Nỗ lực phát triển thương hiệu cúc tiến vua trên quê hương Vĩnh Bảo

GD&TĐ - Hoa cúc chi hay còn gọi là cúc tiến vua, một sản phẩm OCOP 4 sao nổi tiếng mang lại thu nhập ổn định cho người dân Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng.

Mùa thu hoạch cúc chi tại xã Thắng Thuỷ, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng.
Mùa thu hoạch cúc chi tại xã Thắng Thuỷ, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng.

Vàng ruộm cánh đồng cúc chi

Hoa cúc chi có tên gọi khác là kim cúc, có màu vàng, nụ nhỏ như chiếc cúc áo; cây bụi, dạng thảo mộc. Lá cây có mép hình răng cưa, xếp xen kẽ.

Từ thế kỷ 15 trước công nguyên, được trồng đầu tiên tại Trung Quốc. Ở Việt Nam được trồng nhiều nhất tại các vùng như Hưng Yên, Hà Nội. Từ lâu trà hoa cúc chi đã được sử dụng trong y học phương Đông để an thần, bồi bổ sức khỏe và làm dịu một số triệu chứng bệnh thông thường. Khi pha trà, nước trà có hương thơm nhẹ nhàng, tinh tế và hương vị ấm áp, dễ chịu. Khi cúc chi vừa hé nở là lúc người dân sẽ thu hoạch để chế biến làm trà. Mùa cúc chi từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm.

cuc5.jpg
cuc6.jpg
Cúc chi hay còn được gọi là cúc tiến vua.

Theo các bô lão xưa, sở dĩ cúc chi được gọi là cúc tiến vua vì loại thảo dược đặc biệt này trước kia chỉ làng Nghĩa Trai (Văn Lâm, Hưng Yên) trồng được và là món quà quý để tiến vào cung vua. Ngày nay, giống cúc tiến vua được nhân rộng ra nhiều vùng đất khác trong cả nước. Người dân xã Thắng Thuỷ, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng cũng mạnh dạn đưa loài hoa này về trồng để sấy khô bán cho lợi nhuận cao.

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Bảo, hiện có khoảng 20 ha trồng cúc chi tại xã Thắng Thủy. Diện tích trồng loại cúc này nhiều nhất ở thôn Đông Lôi và Hà Phương với 200 hộ dân. Năm nay, do ảnh hưởng của bão số 3 Yagi nên cúc chi bị giảm sản lượng và thu hoạch muộn hơn mọi năm.

cuc1.jpg
Bà Gái hăng say thu hoạch cúc chi tại ruộng nhà.

Bà Phạm Thị Gái, thôn Đông Lôi, xã Thắng Thuỷ cho hay, khoảng 7 năm trước, một số bà con nông dân trong xã đưa giống hoa cúc chi về trồng thử nghiệm tại cánh đồng Thắng Thuỷ ven sông Luộc. Hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây, giống cây mới này sinh trưởng và phát triển tốt. Dù gia đình không có nhiều diện tích đất nhưng bà cũng trồng thử và cho thu nhập cao hơn trồng lúa. Từ đó tới nay, bà trồng xen cúc chi và các loại rau, củ khác để tăng gia sản xuất. Vì chỉ là hộ dân nhỏ lẻ nên bà không đầu tư máy sấy, cúc thu hoạch đến đâu thì bà phơi nắng tự nhiên đến đó. Sản phẩm làm ra chủ yếu bán cho khách quen và cho con cháu mang đi uống.

Bà Gái cho biết thêm, khác với các loại cúc cảnh khác, cúc chi rất dễ trồng và không phải bơm thuốc sâu nhiều. Chủ yếu người dân khử rệp và hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Cúc chi dễ khô, gặp thời tiết nắng hanh chỉ cần 3 nắng đã khô và có thể dùng được.

Trăn trở phát triển thương hiệu

Ở xã Thắng Thuỷ có hợp tác xã chuyên trồng và thu mua cúc chi để chế biến xuất cho nội thành Hải Phòng và các vùng lân cận. Việc dễ dàng trong khâu tiêu thụ, tìm đầu ra đã giúp bà con yên tâm chăm sóc, mở rộng diện tích gieo trồng.

Bà Cao Thị Hằng, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Thắng Thủy cho biết: Hoa cúc chi có mùi thơm dịu nhẹ được sử dụng để làm trà. Việc bán hoa tươi sẽ không được giá và khó có thể ổn định diện tích vì phụ thuộc thương lái. Vì thế, hợp tác xã đầu tư dàn sấy lạnh để tiện chế biến, vừa giữ được chất lượng hoa, vừa được giá.

cuc00.jpg
cuc01.jpg
Cánh đồng cúc chi ven sông Luộc, xã Thắng Thuỷ.

Với phương pháp sấy lạnh hoa cúc thành sản phẩm trà đang được áp dụng, hoa cúc chi trở thành một trong nông sản chủ lực của địa phương. Từ một vài hộ ban đầu, đến nay, số hộ dân trồng hoa đã tăng lên 200 hộ.

cuc4.jpg
Nhiều người dân Thắng Thuỷ phơi cúc bằng cách thủ công.

Cây hoa cúc chi đã giúp bà con xã Thắng Thuỷ có cuộc sống ấm no hơn. Sau khi trừ chi phí nhân công và giống hoa, bà con thu nhập khoảng 10 triệu đồng/sào hoa, cao gấp cả chục lần so với cấy lúa, trồng rau màu.

Chị Hoàng Thị Loan, thôn Đông Lôi 2, xã Thắng Thuỷ cho hay, ngoài thời gian bán hàng tại chợ, chị và con gái sẽ đi hái cúc thuê cho các hộ dân. Tuỳ vào thời tiết và tay nghề, có người hái được từ 1,5-2 kg/ 1 tiếng, mỗi kg sẽ được trả công 12 nghìn. Nếu thợ chuyên nghiệp ngày có thể hái được khoảng 15 kg cúc, cho thu nhập khá.

cuc10.jpg
Người dân hái cúc thuê có công việc ổn định khi đến mùa thu hoạch.

Do ảnh hưởng của bão, một sào hoa cho sản lượng khoảng 3-3,5 tạ. Với giá bán dao động khoảng 40.000-50.000 đồng/kg tươi, bà con vẫn phấn khởi vì hoa được giá. Cứ 10kg hoa tươi thì sấy được 1 kg hoa khô. Hiện 1 kg cúc khô người dân đang bán 500-550 nghìn. Trà cúc chi có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát gan nên được nhiều người ưa chuộng.

Bà Cao Thị Hằng chia sẻ thêm, cúc chi dễ trồng, dễ nhân giống nên dù ảnh hưởng của bão nhưng bà con nhanh chóng đi mua giống ở nơi khác về để trồng lại. May mắn là hoa cúc đắt hàng nên bà con yên tâm chăm sóc, thu hoạch.

cuc2.jpg
Cúc dễ trồng và cho thu nhập cao.

Ông Nguyễn Đức Lộc, Trường phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Bảo cho biết, sản phẩm hoa cúc chi của Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Thắng Thuỷ đã cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao.

Địa phương mong muốn càng có nhiều sản phẩm nông nghiệp để quảng bá cho nhân dân vùng miền khác càng tốt. Và huyện cũng mong muốn được các cấp, ngành hỗ trợ công nghệ để phát triển nông nghiệp chất lượng cao phát triển thương mại điện tử, để nhiều hộ dân vươn lên làm giàu chính đáng trên chính cánh đồng quê hương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ