Thực hiện Chương trình GDPT mới tại ĐBSCL: Sách đi trước, thiết bị lững thững… theo sau?

Các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cơ bản hoàn tất cung ứng SGK lớp 1. Trong đó, đối tượng học sinh nghèo, học sinh hoàn cảnh khó khăn được quan tâm, hỗ trợ… Tuy nhiên, trang thiết bị dạy học đi kèm lại vướng nhiều thủ tục.

Các địa phương khẩn trương cung ứng đầy đủ SGK lớp 1 trước ngày khai giảng.
Các địa phương khẩn trương cung ứng đầy đủ SGK lớp 1 trước ngày khai giảng.

Sách đến tay HS   trước ngày khai giảng

Tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tiến độ chọn SGK lớp 1 và việc in ấn, phát hành sách. Tuy nhiên, ngành Giáo dục các địa phương ở ĐBSCL đã kết hợp với các đơn vị xuất bản cung ứng SGK trước 15/8. Một số địa phương cung ứng sách về các trường tiểu học theo danh sách đặt mua. Một số nơi phát hành qua hệ thống Công ty sách thiết bị trường học. 

Ông Lê Thanh Long, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ) cho biết: “Các nhà xuất bản đã chuẩn bị đầy đủ SGK lớp 1 và cung ứng đầy đủ đến từng trường và phụ huynh học sinh có con học lớp 1 trước ngày 15/8. Với học sinh khó khăn, sở đã có kế hoạch hỗ trợ để tất cả học sinh lớp 1 năm học 2020 - 2021 có SGK trước ngày khai giảng”. 

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, từ ngày 10/8, SGK lớp 1 đã có mặt tại các trường tiểu học trên địa bàn. Ông Huỳnh Thành, Giám đốc Công ty CP Sách - Thiết bị Đồng Tháp cho hay: Từ giữa tháng 7, công ty bắt đầu cung ứng SGK lớp 1 cho 300 trường tiểu học trên địa bàn và hiện đã hoàn tất. Trong 5 bộ sách, có trường chọn 2 - 3 bộ nên phải lên danh sách để đáp ứng đúng, đủ sách trước ngày 10/8… Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp cho biết thêm: Sở chỉ đạo các trường tiểu học trên địa bàn công khai danh mục SGK lớp 1, để phụ huynh biết, phối hợp cùng nhà trường chuẩn bị sách cho con em. 

Công tác cung ứng SGK lớp 1 ở tỉnh Cà Mau được khẩn trương triển khai. Năm học 2020 - 2021, toàn tỉnh cần  hơn 24.600 bộ SGK lớp 1. Ông Phạm Hoàng Gan, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Cà Mau thông tin: Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục chọn sách, tổng hợp gửi Bộ GD&ĐT và Nhà xuất bản theo quy định. Nhà xuất bản cũng  phối hợp với sở tổ chức tập huấn cho giáo viên dạy lớp 1. Còn theo đại diện Sở GD&ĐT Vĩnh Long, năm học 2020 - 2021 nhu cầu SGK lớp 1 toàn tỉnh khoảng 260.000 - 300.000 bộ. Trong đó, bộ sách Cánh diều chiếm khoảng 65%; bộ Chân trời sáng tạo chiếm khoảng 30%; các bộ còn lại chiếm khoảng 5%. Công ty CP Sách - Thiết bị Vĩnh Long đã cung ứng SGK lớp 1 đến tận các trường học.

Ngành Giáo dục các địa phương kết hợp với đơn vị xuất bản kịp thời cung ứng SGK trước 15/8.
Ngành Giáo dục các địa phương kết hợp với đơn vị xuất bản kịp thời cung ứng SGK trước 15/8. 

“Gỡ khó” thiết bị dạy học 

Đến nay, công tác chuẩn bị Chương trình mới lớp 1 đã cơ bản hoàn tất, tuy nhiên, một số địa phương gặp khó khăn về thiết bị dạy học. Nhiều trường học thiết bị dạy học đã cũ, lạc hậu, nhưng muốn trang bị mới lại “vướng” nhiều thủ tục. 

Đơn cử như TP Cần Thơ, qua rà soát, đánh giá theo danh mục thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ công tác dạy và học tại các trường tiểu học trên địa bàn, có khoảng 2/3 thiết bị còn sử dụng được. Trong đó, các thiết bị dạy học hư hỏng chiếm tỷ lệ khá cao (32,9%), chưa đáp ứng nhu cầu tổ chức các hoạt động giáo dục của học sinh và giáo viên. 

Theo ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, sở kiến nghị ưu tiên các điều kiện về cơ sở vật chất, bảo đảm tỷ lệ 1 phòng học/lớp, bàn ghế học sinh đúng quy cách đối với lớp 1. Đặc biệt, có đủ các thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 ban hành kèm theo Thông tư số 05/2019 của Bộ GD&ĐT. 

Tỉnh Đồng Tháp trong năm 2020 cũng dành riêng cho tăng cường cơ sở vật chất là 316 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư riêng cho cấp tiểu học là 126,2 tỷ đồng (270 phòng học, 274 phòng chức năng); mua sắm thiết bị 62,28 tỷ đồng; SGK và thiết bị dạy học lớp 1 là 13,67 tỷ đồng. Về cơ bản, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học đáp ứng việc triển khai chương trình lớp 1. Tuy nhiên, còn một vài địa phương thừa, thiếu cục bộ về phòng học. Toàn tỉnh cần thêm 177 giáo viên, số phòng học phải xây mới để dạy học 2 buổi/ngày (200 phòng)… Ông Trần Thanh Liêm, Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp trao đổi: Thực hiện Chương trình GDPT mới, yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được nâng lên trong khi nguồn lực của địa phương nói riêng - khu vực ĐBSCL nói chung còn nhiều hạn chế. Đề nghị Chính phủ xem xét có Đề án tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học riêng cho các tỉnh ĐBSCL để đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Khảo sát của Sở GD&ĐT Cần Thơ cho thấy: Thiết bị dạy học còn sử dụng được 7.558/11.264 (tỷ lệ 67,1%); hư hỏng nhưng có thể cải tạo sửa chữa được 1.550/11.264 (tỷ lệ 13,76%); hư hỏng hoàn toàn 2.156/11.264 (tỷ lệ 19,14%). 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ