồn hàng hóa được bày bán, xử lý nghiêm, mạnh tay đối với các cơ sở bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Liên quan đến thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, Công an Thanh Hóa cũng đã thông tin cảnh báo việc ma túy được ngụy trang, đóng gói “núp bóng” dưới dạng thực phẩm chức năng, dược phẩm, đồ uống, thạch… Đáng báo động, các mặt hàng này được các đối tượng mang bán tại các cơ sở giáo dục, các trường học… nhằm lôi kéo dụ dỗ học sinh, sinh viên sử dụng trái phép chất ma túy.

Học sinh tràn ra các cửa hàng trước cổng trường mua đồ ăn vặt sau giờ tan học.

Học sinh tràn ra các cửa hàng trước cổng trường mua đồ ăn vặt sau giờ tan học.

Có dấu hiệu buông lỏng quản lý

Đáng nói, vào thời điểm tháng 1/2024, phường Ngọc Trạo vừa ra quân kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh đường phố vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Có 18 cơ sở được kiểm tra, 3 cơ sở bị xử phạt. Tuy nhiên, những trường hợp phóng viên ghi nhận bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ lại không có trong danh sách xử phạt.

Trong khi nhà trường gặp khó khăn trong quản lý học sinh sau giờ tan học, còn chính quyền thì buông lỏng trong giám sát, xử lý vi phạm. Đó là lý do mà những mặt hàng không rõ nguồn gốc vẫn được bày bán tràn lan.

Bà Nguyễn Thị Vân, Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Trạo (thành phố Thanh Hóa) thẳng thắn thừa nhận việc có sự chưa quyết liệt cũng như biện pháp xử lý chưa đủ sức răn đe nên một số hộ kinh doanh vẫn cố tình vi phạm.

Quà ăn vặt hầu hết ghi chữ nước ngoài, không có hạn sử dụng.

Quà ăn vặt hầu hết ghi chữ nước ngoài, không có hạn sử dụng.

“Tới đây, phường sẽ phối hợp với UBND thành phố thành lập đoàn kiểm tra, thẳng tay xử phạt cũng như tiêu hủy các mặt hàng không rõ nguồn gốc đối với các cơ sở kinh doanh đường phố trên địa bàn”, bà Vân khẳng định.

Còn theo ông Lê Văn Tuân, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Sinh (huyện Thọ Xuân) địa phương cũng đã tổ chức kiểm tra, nhắc nhở, đặc biệt sau sự việc 2 cháu nhỏ trên địa bàn nghi ngộ độc sau ăn bim bim, mì cay.

Tuy nhiên, việc lực lượng chủ yếu là kiêm nhiệm, việc kiểm tra, giám sát không được thường xuyên. Hơn nữa, đối với địa phương, khó khăn lớn nhất là việc thực hiện kiểm tra nguồn gốc xuất xứ đối với cán bộ không có chuyên môn là rất khó khăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.