Giáo án mở
Trong khi các lớp học khác của bậc Tiểu học của TP Đà Nẵng đã có 3 tuần thực học thì HS lớp Một mới chỉ thực học chưa đầy 2 tuần. Hai tuần học online sau khai giảng năm học, HS lớp Một gần như không học được gì nhiều nên khi đến trường trở lại, cô và trò mới bắt đầu tuần làm quen.
Cô Ông Thị Thái Hằng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (Quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết: “Khi HS đến trường trở lại thì lại có đến một tuần chỉ dạy học 1 buổi/ngày. Trong 3 tuần đầu, GV rất vất vả vì phải chuyển tải nội dung của 2 tuần học trực tuyến. Rồi HS lại nghỉ học do ảnh hưởng mưa bão. Chính vì vậy, BGH nhà trường đã trao quyền cho GV trong lên bài giảng, miễn làm sao đến hết tuần 8 đuổi kịp chương trình là được”.
GV Trường Tiểu học Lê Lai (Quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) được chủ động xây dựng phân phối chương trình, có thể dạy thêm tiết dựa trên thực tế tiếp nhận của HS. “Tùy vào tình hình thực tế của HS trong lớp, GV xây dựng yêu cần cần đạt, BGH dựa vào đó là để kiểm tra, đánh giá. Trung bình một tuần sẽ có 12 tiết Tiếng Việt, 3 tiết Toán nhưng GV có thể dạy tuần này 15 tiết Tiếng Việt, sang tuần sau có thể dạy 10 tiết Tiếng Việt, miễn làm sao đáp ứng được yêu cầu cần đạt là được” – cô Trần Thị Tường Vi, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Nếu trước đây, mỗi bài, HS chỉ học 2 âm vần thì nay có đến 4 âm vần. Chương trình mới có xu hướng tăng nội dung học trong ngày thay vì dàn trải nên sẽ có cảm giác nặng hơn chương trình cũ. Như sách Tiếng Việt của bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống thì tuần 18 đã kết thúc phần học vần, trong khi chương trình cũ phải đến tuần 23 mới xong.
Cô Phan Thị Hồng Trang – GV chủ nhiệm lớp 1/2 chia sẻ: “Theo như các video dạy mẫu thì mỗi bài sẽ có 2 tiết dạy. Tuy nhiên, tùy theo thực tế tiết dạy ở trên lớp, căn cứ vào khả năng tiếp nhận của HS của mỗi bài học cụ thể, GV có thể kéo dài một số nội dung bài dạy để đáp ứng mục tiêu HS đọc thông viết thạo. SGK không còn là pháp lệnh mà chỉ là ngữ liệu để giảng dạy, do đó, GV có thể chọn lọc một số nội dung để dạy chứ không phải “tải” hết toàn bộ. Từ các nội dung trong SGK, GV chủ động chọn những nội dung gì để tổ chức dạy – học ở tiết chính, những gì sẽ dạy ở tiết luyện tập”. Giáo án, vì vậy phải là giáo án mở. “Đôi khi có những bài, GV chủ động soạn bài 2 tiết. Nhưng thực tế giờ học, nhiều em đọc chưa thành thạo, viết chưa đúng, GV phải cầm tay hướng dẫn HS viết thì buộc phải kéo dài thêm tiết.” – cô Trang cho biết.
Ứng dụng CNTT vào giảng dạy
Thầy Nguyễn Văn Dũng - Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) cho biết: Do yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (CTCDPT 2018) là ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ngay ở lớp 1, nhà trường đã tổ chức tập huấn cho tất cả các giáo viên khối lớp 1 nhằm bảo đảm việc dạy cho HS được triển khai kịp tiến độ của chương trình đề ra.
Cô giáo Nguyễn Thị Việt Hoa, GV chủ nhiệm lớp 1/3, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi nhận xét: Đối với sách giáo khoa mới theo CTCDPT 2018, đối với các trường có đầy đủ hệ thống trang thiết bị CNTT thì sẽ rất thuận lợi cho giáo viên và HS. Từ hệ thống tranh, ảnh, giáo viên sẽ khai thác hết cho HS. Tuy nhiên, điều kiện hiện nay của trường vẫn còn thiếu thốn, chưa đáp ứng được về cơ sở vật chất CNTT, do vậy việc dạy học gặp khó khăn. “Do ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19 nên thời gian đầu đi học, HS chỉ học 1 buổi/ngày, không có buổi thứ 2 để học các tiết luyện tập, tăng cường… HS vừa mới học 2 buổi/ngày được hơn một tuần thì lại tiếp tục nghỉ học do mưa bão. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho phụ huynh cảm giác chương trình nặng".
Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành (Quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) phân tích: “Với chương trình mới, HS học và đánh vần với từng chữ cái của bài và nhận diện trực quan những hình ảnh liên quan đến chữ cái đó. Từ những bức tranh sinh động, các em sẽ nhận diện âm mới mà mình sẽ học hoặc tìm ra từ tương ứng với âm đã học. Phương pháp trực quan sinh động này giúp kích thích sự tìm tòi, sáng tạo cũng như giúp HS khắc ghi được kiến thức”.