Phụ huynh đồng hành
Thông thường, nhiệm vụ của giáo viên lớp Một khó khăn, nặng nề hơn đối với các khối lớp khác, bởi ngoài "dạy" còn "dỗ", uốn nắn để học sinh dần quen nề nếp mới. Vì thế, đội ngũ giáo viên lớp Một được các nhà trường lựa chọn đều là những người vững chuyên môn, có kinh nghiệm, nhẹ nhàng, khéo léo.
Năm học 2020-2021 đánh dấu bước ngoặt trong thực hiện Chương trình GDPT 2018, vì thế, sự phối hợp chặt chẽ giữa phụ huynh với giáo viên lớp Một trong việc rèn nề nếp, giúp các em làm quen với trường lớp, thầy cô, bạn bè và bắt nhịp tốt với chương trình là vô cùng quan trọng.
Cô giáo Đặng Thị Liên-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngũ Phúc (xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy) cho hay, nhà trường có 131 học sinh lớp Một, bố trí đủ 1.5 giáo viên/ lớp. Năm học này bước vào thay sách trong bộn bề khó khăn. Do dịch bệnh mà học sinh không được đến trường trong tháng 8 như mọi năm để làm quen với nhà trường, thầy cô. Nhiều học sinh còn bỡ ngỡ, ngơ ngác chưa quen với nếp sinh hoạt mới.
Trường Tiểu học Ngũ Phúc chưa họp phụ huynh do điều kiện trường lớp đang xây dựng nhưng riêng khối lớp Một nhà trường yêu cầu giáo viên gặp phụ huynh để trao đổi trực tiếp về việc phối hợp trong việc dạy kèm con, nhất là việc đưa trẻ vào nề nếp.
Cô giáo Nguyễn Thị Minh Phương- Giáo viên chủ nhiệm lớp 1C, Trường Tiểu học Ngũ Phúc chia sẻ, ngay từ buổi đầu đón học sinh vào lớp, cô Phương đã mời phụ huynh ngồi cùng con để nghe cô phổ biến nội quy lớp học. Qua buổi tiếp xúc đầu tiên, cô giáo hướng dẫn phụ huynh cách sử dụng sách, cách đánh dấu trang, cách đánh vần. Chương trình mới nhẹ nhàng nên phụ huynh dễ phối hợp với cô để kèm con.
Sau bài dạy đầu tiên về quy ước lớp học, cô Phương dẫn học sinh đi tham quan nhà trường, giới thiệu khuôn viên; cho các con thăm và hướng dẫn các sử dụng nhà vệ sinh.
Chị Trần Thị Lan ( phụ huynh Trường Tiểu học Ngũ Phúc) chia sẻ, năm nay con gái chị Lan vào lớp 1, con còn quen nếp sinh hoạt của bậc mầm non nên việc dậy sớm đi học hay học bài buổi tối còn khó khăn. Năm học này do các con học chương trình mới nên chị khá lo lắng và loay hoay tìm cách dạy con cho phù hợp. Khi con nhập trường, qua trao đổi với cô giáo chủ nhiệm, được cô giới thiệu về sách, chị Lan thấy chương trình học nhẹ nhàng, dễ hiểu từ đó việc phối hợp với cô dạy kèm con ở nhà cũng dễ dàng hơn.
Học sinh vào nếp
Cô giáo Nguyễn Thị Lan- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Phong, huyện Kiến Thụy cho hay, qua 3 tuần đầu của năm học, học sinh lớp Một đã dần quen với nếp học mới của nhà trường. Nếu như những ngày đầu đến trường có em còn khóc, ngập ngừng không muốn vào lớp nhưng đến nay các em đã quen, đi học đúng giờ, hào hứng vui chơi cùng bạn. Đặc biệt, chương trình mới có kiến thức nhẹ nhàng, phù hợp lứa tuổi khiến học sinh hứng thú và tiếp cận nhanh hơn.
Hơn 20 năm công tác trong ngành giáo dục, cô giáo Phạm Thị Hải- Giáo viên chủ nhiệm lớp 1A3, Trường Tiểu học Tân Phong có nhiều năm kinh nghiệm dạy lớp Một. Để uốn trẻ quen với giờ giấc học tập cô Hải thường dùng các quy ước, hiệu lệnh trong lớp học, nhắn tin cho phụ huynh về giờ giấc, lịch học của các con. Qua nhóm Zalo của lớp, cô Hải thường xuyên thông tin tình hình học tập của các con để phụ huynh nắm được, cùng cô kèm con cho hiệu quả.
Cô giáo Nguyễn Thị Lâm- Khối trưởng khối Một, Trường Tiểu học Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy chia sẻ, năm nay học sinh lớp Một không có "bước đệm" để làm quen trường lớp nên thầy cô thêm phần vất vả. Nhiều trò không biết cầm bút, chưa đọc thạo bảng chữ cái, thầy cô vừa dạy học chính vừa tạo "bước đệm" để con khỏi bỡ ngỡ. Một thời gian ngắn, cùng sự nỗ lực thầy cô, sự hợp tác của phụ huynh, nề nếp học sinh lớp Một ổn định, các em vui vẻ đến trường, hào hứng học tập.