Không khí đổi mới GD&ĐT đang rất quyết liệt

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp của Ủy ban quốc gia đổi mới GD&ĐT giai đoạn 2016-2020 và Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016-2020 chiều 29/5.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp của Ủy ban quốc gia đổi mới GD&ĐT giai đoạn 2016-2020 và Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016-2020 chiều 29/5.

Khẳng định những thành quả của GD&ĐT

Phát biểu định hướng thảo luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã điểm lại một số thành tích nổi bật của ngành GD&ĐT thời gian qua; trong đó nhắc đến việc Ngân hàng Thế giới ra Thông cáo báo chí, cho biết 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Nam Á – Thái Bình Dương, trong đó sự phát triển thực sự ấn tượng là ở hệ thống GD Trung Quốc và Việt Nam (2 quốc gia tiên phong trong đổi mới GD). Còn theo công bố của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OECD tại kỳ đánh giá 2015, HS Việt Nam xếp thứ 8 về khoa học, đứng thứ 22 về toán học và 32 về đọc hiểu.

Trong phát biểu kết luận, Thủ tướng tiếp tục khẳng định thành quả GD Việt Nam và cho rằng: Việt Nam là một dân tộc hiếu học, đó là điều đáng mừng và thuận lợi cho đất nước. Qua những cuộc thi suốt nhiều năm liền, có thể thấy HS Việt Nam thông minh, chịu khó, có nhiều thành tích, đặc biệt trên các cuộc thi quốc tế. Đi một số nước, có nguyên thủ tuyên bố người Việt Nam thông minh nhất. Đây là vốn quý cần khơi dậy.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Trong năm qua, thực hiện chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng và Ủy viên Thường trực Ủy ban, Bộ GD&ĐT đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm đổi mới và từng bước nâng cao chất lượng các hoạt động GD&ĐT.

Từ tháng 4/2016 đến nay, Bộ GD&ĐT đã tích cực triển khai các nhiệm vụ nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ với 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, 5 nhóm giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng toàn diện các hoạt động GD&ĐT. Trong đó, Bộ GD&ĐT chú trọng hoàn thiện thể chế nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi và khắc phục các bất cập về GĐ&DT trong những năm qua. Chất lượng các hoạt động GD&ĐT ở tất cả các bậc học từng bước được cải thiện, nâng cao. Chất lượng GD phổ thông tiếp tục được nâng lên. Kỳ thi THPT quốc gia 2016, 2017 được Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành, địa phương, cơ sở GD ĐH chuẩn bị chu đáo và tổ chức thành công.

Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành các quy định nhằm chấn chỉnh và nâng cao chất lượng đào tạo ĐH, sau ĐH. Công tác kiểm định chất lượng GD ĐH được chú trọng. Công tác xây dựng xã hội học tập có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả đổi mới của GD Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo do Bộ trưởng trình bày cũng nêu rõ: Việc thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp của ngành GD thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó nổi bật là một số địa phương để xảy ra hiện tượng thừa thiếu giáo viên cục bộ, tuyển giáo viên hợp đồng ngoài biên chế gây bức xúc dư luận. Tiến độ thực hiện đổi mới chương trình GD phổ thông chưa đảm bảo theo lộ trình đề ra; việc thực hiện tự chủ ĐH chưa gắn với đổi mới quản trị nhà trường, số lượng cơ sở đào tạo được tự chủ toàn diện chưa nhiều; việc xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017 còn nhiều bất cập.

Phiên họp của Ủy ban quốc gia đổi mới GD&ĐT giai đoạn 2016-2020 và Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016-2020.
Phiên họp của Ủy ban quốc gia đổi mới GD&ĐT giai đoạn 2016-2020 và Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016-2020. 

Thủ tướng gợi mở 4 vấn đề quan trọng

Tại phiên họp, báo cáo của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đồng thời đưa ra một số vấn đề cần xin ý kiến Ủy ban và Hội đồng, liên quan đến phát triển đội ngũ giáo viên; xây dựng chương trình, SGK GD phổ thông mới; tự chủ ĐH; sửa đổi quy chế xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS. Đây cũng chính là 4 vấn đề được Thủ tướng đưa ra, yêu cầu tập trung thảo luận, cho ý kiến ngay đầu phiên họp.

Các đại biểu, thành viên Ủy ban, Hội đồng khi góp ý về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đều nhấn mạnh đến việc quy hoạch lại các cơ sở đào tạo giáo viên; lưu ý chất lượng giáo viên, kể cả vấn đề đầu vào sư phạm; chính sách, chế độ với nhà giáo; truyền thông và tôn vinh người thầy; đổi mới phương pháp giảng dạy; bồi dưỡng định kỳ giáo viên là rất cần thiết…

Bày tỏ đồng tình với những ý kiến này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Vấn đề phát triển đội ngũ giáo viên, phát triển cơ sở đào tạo giáo viên, kể cả điều kiện cho giáo viên tiếp thu cái mới quyết định chất lượng. Nếu “máy cái” chưa được chú trọng thì chất lượng GD khó đi lên.

Thủ tướng cũng đề cập đến vấn đề khởi nghiệp và yêu cầu sớm đưa vấn đề này vào chương trình giảng dạy các trường một cách sâu sắc và thực tế hơn. Với xét công nhận chức danh GS, PGS, Thủ tướng lưu ý cần chặt chẽ hơn, rõ hơn về tiêu chí, chất lượng các tiêu chí; đòi hỏi chất lượng cả ứng viên và chất lượng thành viên hội đồng phải cao hơn; minh bạch công khai; từ đó yêu cầu Bộ GD&ĐT tiếp thu ý kiến trước khi Thủ tướng Chính phủ TTCP xem xét, quyết định.

Nội dung tự chủ ĐH, Thủ tướng cho rằng cần có bước đi và cách làm hết sức chặt chẽ. Đề nghị Bộ GD&ĐT tổng hợp, nghiên cứu đề xuất để có cách hiểu thống nhất, cách chỉ đạo thống nhất hơn, hướng tới tiếp cận mới áp dụng tự chủ đại học. Trước hết chọn một số trường để thí điểm, sau đó rút ra kết luận, nhân rộng. Thủ tướng đồng ý với ý kiến một số thành viên Ủy ban, Hội đồng là tự chủ về học thuật, tự chủ về tổ chức, tự chủ về tài chính. Trong đó nhấn mạnh tự chủ tài chính không có nghĩa là nhà nước không đầu tư nữa mà đơn cử là trường có quyền quyết định mức lương trả cho giảng viên khi mời họ về giảng dạy…

Về chương trình, SGK GD phổ thông, theo Thủ tướng, đây là vấn đề khó, đề nghị Bộ GD&ĐT thực hiện nghiêm Nghị quyết Quốc hội về lộ trình thực hiện đổi mới chương trình, SGK; phê duyệt ban hành chương trình GD phổ thông mới… Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ cần phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT, địa phương trong đảm bảo điều kiện cần thiết về giáo viên, cơ sở vật chất triển khai thực hiện chương trình, SGK mới.

Đại biểu tham dự phiên họp chụp ảnh lưu niệm
Đại biểu tham dự phiên họp chụp ảnh lưu niệm 

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: GD cần có lộ trình rất xa, rất kiên trì, bước đi rất phù hợp. Liên quan đến những vấn đề Thủ tướng nêu, Phó Thủ tướng đề cập trước tiên đến đội ngũ giáo viên và cho rằng với vấn đề này, chúng ta hoàn toàn tự chủ được đầu vào và đầu ra. Quan trọng nhất là SV Sư phạm ra trường có việc làm; mức lương tương đối ổn định, nhưng ngay khi ra trường phải đủ sống. Hệ thống các trường Sư phạm cũng cần sắp xếp lại, không cần quá nhiều trường như hiện nay.

Về chương trình, SGK, Phó Thủ tướng chia sẻ: Tinh thần lớn nhất của chương trình lần này chúng ta vẫn nói rất nhiều là GD phải nhắm đến phát triển con người nhân văn, khai mở trí tuệ, có sức sáng tạo; tiếp đó là lòng yêu nước, ý thức dân tộc, ý thức công dân toàn cầu.

Với vấn đề tự chủ ĐH, theo Phó Thủ tướng, quan trọng nhất là tự chủ học thuật; tự chủ từ trường đến bộ môn, giáo viên, đến người học. Ở phổ thông, cần đổi mới quản lý trường phổ thông, phải phát huy dân chủ. “Hiện nay, quản trường mầm non, tiểu học, THCS chủ yếu là quận. Quyết định thuyên chuyển giáo viên nào cũng chủ yếu là cấp quận; trong trường chủ yếu là hiệu trưởng, còn tập thể giáo viên, tập thể phụ huynh, HS chưa vào cuộc; tập thể cộng đồng dân cư chưa vào cuộc giám sát. Đó là điều chúng ta phải làm, chỉ có vậy môi trường GD mới thay đổi được” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Chúng ta đang xây dựng kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhưng chúng ta không chạy theo xã hội thị trường. Phát triển kinh tế rất cần thiết, nhưng cuối cùng phục vụ người dân là GD và y tế, vì liên quan đến mọi người, mọi nhà, là nền tảng quan trọng của sự phát triển đất nước. Chúng ta xây dựng những thế hệ công dân toàn cầu nhưng mang văn hóa, lịch sử và con người Việt Nam, không phải công dân toàn cầu của xã hội thị trường. Những vấn đề như vậy liên quan đến GD&ĐT sắp tới…

Vấn đề GD người lớn, tinh thần học tập suốt đời là vô cùng quan trọng, để chống sự trì trệ của đất nước, chống lại sự kém sáng tạo trong công việc. Vì vậy, phương pháp dạy và học cần thay đổi; nội dung học quan trọng nhưng phương pháp, kĩ năng học và xử lý thông tin quan trọng hơn.     Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.