Không có chế tài thực thi luật?
Tháng 8/2016, từ mật báo của Wasington, hải quan Ai Cập đã khám xét tàu hàng Jie Shun mang cờ Campuchia khi đi qua kênh đào Suez. Thủy thủ đoàn trên tàu là người Triều Tiên và cũng xuất bến từ Triều Tiên.
Tàu chở hơn 30.000 súng phóng lựu trị giá khoảng 23 triệu USD. Theo điều tra thì người mua số vũ khí trên là một doanh nhân Ai Cập đại diện cho quân đội Ai Cập - bất chấp Ai Cập là nước nhận viện trợ của Mỹ.
Quan chức Mỹ không nêu tên khẳng định rằng chuyến hàng vũ khí Triều Tiên này là nguyên do chính dẫn tới quyết định của chính quyền Tổng thống Trump đóng băng hoặc trì hoãn viện trợ kinh tế và quân sự trị giá 300 triệu USD cho Ai Cập trong mùa hè này. Ban đầu lí do dừng viện trợ được đưa ra là để phản ứng tình trạng xâm phạm nhân quyền tại Ai Cập.
Qua vụ việc trên, đặt ra vấn đề hiệu quả thực thi lệnh trừng phạt của LHQ đối với Triều Tiên hiện tại ra sao. Hiện có 2 cấp độ trừng phạt: Quốc tế và Mỹ.
Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ ban đầu áp đặt cấm bán một số thiết bị quân sự nhất định cho Triều Tiên, như hệ thống tên lửa, sau vụ thử hạt nhân năm 2006 của Triều Tiên.
Tuy nhiên mãi tới vụ thử hạt nhân tháng 5/2009, HĐBA mới mở rộng trừng phạt cấm cả xuất khẩu và nhập khẩu toàn bộ vũ khí với Triều Tiên và đề nghị tất cả các nước thành viên LHQ kiểm tra hàng hoá đi và đến Triều Tiên nhằm phát hiện và tịch thu vũ khí nếu có.
Việc cấm vũ khí, theo Nghị quyết HĐBA, là bắt buộc với tất cả các nước thành viên LHQ. Chiểu theo đó, Ai Cập đã vi phạm luật quốc tế khi nhập khẩu vũ khí. Tuy nhiên không có một cơ chế thực thi luật và rõ ràng LHQ đã không thể ngăn cản Triều Tiên tiếp tục là một trong những nguồn xuất khẩu vũ khí lậu lớn nhất thế giới.
LHQ ước tính xuất khẩu vũ khí của Triều Tiên đạt doanh số gần 100 triệu USD/năm. Hãng thông tấn Chosun Ilbo của Hàn Quốc ước tính doanh số gấp 3 lần con số trên.
Thông điệp cứng rắn của Mỹ
Mỹ thực thi các lệnh trừng phạt quốc tế với hàng loạt chế tài riêng, bao gồm trừng phạt trực tiếp và gián tiếp. Trừng phạt trực tiếp hạn chế công dân Mỹ tham gia vào các hoạt động cụ thể, như thương mại, với quốc gia hoặc tổ chức thù địch.
Trừng phạt gián tiếp nhằm vào công dân không thuộc Mỹ tham gia vào những hoạt động nằm ngoài phạm vi quyền hạn của Mỹ, thường là thông qua trừng phạt kinh tế.
Hiện tại Mỹ đã mở rộng trừng phạt gián tiếp đối với Triều Tiên, cấm công dân và các công ty Mỹ buôn bán bất cứ “hàng hoá, dịch vụ hay công nghệ” nào với Triều Tiên.
Bộ trưởng Tài chính có toàn quyền thực thi các lệnh trừng phạt theo luật pháp Mỹ thông qua phạt tiền nặng và mức án tới 20 năm tù giam nếu vi phạm lệnh trừng phạt.
Việc Ai Cập mua vũ khí của Triều Tiên là vi phạm Luật Chính sách cứng rắn và Cấm vận Triều Tiên năm 2016 của Mỹ. Theo luật này, Tổng thống phải từ chối viện trợ cho quốc gia buôn bán vũ khí với Triều Tiên trừ khi Bộ trưởng Ngoại giao từ bỏ trừng phạt vì lợi ích quốc gia.
Bên cạnh đó, cũng theo đạo luật này, Tổng thống còn có những quyền trừng phạt khác như cắt đứt mối quan hệ với hệ thống tài chính Mỹ khi một thực thể (trong trường hợp này là thành viên chính phủ Ai Cập) tham gia buôn bán vũ khí với Triều Tiên.
Tuy nhiên trong vụ việc này cho thấy, Mỹ đã không sử dụng hết những công cụ trừng phạt có trong tay bởi Ai Cập đã hợp tác bắt giữ con tàu chở vũ khí.
Thông qua việc “trừng phạt có giới hạn” với Ai Cập, Mỹ gửi một thông điệp tới những quốc gia nhận viện trợ khác của Mỹ rằng họ có thể “lọt lưới” LHQ nhưng sẽ bị Mỹ trừng phạt nặng.