Thực hư về tình yêu của cá heo với người huấn luyện

GD&TĐ - Trong một dự án nghiên cứu đặc biệt, các nhà khoa học tiến hành thí nghiệm dạy cá heo ngôn ngữ của con người.

Margaret Howe Lovatt và chú cá heo Peter trong thời gian huấn luyện ở hồ.
Margaret Howe Lovatt và chú cá heo Peter trong thời gian huấn luyện ở hồ.

Trong một dự án nghiên cứu đặc biệt, các nhà khoa học tiến hành thí nghiệm dạy cá heo ngôn ngữ của con người. Đây được xem là đề tài hấp dẫn về hành vi, cách giao tiếp của loài vật này, nhưng nó cũng gây nhiều tranh luận về đạo đức, khi có tin đồn giữa một chú cá heo và nữ huấn luyện viên của nó phát sinh tình cảm khác thường.

Sống với cá heo

Vào giữa những năm 1960, Margaret Howe Lovatt (sinh năm 1942), nhà tự nhiên học người Mỹ tình nguyện làm việc tại một phòng thí nghiệm nghiên cứu về cá heo trên đảo St. Thomas nhỏ bé ở vùng Caribe.

Tại đây, cô gặp nhà thần kinh học John C. Lilly, người cộng tác cùng NASA và Hải quân Hoa Kỳ thực hiện dự án “Hồ cá heo” (Dolphinnarium), với thí nghiệm khác thường, nhằm dạy cá heo ngôn ngữ của con người, đặc biệt là tiếng Anh.

Margaret Howe Lovatt tham gia dự án, được giao nhiệm vụ cùng ở và huấn luyện cá heo tại hồ. Cô tin việc sống chung và phát ra âm thanh của con người sẽ giúp loài này bắt chước được ngôn ngữ của chúng ta.

Phương pháp giảng dạy của Lovatt khá đơn giản, cô thường xuyên nói chuyện với chúng, tương tự như một người mẹ cố gắng làm cho đứa con bắt chước mình. Bằng cách này, cô nghĩ có thể dạy cá heo điều gì đó về cách phát âm tiếng Anh.

Trong quá trình làm việc, Lovatt gần gũi với Peter, một chú cá heo mũi chai còn trẻ nhưng đã trưởng thành. Suốt gần hai năm gần gũi với chú cá heo này, cô ghi lại sự tiến bộ của nó hai lần mỗi ngày.

Cô nói chậm rãi và thay đổi giọng điệu, tìm cách cho Peter lặp lại những từ và âm thanh mà cô muốn nó học, chẳng hạn như “Xin chào Margaret!”. Theo Lovatt, âm “m” đặc biệt khó khăn đối với Peter, nhưng nó đã có tiến bộ ở các âm khác.

Do Lovatt và Peter dành nhiều thời gian bên nhau trong hồ biệt lập, nên cả hai ngày càng thân thiết hơn, Lovatt thậm chí còn ngụ ý rằng, Peter luôn thích ở gần, thường cọ mình vào cô, đôi khi làm gián đoạn bài học.

Peter là một chú cá heo trưởng thành, vì vậy nó cũng phát sinh ham muốn tình dục. Điều này đặt ra những thách thức nhất định cho người huấn luyện nó. Tách biệt thầy - trò khi những thôi thúc này của cá heo nảy sinh sẽ gây cản trở quá trình nghiên cứu.

Để “khắc phục”, Lovatt đã làm điều mà một số người có thể không tưởng tượng được. Khi Peter trở nên phấn khích, Lovatt tự mình “giải tỏa” cho nó, với điều mà theo nhiều người, là hành vi tình dục hợp pháp.

Tất nhiên, Lovatt coi đây là một phần trong công việc của mình, thậm chí còn cho rằng nó khiến mối quan hệ thân thiết giữa cô và cá heo trở nên sâu sắc hơn. Tuy nhiên, nhiều người đã không nhìn nhận mọi thứ giống như cô nghĩ.

Bà Margaret Howe Lovatt luôn khẳng định mối quan hệ với cá heo Peter chỉ đơn thuần phục vụ khoa học.

Bà Margaret Howe Lovatt luôn khẳng định mối quan hệ với cá heo Peter chỉ đơn thuần phục vụ khoa học.

Mối quan hệ gây tranh cãi

Tin đồn về bản chất mối quan hệ giữa Lovatt với Peter rộ lên và nhanh chóng trở thành nguồn tranh cãi về vấn đề đạo đức xung quanh việc thí nghiệm trên động vật. Trong thời gian Lovatt dạy Peter nói, cả hai ngày càng thân thiết hơn. Ranh giới giữa nghiên cứu và gắn bó cá nhân trở nên mờ nhạt.

Các cáo buộc đã đặt ra nhiều câu hỏi quan trọng cùng những cuộc tranh luận nảy lửa về vấn đề đạo đức trong mối quan hệ giữa con người và động vật. Hành động của Lovatt có phải là lạm dụng? Đây quả là điều đáng lo ngại và không thể tưởng tượng được đối với nhiều người. Liệu chi tiết cụ thể về mối quan hệ này có dẫn đến hành vi sai trái thực sự nào không?

Giữa những tranh cãi ngày càng gay gắt xung quanh thí nghiệm trên, Lovatt bác bỏ mọi cáo buộc, khẳng định mối quan hệ giữa cô với Peter hoàn toàn thuần khoa học và vẫn duy trì tình cảm thân thiết với Peter. Từ nhu cầu ở bên nhau để nghiên cứu, cả hai chuyển sang mối quan hệ thực sự tận hưởng và nhớ nhung khi xa cách.

Cuối cùng, do thiếu kinh phí cho dự án Dolphinarium, thời gian bên nhau của người và cá heo phải kết thúc. Cả hai chia tay, Peter cùng những con cá heo khác được gửi đến nơi ở mới tại Miami.

Bi kịch xảy ra sau đó không lâu, Peter tự sát. Một số người cho rằng nó không chịu nổi nỗi đau khi phải xa Lovatt. Tuy nhiên, những người khác lại đổ cho cái hồ nhỏ và điều kiện nuôi dưỡng tồi tệ tại nơi ở mới của Peter đã dẫn đến thảm kịch này.

Câu chuyện trên đã thu hút sự chú ý rộng rãi của giới truyền thông, là chủ đề được quan tâm và tranh luận sôi nổi. Sau khi một bài báo đăng về mối quan hệ khác thường của Lovatt với Peter xuất hiện trên tạp chí nổi tiếng Hustler, nghiên cứu này đã bị phần lớn công chúng phản đối.

Về mặt khoa học, cách dạy cá heo nói tiếng Anh chưa đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, có vẻ như những nỗ lực này vẫn đang được tiếp tục cho đến ngày nay ở các phòng thí nghiệm khác. Cộng đồng khoa học phần đông phản ứng không thuận lợi với nghiên cứu này.

Họ nêu lên mối lo ngại về đạo đức hành vi và tác động tiềm ẩn đối với sức khỏe của Peter. Cuộc tranh cãi xung quanh thí nghiệm và mối quan hệ của Lovatt với Peter đã làm lu mờ phần lớn nghiên cứu khoa học đang được thực hiện.

Ngày nay, câu chuyện của Lovatt đóng vai trò như một cảnh báo về ranh giới trong mối quan hệ của chúng ta với động vật và tầm quan trọng của việc cần cân nhắc về đạo đức trong mọi hình thức nghiên cứu khoa học.

Sau khi chia tay Peter, Margaret Howe Lovatt ở lại đảo Saint Thomas và kết hôn với một nhiếp ảnh gia, người đã giúp nhóm nghiên cứu chụp lại những tấm ảnh ở nơi thí nghiệm. Họ có với nhau 3 người con gái. Giữ im lặng về thử nghiệm này trong gần 50 năm, nhưng khi ở tuổi 72, Lovatt quyết định chia sẻ cởi mở câu chuyện, khi được Christopher Riley phỏng vấn để làm bộ phim tài liệu có tên là The Girl Who Talked to Dolphins.

Theo Historydefined

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.