Thực hiện Chương trình, SGK lớp Một: Giáo viên chủ động gỡ khó

GD&TĐ - Quá trình thực hiện Chương trình, SGK lớp Một, các trường tiểu học trên địa bàn thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

HS Trường Tiểu học Nam Hòa trong giờ học.
HS Trường Tiểu học Nam Hòa trong giờ học.

Nhưng với nỗ lực tiếp cận, linh hoạt nắm bắt phương pháp giảng dạy mới, nhiều thầy cô giáo đã chủ động gỡ khó, để có giờ dạy sáng tạo, hiệu quả, phát huy được tính tích cực của HS.

Chủ động với chương trình

Bà Nguyễn Thị Thủy - Phó Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh cho biết: Năm học 2020 - 2021, bộ sách lớp Một được các nhà trường lựa chọn là Cùng học để phát triển năng lực với các môn: Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên & Xã hội, Đạo đức, Mĩ thuật, Âm nhạc; bộ sách Cánh diều với môn Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm. Các bộ sách kênh hình đẹp, gần gũi với cuộc sống, dễ sử dụng, phù hợp cho việc dạy của GV và học của HS.

Quá trình dạy học với phương pháp phù hợp các nhà trường đáp ứng mục tiêu theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất HS. Qua các tiết học, các em được rèn luyện nhiều kĩ năng, phát huy tính tích cực, chủ động trong học tập. Các em hứng thú tham gia vào giờ học, nắm được bài, biết vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các tình huống gắn với thực tiễn cuộc sống.

Cô Đỗ Thị Bạch Liên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tiền An (xã Tiền An) chia sẻ: Nhà trường có 124 HS lớp Một. Để đáp ứng chương trình mới, nhà trường được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại như tivi, máy chiếu giúp GV khai thác hiệu quả kênh tài liệu, học hiệu của chương trình.

Theo cô Liên, quá trình dạy học, GV lớp Một gặp một số vướng mắc: Dạy phần vần trong một số tuần đầu do thời gian dạy ít hơn so với chương trình cũ, chưa được cấp phát bộ đồ dùng lớp Một; một số phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến việc học của con. Tuy nhiên, với nỗ lực tiếp cận, các thầy cô giáo từng bước tháo gỡ khó khăn, phát huy tính tích cực ở HS.

Với phương châm SGK không phải là pháp lệnh, GV Trường Tiểu học Tiền An đã có những cách làm sáng tạo trong từng giờ dạy mang lại hứng thú học tập cho HS.

Cụ thể, với 4 hoạt động trong bài mới (khởi động, khám phá, luyện tập, vận dụng); 3 hoạt động trong bài luyện tập, ôn tập GV không thực hiện tuần tự, cứng nhắc mà linh hoạt để HS có thể nắm bắt được kiến thức hiệu quả.

Với môn Tiếng Việt, nhiều thầy cô sử dụng thêm tranh ảnh ngoài bài để bài dạy sinh động, giúp trò tiếp cận và bật ra vần tốt hơn. Một số bài PowerPoint trên phần mềm có sẵn nhưng chưa có tranh ảnh để giải nghĩa từ cho HS đã được GV Trường Tiểu học Tiền An chủ động sưu tầm đưa vào các bài dạy.

HS lớp 1L, Trường Tiểu học Tiền An.
HS lớp 1L, Trường Tiểu học Tiền An.

Phân hóa học sinh

Năm học 2020 - 2021, Trường Tiểu học Ngô Quyền (phường Quảng Yên) có 4 lớp Một với 135 HS. Theo cô Đào Thị Hoa - Hiệu trưởng nhà trường, thực hiện Chương trình, SGK mới về cơ bản nhà trường gặp nhiều thuận lợi từ cơ sở vật chất đến đội ngũ.

Tuy nhiên, quá trình triển khai có nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong môn Tiếng Việt của bộ sách Cùng học để phát triển năng lực có một số bài hơi nhiều vần. Nếu như chương trình cũ chỉ có 2 âm, 2 vần nhưng chương trình mới có bài 3 - 4 vần/tiết. Với môn Toán, một số bài có kênh hình nhiều, lệnh đề dài khi làm bài tập khiến HS khó làm.

Một trong những khó khăn trong việc dạy học chương trình mới theo cô Hoa, đó là phụ huynh không nắm được chương trình, nôn nóng dạy chữ trước cho con dẫn đến hiện tượng không đồng đều kiến thức. Trước thực tế đó, GV nhà trường đã phân hóa HS thành nhiều nhóm, với những em còn chậm GV bồi dưỡng kỹ hơn ở buổi 2.

Cô Trần Thị Năm, GV lớp 1A, Trường Tiểu học Ngô Quyền chia sẻ: Với những bài nhiều nội dung và có những âm khó, tôi giảm yêu cầu đọc với HS tiếp thu chậm, cho HS vận dụng những câu ngắn. Cô Năm thường chủ động thời gian tiết học đối với những bài có phần âm, vần dài. Khi HS chưa hiểu bài, cô dành những phút cuối giờ ôn tập giúp các em bắt nhịp kịp cùng bạn trong lớp.

“Chương trình mới rất tốt theo định hướng phát triển năng lực phẩm chất của HS. Tuy nhiên, với phần âm kết thúc 5 tuần là hơi nhanh, phần vần nếu kết thúc ở tuần 18 - 19 thì hợp lý hơn”, cô Năm cho hay.

Cô Hoàng Thị Thanh Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Hòa (xã Nam Hòa) nêu quan điểm: Nhà trường nằm trên địa bàn khó khăn, đa phần cha mẹ HS làm công nhân không có thời gian chăm và dạy con.

Bước vào lớp Một, nhiều HS chưa nhớ hết mặt chữ cái nên rất khó khăn cho GV khi dạy, đặc biệt với những bài dài. Cô Hà bày tỏ, nếu như ở bậc mầm non, trẻ được làm quen thành thạo với chữ cái thì khi lên lớp Một, các em sẽ nhanh chóng tiếp cận với bài học hơn…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hãy đảm bảo rèm trong nhà bạn được mở vào ban ngày để tận dụng ánh sáng. (Ảnh: ITN).

Mách bạn mẹo tiết kiệm điện đơn giản

GD&TĐ - Dưới đây là 1 số bước đơn giản bạn có thể thực hiện để tiết kiệm tiền điện. Mặc dù nghe có vẻ dễ dàng nhưng thực tế chúng đòi hỏi rất nhiều kỷ luật.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hành lý tình yêu

GD&TĐ - Một lá thư thông báo nhập học vào Trường Sư phạm Linshui đang lấp lánh, như những ngôi sao nhỏ soi sáng con đường giáo dục tương lai của tôi.

Anh xích lô tên Tiến ở phố cổ Hà Nội giúp tác giả Nguyễn Vân Hậu (ngồi trên xich lô) tìm lại ký ức năm xưa. Ảnh: NVCC.

Thức dậy tình yêu Hà Nội

GD&TĐ - 'Hà Nội & Tôi' là cuộc thi do Tạp chí Người Hà Nội tổ chức, mừng 70 năm giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024).