Chống “sốc” cho học sinh
Những ngày đầu của năm học mới, cô giáo Trương Thị Hà (GV chủ nhiệm lớp 1/1, Trường Tiểu học Ông Ích Khiêm, Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) bận rộn với đủ thứ việc không tên. Chủ nhiệm lớp Một - được xem như là lớp “chuyển giao” giữa mẫu giáo và tiểu học nên cô giáo vừa phải chăm cho các em từ bữa ăn, giấc ngủ, thậm chí cả việc vệ sinh cho các em, vừa hình thành những thói quen mới trong sinh hoạt, học tập tại trường.
Cô Hà kể: “Có nhiều cháu vẫn còn khóc nhè, thậm chí là tè dầm, thưa kiện là chuyện thường xuyên. Rồi cũng có phụ huynh không yên tâm, thỉnh thoảng lại đến trường thập thò nhìn từ cửa sổ.
Với những cháu có khả năng tự lập thì không sao nhưng với cháu vốn được yêu chiều sẽ hay khóc. Tùy từng tình huống mà mình mềm mỏng hay nghiêm khắc để các con bắt nhịp được với bạn”.
Tập cho trẻ thích nghi với thức ăn trong bữa ăn bán trú ở trường Tiểu học cũng khiến cho các cô giáo lớp Một mất khá nhiều thời gian.
Vừa từ mẫu giáo lên Tiểu học, các em cũng chưa quen với nề nếp sinh hoạt, học tập tại trường nên nhiều cô giáo lớp Một kể, thời gian đầu của mỗi năm học, để rèn được học sinh vào nề nếp, nên cuối mỗi ngày, có không ít giáo viên thường bị khàn đặc tiếng.
Học sinh cái gì cũng hỏi, việc gì cũng thưa cô. Nhắc được em này thì em kia lại nghịch, có em ngồi trong lớp tùy hứng có thể hát hoặc la to, tự do di chuyển…
Cô Phan Thị Minh Châu (GV chủ nhiệm lớp 1/2, Trường TH Trần Văn Ơn, Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) chia sẻ: “Mình không thể yêu cầu các cháu ngay từ những ngày đầu đến lớp đã phải có nền nếp nghiêm túc được.
Cùng với việc cho các con làm quen mặt chữ, con số, từ buổi học đầu tiên mình bắt đầu hướng dẫn cho các con cách nhận biết các vật dụng sinh hoạt, đi nhà vệ sinh, rửa tay trước bữa ăn, ngồi vào bàn ăn ngay ngắn… Những bạn nào đến lớp muộn thì sẽ bị cô giáo đánh dấu đỏ vào bảng nề nếp, đưa lên bảng lớp trước khi bắt đầu giờ học buổi sáng để các em ý thức hơn trong việc đi học đúng giờ.
Nhiều khi cô giáo đang giảng bài, chỉ cần có một em xin đi uống nước thế là cả lớp đồng loạt đứng lên cùng đi uống nước. Dù cô giáo biết chắc chắn có nhiều em không không khát nước nhưng không trách mắng hay ngăn cản.
Khi các em trở về vị trí ngay ngắn, cô giáo mới bắt đầu giải thích và nhắc nhở để các em nhớ lần sau sẽ đi vệ sinh, uống nước vào giờ ra chơi”.
Theo như cô Minh Châu thì “Cô giáo cứ nhẹ nhàng vừa dạy, vừa dỗ từng tí một và phải nhất quán thì các em sẽ nhanh chóng thích nghi”.
Cô giáo Phạm Hoàng Liên Thảo (GV Trường Tiểu học Bạch Đằng, Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) thường dùng giờ nghỉ trưa để kiểm tra sách vở, đồ dùng học tập của HS “không phải phụ huynh nào cũng chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cần thiết cho con em, em nào thiếu thứ gì thì mình viết giấy kẹp ngoài bìa vở để phụ huynh bổ sung thêm” - cô Liên cho biết.
Hết giờ dạy ở trường, về đến nhà, cô giáo cũng còn phải giải đáp thắc mắc cho phụ huynh qua điện thoại. “Các con thường là hay quên hoặc truyền đạt không chính xác những gì cô giáo dặn dò, thế nên phụ huynh rất hay gọi điện thoại cho cô giáo để hỏi han.
Có khi mình phải trả lời gần chục cuộc điện thoại với cùng một nội dung, nhưng nói thật là chẳng khi nào thấy phiền hà, thậm chí còn mừng là đằng khác. Bởi phụ huynh có quan tâm chuyện học của con cái thì mới hỏi đến cô giáo”.
Nhưng vất vả nhất là những lớp có trẻ học hòa nhập, có em đang học bỗng dưng chạy ào ra khỏi lớp để… về nhà vì nhớ mẹ. Cô giáo lúc này phải chạy theo dỗ dành em vào lớp, vừa phải làm sao để quản lý cả lớp, tránh ồn ào vì ảnh hưởng đến lớp bên cạnh.
Và hầu như cô giáo lớp Một nào cũng tâm niệm rằng, quan trọng nhất trong những ngày đầu năm lớp Một là GV phải “chống sốc” để HS làm quen với môi trường mới, phương pháp học tập mới.
Nếu như ngay từ lớp Một, GV không tạo được cho trẻ hứng thú học tập cũng như sự tin tưởng về kiến thức và tâm lý thì chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.
Lớp học nền tảng của bậc học nền tảng
Cô Trần Thị Kim Bình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (Q. Sơn Trà - TP Đà Nẵng) cho biết: “Sự kiên trì, nhẫn nại, tỉ mỉ, tình yêu thương cũng như phương pháp giảng dạy của GV Tiểu học, nhất là GV lớp Một là rất quan trọng, bởi đây là sự khởi đầu cho việc hình thành hứng thú cũng như động cơ học tập trong mỗi học sinh.
Chính vì vậy, BGH nhà trường cân nhắc rất kỹ để lựa chọn những GV giàu kinh nghiệm, giỏi chuyên môn để phân công đảm nhiệm dạy lớp Một. Ngay từ đầu năm học, GV phải làm sao để phụ huynh có thể tin tưởng trao gửi con em của họ. Thế nên, cách giao tiếp của GV là rất quan trọng, làm sao để phụ huynh yên tâm và HS cảm thấy an toàn, không sợ đến trường”.
Cũng đồng ý với ý kiến này, cô Ông Thị Thái Hằng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Văn Ơn cho rằng, ngoài việc chọn giáo viên có thâm niên nghề, thâm niên dạy khối Một thì nhà trường ưu tiên chọn các GV có năng khiếu hát, múa, kể chuyện và hoạt náo để tạo cho các em cảm giác gần gũi, thoải mái và không bị sốc khi thay đổi môi trường học từ mẫu giáo lên lớp Một.
Khoảng thời gian đầu, bếp ăn của Trường Tiểu học Trần Văn Ơn luôn phải có những món ăn phù hợp với lứa tuổi vừa mới rời trường mầm non, bữa ăn trưa bán trú, khu vực lớp Một thường được tăng cường thêm người để hỗ trợ cho HS.
Nhà trường cũng cắt cử nhân viên túc trực thường xuyên tại khu vực nhà vệ sinh của khối lớp Một để hướng dẫn các em cách sử dụng nhà vệ sinh và có những hỗ trợ kịp thời trong những trường hợp cần thiết.
Cô Hằng kể, cách đây 5 năm trước, nhà trường có một trường hợp học sinh rất cá biệt. Em không chịu vào lớp, nhất nhất chỉ theo chân một cô giáo đang dạy lớp 5. Lúc đó không chỉ có cô giáo chủ nhiệm mà cả Ban Giám hiệu vào cuộc.
Sau mỗi giờ học, các cô thầy phân công nhau dắt bé đi quanh sân trường vừa trò chuyện, vừa dỗ dành. Mãi đến hết học kì I, bé mới chịu vào nề nếp học.
Trường Tiểu học Trần Bình Trọng cũng có một trường hợp HS cứ đến cổng trường là khóc, không chịu vào lớp học, lúc nào cũng phải “cưỡng chế” con từ xe vào đến lớp học. Thậm chí là có những hôm phụ huynh cũng phải đầu hàng vì con quyết liệt chống cự, GV phải “cầu cứu” đến cô Hiệu trưởng.
“Mình phải dùng đủ mọi cách để cháu tâm sự lý do vì sao ngày nào cũng khóc, sau thì biết là do cháu không thích đi học. Hỏi bây giờ con có muốn lên phòng cô Hiệu trưởng ngồi học không. Cháu gật đầu đồng ý, thế là ôm cặp sách lên phòng cô, cô làm việc cô sau khi hướng dẫn cho trò học bài. Nhưng học ở phòng cô thì buồn vì không có các bạn học cùng, thế là lại xin về lớp và thôi không khóc nữa” - cô Kim Bình kể.
Theo kinh nghiệm của cô giáo Phan Thị Minh Châu, thì HS lớp Một thích ứng với môi trường mới nhanh hay chậm một phần phụ thuộc vào sự phối hợp của phụ huynh.