Thúc đẩy năng lực sáng tạo cần thay đổi từ hệ thống giáo dục

GD&TĐ - Muốn thúc đẩy năng lực sáng tạo cần thay đổi từ hệ thống giáo dục. Đây chính là quan điểm của TS Ken Robinson, tác giả, nhà giáo dục, chuyên gia về sự sáng tạo nổi tiếng trên toàn thế giới.

Từ tâm trí - sức mạnh của sự sáng tạo
Từ tâm trí - sức mạnh của sự sáng tạo

Cuốn sách “Từ tâm trí - Sức mạnh của sự sáng tạo” của ông chính là sự chắt lọc các chiến lược đó, để bất cứ quốc gia, tổ chức nào muốn thúc đẩy sự sáng tạo cũng có thể nghiên cứu áp dụng. Những người làm trực tiếp làm công tác giáo dục như các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh cũng cần tham khảo cuốn sách này để nắm bắt được xu hướng đào tạo hiệu quả cho tương lai.

Theo TS Robinson, trí tưởng tượng là sự khác biệt đặc trưng của con người với toàn bộ thế giới động vật còn lại. Trí tưởng tượng cho phép con người xem xét quá khứ, hiểu biết rõ hơn về hiện tại qua nhiều lăng kính khác nhau, dự đoán tương lai bằng cách dự đoán các kết quả có thể xảy ra. Trí tưởng tượng cũng là nguồn sức mạnh sáng tạo vô hạn của con người.

Sự sáng tạo là việc đưa trí tưởng tượng tiến thêm một bước và thực hiện nó thành công. Nói cách khác, sáng tạo là trí tưởng tượng được áp dụng. Và nó không chỉ được áp dụng trong nghệ thuật, mà còn trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Có hai bước cho quá trình sáng tạo. Đầu tiên là tạo ra những ý tưởng mới và thứ hai là đánh giá những ý tưởng đó để phát triển, tinh chỉnh hoặc bác bỏ chúng. Không phải tất cả các ý tưởng sáng tạo đều được chấp nhận hoặc tán dương ngay lập tức. Có vô số nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà đổi mới có các ý tưởng bị chế giễu hoặc khinh bỉ, nhưng các thế hệ sau này đã khám phá lại và nhận ra giá trị của chúng.

Những ví dụ cụ thể được tác giả đưa ra trong cuốn sách sẽ là những gợi ý thiết thực cho các các nhà lãnh đạo từ trung ương đến địa phương, các chuyên gia hoạch định chính sách của chính phủ trong việc phát triển khả năng đổi mới sáng tạo của nền kinh tế cũng như giáo dục đào tạo.

Một số ý tưởng cũng có thể phù hợp và triển khai được tại các cơ sở giáo dục tư nhân hoặc cơ sở giáo dục quy mô nhỏ, trong đó  TS Robinson xác định và mô tả ba nhiệm vụ của việc giảng dạy cho sự sáng tạo gồm: khuyến khích, xác định và bồi dưỡng.

Cuốn sách “Từ tâm trí: Sức mạnh của sáng tạo” cũng là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho mọi thầy cô và phụ huynh, những người luôn đau đáu với việc đào tạo, nuôi dạy các con trở thành những công dân có năng lực cạnh tranh, có khả năng thích ứng cao trong xã hội đang thay đổi một cách chóng mặt như hiện nay.

“Từ tâm trí: Sức mạnh của sáng tạo” nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục cũng như kinh doanh. Nhận xét về cuốn  sách Wally Olins, nhà sáng lập công ty Wolff Olins viết: “Đây thực sự là cuốn sách đáng chú ý. Những đóng góp của cuốn sách cho việc phát triển nguồn nhân lực cũng giá trị như những gì mà cuốn sách Silent Spring của Rachel Carcon làm cho môi trường. Nó khiến bạn tự hỏi tại sao chúng ta cứ khăng khăng duy trì một nền giáo dục hẹp hỏi, cục bộ, hoàn toàn không phù hợp cho thế kỷ 21 và hủy hoại sâu sắc khả năng sáng tạo tiềm ẩn của con người”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.