Thúc đẩy sáng tạo bằng giao dịch bản quyền

GD&TĐ - Vi phạm bản quyền đã trở thành vấn nạn nhức nhối, đặc biệt với thị trường văn hoá - nghệ thuật ở Việt Nam.

Họa sĩ nhí Xèo Chu là 1 trong các nghệ sĩ tham gia sàn giao dịch NFT.
Họa sĩ nhí Xèo Chu là 1 trong các nghệ sĩ tham gia sàn giao dịch NFT.

Để khắc phục vấn nạn này, nhiều đơn vị hoạt động lĩnh vực văn hoá đã cho ra các sàn giao dịch bản quyền như: Sách, phim, ý tưởng… Tuy nhiên, tình trạng vi phạm bản quyền vẫn không giảm, mà chuyển hoá sang hình thức tinh vi hơn.

Thui chột sáng tạo vì bản quyền

Năm 2022, Việt Nam tròn 17 năm gia nhập công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật. Tuy nhiên, giao dịch bản quyền sách giữa các nhà xuất bản Việt Nam với quốc tế không chỉ hạn chế, mà còn xuất hiện các vấn đề phức tạp về bản quyền.

Công ty Tuttle-Mori Agency Thái Lan là đại lý bản quyền cho nhiều nhà xuất bản lớn trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, cho biết: Vấn đề đầu tiên mà các nhà xuất bản quốc tế lo ngại khi giao dịch bản quyền với Việt Nam vẫn là vấn đề sách giả, sách lậu.

Ông Lê Hoàng Thạch - Giám đốc Điều hành Voiz FM trong tọa đàm “Văn hóa đọc trong xu thế chuyển đổi số” tại đường sách Thành phố HCM, nói rằng: “Nếu kinh doanh mà không tôn trọng bản quyền sẽ không lớn được. Trong quá trình bảo vệ bản quyền, rất nhiều người dùng hoặc người đăng tải lên nói họ làm đúng nhằm mục đích phục vụ cộng đồng. Họ mượn cớ phục vụ cộng đồng để xâm phạm quyền tác giả và các nhà xuất bản”.

Có một điều tréo ngoe ở Việt Nam, nhiều khi người vi phạm bản quyền lại rất “vô tư” vì không biết mình vi phạm bản quyền. Thậm chí, người vi phạm lại không hề bị xử lý, và thiệt hại tất nhiên lại thuộc về đơn vị sản xuất hoặc tác giả.

Cuối tháng 2 vừa qua, tại Thành phố HCM diễn ra buổi workshop nói về những bất cập của các nhà làm sản xuất trong vấn đề sáng tạo nội dung. Bà Nguyễn Thị Cẩm Vân - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Fafilm, đơn vị phân phối và phát hành các nội dung giải trí, điện ảnh cho hay: Bỏ vốn ra để sản xuất một bộ phim, chương trình hoặc việc mua bản quyền phim nước ngoài, một tập phim cũng phải tốn từ 3000 - 4000 USD, thậm chí tới hàng chục nghìn USD.

Tuy nhiên, nhiều khi một bộ phim có bản quyền vừa phát sóng đã thấy xuất hiện trên một vài trang lậu. Đó là chưa kể đến việc tác giả nghĩ ra format chương trình, viết kịch bản phim và đem chào hàng cho một số đơn vị. Sản phẩm bị từ chối mua, nhưng một thời gian sau thấy xuất hiện tác phẩm na ná giống nhau.

Ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản khẳng định, việc không tôn trọng bản quyền đầu tiên sẽ ảnh hưởng đến chính những bạn đọc. Sau đó là giết chết nền xuất bản, giết cả tác giả.

Thực tế chứng minh, không chỉ trong ngành xuất bản mà cả hội hoạ, điện ảnh… nhiều nghệ sĩ phải bỏ dở sự nghiệp sáng tác, hoặc thui chột sáng tạo chỉ vì “ra tác phẩm nào, mất tác phẩm đó”.

Sàn giao dịch nội dung có bản quyền đầu tiên vừa ra đời.

Sàn giao dịch nội dung có bản quyền đầu tiên vừa ra đời.

Khó giải quyết triệt để

Ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, đánh giá: Đa phần các vụ việc vi phạm bản quyền chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính chứ không có mấy vụ được đưa ra tòa án phân xử. Chính thái độ không dứt khoát, nể nang của các đơn vị chủ quản về bản quyền đã dung dưỡng cho thói quen “dùng chùa” của người Việt. 

Trước thực trạng vi phạm bản quyền tràn lan, trong khi luật pháp chưa thể hoàn thiện khoả lấp kẽ hở - nhiều tổ chức đã cho ra đời các sàn giao dịch bản quyền, nhằm đảm bảo lợi ích và thúc đẩy sáng tạo.

Ngoài các sàn giao dịch bản quyền sách, công chúng Việt Nam còn biết đến sàn giao dịch tác phẩm nghệ thuật trực tuyến, như: Indochine Art, NFT… Mới đây, ngày 27/2 sàn giao dịch nội dung có bản quyền đầu tiên cũng được ra đời (Content.E).

Các sàn giao dịch bản quyền phần nào đáp ứng được nhu cầu trao đổi mua – bán tác phẩm. Đồng thời, cũng giúp các bên tiết kiệm thời gian trong việc tìm kiếm nguồn mua, bán tác phẩm đảm bảo các quy định của luật pháp.

Tuy nhiên, với những phức tạp trong hoạt động vi phạm bản quyền vẫn khiến giới nghệ thuật không khỏi băn khoăn. Bởi suy cho cùng, sàn giao dịch là nơi mua – bán, đảm bảo các vấn đề pháp lý, chứ không thể giải quyết triệt để nạn ăn cắp bản quyền.

Bà Minh Hương - Đại diện Conten.E, cho biết: Sàn giao dịch trên nền tảng số không giải quyết hết các vấn đề mà giúp hai bên kết nối cách minh bạch. Các kịch bản, format được chào bán chỉ mới là ý tưởng. Nếu thống nhất mua bán, hai bên sẽ cùng nhau bàn bạc để phát triển nội dung.

Hoạt động giao dịch mua bán bản quyền gắn liền với các hoạt động kinh tế, thương mại, văn hóa, du lịch, chính trị… Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề trong việc mua bán, như việc cạnh tranh về giá bản quyền, không thực hiện đúng điều khoản hợp đồng, in nhái, sao lậu. Đây là rào cản lớn nhất để những người hoạt động sáng tạo thực sự muốn cống hiến.

Đại diện Công ty Tuttle-Mori Agency Thái Lan, bà Pimolporn Yutisri cho biết: “Các nhà xuất bản quốc tế lo ngại về vấn đề sách lậu, họ mong muốn tỷ lệ sách lậu giảm xuống 0%”. Tuy nhiên, một số nhà xuất bản Việt Nam vẫn chưa đạt được mức tiêu chuẩn mà các nhà xuất bản quốc tế đặt ra.

Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, cho biết có rất nhiều nguyên nhân xoay quanh vấn đề bản quyền. Đầu tiên là vấn đề nhận thức, từ gia đình đến nhà trường. Thứ hai là cần hoàn thiện thể chế pháp luật. Thứ ba là sự vào cuộc của doanh nghiệp, các đơn vị này phải chủ động trong việc bảo vệ bản quyền của mình.

Đặt trong bối cảnh chung, các sàn giao dịch bản quyền ở Việt Nam hiện nay chỉ có thể hạn chế được mức độ vi phạm. Để thúc đẩy sáng tạo trong lĩnh vực văn hoá – nghệ thuật, còn cần đến sự chung tay vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị cũng như người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.