Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái bán dẫn Việt Nam

GD&TĐ - Để thu hút người học, nâng chất lượng đào tạo nhân lực cho ngành vi mạch, cần có chính sách hỗ trợ đồng bộ, dẫn dắt từ phía nhà nước. 

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì thảo luận với các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp về chính sách thúc đẩy nhân lực ngành công nghiệp chip bán dẫn.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì thảo luận với các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp về chính sách thúc đẩy nhân lực ngành công nghiệp chip bán dẫn.

Ngày 19/10, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở GDĐH Việt Nam.

Bức tranh nguồn nhân lực công nghệ bán dẫn

Hiện có trên 50 doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn mà trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao. Dự kiến, sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ sẽ có thêm nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam, trong đó chủ yếu yêu cầu nhân lực thiết kế vi mạch, hy vọng sẽ có đầu tư vào công nghiệp sản xuất.

Tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế, trong 5 năm tới khoảng 20.000 và 10 năm tới khoảng 50.000 từ trình độ đại học trở lên.

Hiện tại, số nhân lực thiết kế vi mạch có khoảng 5.000 người, theo giới chuyên ngành (đến từ các trường đại học kỹ thuật) thì nhu cầu đào tạo trong một vài năm tới khoảng 3.000 người/năm. Điều này phù hợp với dự báo của các chuyên gia kinh tế. Trong đó số tốt nghiệp sau đại học chiếm ít nhất 30%, bao gồm cả kỹ sư bậc 7, thạc sĩ, tiến sĩ.

PGS.TS Trần Mạnh Hà, ĐHQG TP Hồ Chí Minh đề xuất một số chính sách để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ngành công nghiệp chip bán dẫn.

PGS.TS Trần Mạnh Hà, ĐHQG TP Hồ Chí Minh đề xuất một số chính sách để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ngành công nghiệp chip bán dẫn.

Theo báo cáo của Vụ Đại học, Bộ GD&ĐT thì trong những năm qua Việt Nam đã có chính sách, truyền thông khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học mở rộng, phát triển các ngành đào tạo STEM, trong đó tập trung vào các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông (ICT), các ngành phục vụ nhân lực Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - AI, Bigdata,…

Trong giai đoạn 2019-2022, số tuyển mới sinh viên đại học khối STEM tăng trung bình 10% mỗi năm, cao hơn so với mức tăng trưởng chung 6,5%. Ba lĩnh vực có mức tăng trưởng trung bình hàng năm mạnh nhất là Máy tính và công nghệ thông tin (17,1%), Công nghệ kỹ thuật (10,6%).

Các trường đại học kỹ thuật công nghệ hàng đầu của Việt Nam đã tương đối sẵn sàng về năng lực đào tạo đáp ứng yêu cầu về nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn - vi mạch. Nhân lực về nghiên cứu, phát triển và sản xuất vật liệu bán dẫn: có các ngành đào tạo về hóa học, vật lý, vật liệu…. Nhân lực về thiết kế và sản xuất vi mạch có các ngành đào tạo phù hợp nhất là kỹ thuật điện tử, điện tử-viễn thông; các ngành gần bao gồm kỹ thuật điện, điều khiển và tự động hóa, cơ điện tử…

“Việc đào tạo có thể tuyển mới đào tạo từ đầu, hoặc sinh viên học các ngành gần có thể chuyển đổi để học chuyên sâu trong 1-2 năm cuối; hoặc kỹ sư đã tốt nghiệp các ngành gần có thể học bổ sung các khóa đào tạo từ vài tháng tới 1-2 năm để đáp ứng được yêu cầu của lĩnh vực bán dẫn - vi mạch” – ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ đại học cho biết.

Tuy nhiên do thị trường lao động về lĩnh vực bán dẫn - vi mạch mới manh nha hình thành, chủ yếu ở dạng tiềm năng, thách thức lớn nhất là làm sao thu hút được sinh viên theo học các chuyên ngành này và nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp. Điều này rất cần các chính sách hỗ trợ đồng bộ, dẫn dắt từ phía Nhà nước.

Đề xuất 3 nhóm chính sách hỗ trợ

Theo TS Nguyễn Trung Hiếu, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Chính phủ cùng các địa phương cần nghiên cứu tổ chức/phát triển tối thiểu 3 trung tâm công nghệ cao, đặc biệt ưu tiên đầu tư cho thiết kế vi mạch, công nghệ bán dẫn tại 3 khu vực Bắc - Trung – Nam. Có thể đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.

Trong đó, cần thiết lập tối thiểu 1 trung tâm để đầu tư máy chủ, mua bản quyền phần mềm thiết kế vi mạch của một số đơn vị như Synopsis, Cadence, Mentor Graphic), xây dựng mini Fab dùng chung cho các trường đại học.

Ngoài ra, cần có chính sách, quy định cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, thành lập, phát triển cơ sở sản xuất kinh doanh vi mạch bán dẫn ở Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp của Việt Nam.

Đối với các trường đại học, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ trường đại học đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, đội ngũ chuyên gia phục vụ đào tạo, nghiên cứu

Có chính sách về học bổng, học phí, ưu đãi tín dụng và các chính sách khác thúc đẩy người học quan tâm, kiên trì theo đuổi lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn. Đặc biệt, TS Nguyễn Trung Hiếu cho rằng, cần có quỹ Khoa học công nghệ, chương trình tài trợ nghiên cứu cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho rằng cần đẩy mạnh liên kết giữa các trường đại học và khối phổ thông để triển khai các hoạt động giáo dục STEM.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho rằng cần đẩy mạnh liên kết giữa các trường đại học và khối phổ thông để triển khai các hoạt động giáo dục STEM.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho rằng, với khối STEM, trường nào có có nhiều hợp tác với doanh nghiệp là một lợi thế. Nhà trường có một phòng máy được trang bị phần mềm thiết kế vi mạch Cadence theo chuẩn công nghiệp, có tất cả 15 licenses.

Nhờ vào chính sách hỗ trợ học thuật của một số hãng công nghệ lớn, sinh viên có thể tiếp cận các phần mềm thường được sử dụng trong đào tạo đại học… Về cơ bản, sinh viên sau khi học các môn học trên có thể hiểu rõ nguyên lý hoạt động và nguyên lý thiết kế của vi mạch, đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết: “Đà Nẵng đã chủ động, sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực chip bán dẫn và các ngành công nghệ khác nói chung đến thành phố để hoạt động dưới nhiều mô hình khác nhau, kể cả trong nghiên cứu thiết kế, đóng gói kiểm thử lẫn trong sản xuất, thương mại hóa sản phẩm”.

Tuy nhiên, theo như nhận xét của PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, nhà trường vẫn thiếu đội ngũ nhân lực chuyên sâu, chưa có chương trình đào tạo chuyên sâu. Cơ sở vật chất chưa theo kịp với sự phát triển của công nghệ và thiếu kinh phí đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nghiên cứu.

Vì vậy, Chính phủ và Bộ Kế hoạch đầu tư cần có chính sách đầu tư cơ sở vật chất, phần mềm hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu. Cần có licenses dùng chung cho các trường đại học thông qua Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và riêng cho các trường đại học trọng điểm. Có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển như đặt hàng nhiệm vụ KHCN cho các Trường ĐH, Viện nghiên cứu trọng điểm.

Ngoài ra, theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, cần đẩy mạnh chính sách thu hút người học. Trong đó, cần truyền thông để xã hội hiểu về ngành đào tạo và nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai; các trường đại học cần liên kết với khối phổ thông để đẩy mạnh giáo dục STEM, làm phong phú thêm nguồn tuyển sinh…

PGS.TS Trần Mạnh Hà, ĐHQG TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần có chiến lược cấp quốc gia về công nghệ bán dẫn để huy động các nguồn lực lâu dài. Ngoài ra, cần bổ sung mã ngành cấp 4 cho ngành thiết kế vi mạch ở cả đào tạo đại học và sau đại học. Đẩy nhanh mở thí điểm ngành thiết kế vi mạch cho các trường đủ năng lực. Đặc biệt, cần có cơ chế xác định chỉ tiêu phù hợp cho ngành thiết kế vi mạch ở cả tuyển sinh đại học và sau đại học. Xây dựng cơ chế phối hợp và chia sẻ phòng thí nghiệm dùng chung do kinh phí đầu tư rất tốn kém.

Ông Nguyễn Phúc Vinh, Giám đốc kỹ thuật Synopsys Việt Nam cho biết, hiện công ty có 200 bộ phần mềm để cung cấp cho đối tác như các cơ sở giáo dục đại học, học viện, doanh nghiệp. Ông Vinh gợi ý một số chính sách góp phần thu hút và nâng cao chất lượng nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn như cần đầu tư có trọng điểm và dài hạn cho các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm đào tạo phần công cụ thiết kế. Các chính sách đầu tư có thể kể đến như ưu đãi về học phí, học bổng cho sinh viên; lương và phúc lợi cho giảng viên cũng như chuyên gia giảng dạy.. Hằng năm cần linh động lựa chọn môn học chung theo yêu cầu doanh nghiệp. Ngoài ra, cần đẩy mạnh truyền thông về nhu cầu nhân lực cùng các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập, sử dụng nguồn tiền về thuế thu nhập để đầu tư về sáng tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ