“Thánh địa” cá heo

GD&TĐ - Cá heo, với người dân thôn Sơn Thọ, xã Thái Thượng (Thái Thụy – Thái Bình) luôn là một vị thần linh thiêng giữa biển cả. Bởi vậy, nơi đây có một ngôi đền mang tên đền Đỏ với hàm ý nương nhờ, trông cậy và che chở.

Cổng đền 5 cửa độc đáo của đền Đỏ.
Cổng đền 5 cửa độc đáo của đền Đỏ.

Chuyện nơi danh tích

Người dân tế lễ ngư thần.
Người dân tế lễ ngư thần.

Chính quyền xã Thái Thượng dẫn sử đền Đỏ cho biết, ngôi đền này còn được gọi là đền Bà Thánh Mẫu. Theo thần tích, Bà có tên Đạm Đồng Lương, là Hoàng hậu của vua Đế Bính thời nhà Tống.

Khi nhà Tống bị đế quốc Mông Cổ xâm lăng, vua Đế Bính thất trận. Đạm Đồng Lương thay chồng nhiếp chính nhưng không trụ nổi trước sức mạnh của quân Mông Cổ. Trước tình thế hiểm nguy, bà đã đem hai con gái và một con nuôi chạy sang Đại Việt lánh nạn, nương nhờ ở chùa Kính Thiên.

Một thời gian sau, bà quẫn trí nên ôm 3 con gieo mình xuống biển. Thi hài 4 mẹ con trôi vào cửa chùa Long Khánh, phủ Viễn Châu, xã Tân Hương, huyện Quỳnh Lâm (nay là Quỳnh Lưu - Nghệ An). Nhân dân nơi đây đã lập miếu thờ và trở thành nơi linh thiêng được nhân dân sùng bái.

Trong trận phản công giặc Nguyên, Trần Quốc Tuấn tiến công từ Thanh Hóa ra Bắc đến miếu thờ bà thắp hương khấn cầu phù hộ. Quả nhiên trận này đại thắng quét sạch nửa triệu quân Nguyên, tướng Thoát Hoan phải chui vào ống đồng trốn về nước. Sau sự việc ấy, Trần Quốc Tuấn tâu lên vua và được chuẩn tấu phong cho bà chức Nữ Quốc thần và truyền cho nhân dân 12 cửa biển lập đền thờ bà với danh hiệu Đại Lân Quốc Gia Nam Hải. 

“Thánh địa” cá heo ảnh 2

Đến đời vua Lê Lợi chống giặc Minh khi hành quân đi đánh thành Xương Giang đi qua miếu này đã vào thắp hương cầu khấn, trận này quân ta cũng đại thắng, chém chết tướng giặc Liễu Thăng ở sườn núi Mã Yên. Để nhớ ơn âm phù của bà, vua Lê Lợi đã phong cho bà là Bách Gia Như thần. 

Các cao niên làng Sơn Thọ cho biết, dân làng vốn sống bằng nghề chài lưới. Cũng giống như 12 cửa biển ở nước ta, để tưởng nhớ công ơn của Thánh Mẫu nên lập đền thờ, tôn bà như một vị phúc thần của làng, với niềm mong ước cầu cho mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi.

Câu ca về ngày lễ Thánh Mẫu vẫn còn lưu truyền đến tận bây giờ mà mỗi người làng biển không thể nào quên: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ giỗ Thánh Mẫu tháng ba thì về/ Dù ai buôn bán trăm nghề/ Nhớ giỗ Thánh Mẫu mùng 10 tháng 3”.

Từ nhỏ, những người làng Sơn Thọ đã thấy đền Đỏ tọa lạc uy nghi nơi cửa biển. “Từ xa xưa, đền Đỏ được xây dựng giữa mênh mang nước biển, nó giống như một cái đảo nhỏ nhô lên khỏi mặt nước nằm gần sát bờ. Qua thời gian, sóng biển đánh ụp vào chân móng làm ngôi đền nhiều lần đổ xuống”, cụ Nguyễn Văn Hồng cho biết. 

Cổng đền Đỏ uy nghi, vốn thu hút sự tò mò của giới sử học. Qua một số tài liệu kết luận, giới chuyên môn đều cho rằng, cổng đền được xây bằng đá ong, vôi và mật mía. Sau bao nhiêu thăng trầm mặn mòi của biển, cổng đền Đỏ vẫn vững chãi giữa sóng gió. Cổng vào đền có 5 cửa, đây được coi là điểm khác biệt nhất và hiếm thấy so với các cổng đền từ xưa đến nay ở nước ta.

Người dân đưa cá heo đã chết về đền Đỏ chờ an táng.
Người dân đưa cá heo đã chết về đền Đỏ chờ an táng.

Ngư thần đem lại may mắn

Ông Giang Văn Thuyên - Trưởng ban Quản lý di tích đền Đỏ cho biết: Ngôi đền nổi tiếng linh thiêng và có giá trị cao về lịch sử. Với những người làm nghề đi biển, họ luôn có những quan niệm bất di bất dịch là, trước khi khởi hành ra khơi đều làm lễ cúng tổ tiên, và không quên làm lễ cúng ngư thần để cầu bình an, tôm cá đầy khoang. 

Giống như tập tục xuống đồng của người nông dân, người dân thôn Thọ Sơn chọn ngày 10/3 khai hội đền Đỏ. Có một hiện tượng mà người ta đều cho là lạ, đó là khi dân làng cúng tế thì đàn cá heo cũng như vào “chầu”. Chúng đến cả đàn ngoài cửa biển nhảy múa, lượn lờ một ngày rồi mới đi.

Người dân Sơn Thọ chưa bao giờ giờ quên ngày 10/3/2011 với sự kiện lạ xảy ra tại đền Đỏ. Hôm đó là ngày hội, có một con cá heo bị chết dạt vào cửa biển gần đấy. Người dân làng chài cảm thấy lo lắng nhưng nhiều người lại cho đó là điềm lành. Bởi theo sử sách lưu tại đền thì cách đây 300 năm, tại cửa đền cũng đã từng có một ngư thần bị mắc cạn và chết. 

Cá heo mắc cạn gần đền Đỏ năm 2011.
Cá heo mắc cạn gần đền Đỏ năm 2011.

Ông Phạm Khắc Ngự - Thủ từ đền Đỏ cho hay: “Hơn 20 năm trông nom đền, tôi chưa bao giờ được chứng kiến cảnh lạ này. Lúc mới rước thi thể cá heo vào thì da cá đã biến sắc. Sau đó những người hành lễ trong đền tắm rửa cho ngư thần để chuẩn bị chôn cất thì mình cá bỗng dưng tươi tắn dần lên. Trên lưng cá heo dần lộ hình ba chữ nho”. 

Có mặt tại buổi hôm đó, các bậc cao niên ai cũng ngạc nhiên, những người vốn biết một ít về mặt chữ nghĩa dịch được ba chữ nổi trên mình ngư thần là “Hồng Tam Chúa”. Trưởng ban Quản lý di tích đền Đỏ, ông Giang Văn Thuyên xác nhận chi tiết này là có thật và cho biết thêm, cá heo mắc cạn có chiều dài 2,27m, cao 47cm, ngang 70cm và nặng khoảng 150kg.

Những người làm nghề đi biển lâu năm ở Sơn Thọ tin rằng, cá heo cũng có thể cảm nhận được tình cảm con người. Đã có lần, vào ngày khai hội cả đàn cá heo với số lượng khoảng 50 con kéo nhau về cửa biển. Những người có mặt hôm đó lấy làm tò mò xô đẩy nhau.

Có vài ba người bị ngã xuống nước nhưng được cá heo cứu, dùng lưng đỡ lấy và bơi vào gần bờ. Thậm chí, cá heo cũng biết ghét, và nếu ghét ai là y như rằng chúng ngậm nước, nhoi đầu lên và phun vào mặt người ấy.

Theo BQL di tích đền Đỏ, với ngư dân, cá heo là vị thần tối cao. Nhiều ngư dân quan niệm, ra khơi gặp cá heo là điều vô cùng may mắn. Và mỗi chuyến ra khơi như vậy không chỉ gặp an toàn trước bão tố mà còn thuyền về đầy cá. Đền Đỏ không chỉ là danh tích cổ kính, mà còn mang nhiều giá trị đối với nghề đi biển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ