Xóa bỏ hiện tượng dạy học vượt quá sự cố gắng của HS
Ông Ngô Ngoc Thư - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Yên - cho biết: Quan điểm chỉ đạo về việc dạy học của giáo viên môn Toán ở trường phổ thông của Sở GD&ĐT Phú Yên là từ khâu lập kế hoạch bài học, tổ chức và hướng dẫn các hoạt động học tập của học sinh (HS) đến kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS nhất thiết phải căn cứ vào chuẩn kiến thức, kĩ năng. Từ các điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của lớp học để lựa chọn các giải pháp thích hợp nhằm giúp từng đối tượng HS đạt được chuẩn kiến thức, kĩ năng bằng sự cố gắng “vừa sức” với từng đối tượng HS đó. Từ kế hoạch phát hiện và bồi dưỡng nâng cao năng lực cho những HS đã đạt chuẩn và có nhu cầu phát triển năng lực cá nhân trong môn học hoặc lĩnh vực học tập.
Sở GD&ĐT cũng lưu ý các thầy cô thực hiện đầy đủ, đúng mức những nội dung cơ bản nhất, quan trọng nhất của chương trình môn học, đây là một trong những điều kiện để đảm bảo mức chất lượng cơ bản và thực hiện sự bình đẳng về cơ hội học tập có chất lượng cho mọi đối tượng HS.
Thực hiện dạy học phù hợp với các đối tượng HS, hạn chế tiến tới xóa bỏ hiện tượng dạy học vượt quá sự cố gắng của HS, tạo ra sự “quá tải” và căng thẳng không cần thiết cho số đông HS hoặc hiện tượng dạy học “dưới tầm nhận thức” của số đông HS, làm cho HS mất hứng thú trong học tập. Thực hiện dạy học phù hợp với các đối tượng HS sẽ giữ được ổn định lâu dài, tạo cho HS sự tự tin và hứng thú trong học tập, góp phần rất quan trọng để nâng cao dần chất lượng GDPT.
Lưu ý việc hình thành học vấn phổ thông toàn diện, làm cơ sở vững chắc để phát triển các năng lực cá nhân theo nhu cầu và thế mạnh của từng đối tượng HS, ông Ngô Ngọc Thư cũng nhấn mạnh chỉ đạo của Sở là thực hiện nghiêm túc chương trình GDPT nhưng không “cứng nhắc”, “đồng loạt”, “bình quân” mà rất linh hoạt theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng đối tượng HS, góp phần tạo thế ổn định để nâng cao dần chất lượng GDPT.
Chuẩn hóa trình độ HS và các điều kiện đảm bảo chất lượng
Ông Ngô Ngọc Thư nhấn mạnh: Dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng thực chất là thực hiện chuẩn hóa trình độ của HS, đòi hỏi HS ít nhất cũng phải đạt được chuẩn kiến thức, kĩ năng của các môn học bắt buộc trong chương trình GDPT. Việc chuẩn hóa trình độ học tập của HS lại đòi hỏi phải chuẩn hóa các điều kiện đảm bảo chất lượng học tập ở mức độ chuẩn, trong đó cần phải có những hỗ trợ đặc biệt cho bộ phận học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Chuẩn kiến thức kĩ năng là căn cứ để soạn bài, tiến hành dạy học, ôn tập và dựa trên đó để kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh; vừa chuẩn hóa vừa phân hóa đặc điểm vùng, miền cho các đối tượng học sinh khác nhau; đánh giá theo đề tự luận, đề trắc nghiệm khách quan (TNKQ) hoặc đề hỗn hợp gồm cả bài toán tự lụân lẫn bài toán TNKQ. Ôn tập nhằm hệ thống hóa kiến thức đã học, hoàn thiện kĩ năng giải bài tập, qua ôn tập bổ khuyết cho những phát hiện thiếu sót về kiến thức, kĩ năng về suy luận toán học thiếu căn cứ logic hoặc chưa hợp lí; nhờ đó tạo cho từng học sinh vững tin vào năng lực bản thân có thể đạt kết quả tốt trong các kì kiểm tra đánh giá, thi cử.
Ôn tập cần đạt tới hiểu bản chất và vận dụng được các nội dung học
Nhấn mạnh đến nội dung ôn tập, ông Phạm Văn Cường - Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Yên - cho rằng, việc ôn tập môn Toán cần đạt tới hiểu được bản chất và vận dụng được các nội dung, khái niệm đã học; khi ôn tập không nên quá chú ý vào việc tìm những thủ thuật để ghi nhớ.
Dĩ nhiên, nhớ là cơ sở cần cho việc giải các bài toán, nhưng không đủ; bởi vì việc nắm vững các cách giải các dạng bài toán cơ bản sẽ giúp học sinh đạt kết quả tốt trong kiểm tra thi cử. Việc ôn tập rất quan trọng sẽ giúp HS nhớ những kiến thức cơ bản để vận dụng vào việc giải các bài toán; giúp HS hệ thống lại và rút ra những điều cơ bản, chủ yếu, khái quát hóa của những kiến thức – kĩ năng đã học để thấy được sự tương đồng, tương ứng, đồng dạng, biến đổi về hình, khái niệm, phương pháp, dạng toán... trong chương trình môn học của toàn cấp học hay của một lớp.
Từ quan điểm trên, Sở GD&ĐT Phú Yên hướng dẫn ôn tập, cần quán triệt rõ: Những cách ôn tập đều là những biểu hiện cụ thể của việc hệ thống hóa kiến thức theo hướng làm rõ cấu trúc của từng phần, từng chương, từng mạch kiến thức, từng chủ đề hay toàn thể của chương trình; làm rõ vị trí của mỗi kiến thức và quan hệ giữa các kiến thức; tránh việc hệ thống hóa nặng tính hình thức như liệt kê các công thức, các định lí, các dạng toán đã học theo đúng khuôn mẫu và trình tự như trong sách giáo khoa.
Cùng với việc hướng dẫn HS hệ thống hóa kiến thức, giáo viên giúp HS sắp xếp các bài tập và phân chia thành các dạng loại bài tập để nắm vững cách giải chung cho từng dạng loại chính, đồng thời nhắc lại và ghi ra được những kiến thức, định lí, công thức, suy luận đã học ở lớp dưới, nay thường phải sử dụng nhiều để giải toán. Trong tình hình thực tế hiện nay, giáo viên cần tổ chức dạy và học chu đáo ngay từ đầu năm học, ôn tập đều đặn sau từng chương mục, giúp học sinh tự giải các câu hỏi và bài tập trong chuẩn kiến thức, kĩ năng; tuyệt nhiên không làm thay.
Giáo viên cũng cần phải linh hoạt trong dạy, có thể dẫn dắt HS tiếp cận kiến thức, kĩ năng trình bày theo phương pháp khác, cách khác hoặc thay bởi ví dụ khác tuỳ theo đối tượng, vùng miền để thực hiện chuẩn phù hợp với mức độ nhận thức của mỗi loại đối tượng. Trong dạy học cũng như kiểm tra đánh giá cần lưu ý tới công cụ máy tính cầm tay để giảm tải về phần tính và tăng cường về phần toán cũng như đổi mới cả trình bày lời giải lẫn khâu ra đề và đáp án tương ứng yêu cầu tính đúng hoặc tính gần đúng; khích lệ những học sinh có cách giải đúng bởi những kiến thức, kĩ năng do nỗ lực của bản thân.