Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, thời gian qua, Văn phòng Châu Á Thái Bình Dương, Tổ chức quốc tế Pháp ngữ đã hỗ trợ nhiều cho giáo dục Việt Nam như hỗ trợ tập huấn giáo viên tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM, hỗ trợ các trường giảng dạy tiếng Pháp.
Việt Nam hiện có một số trường phổ thông dạy tiếng Pháp cần sự hỗ trợ của tổ chức quốc tế Pháp ngữ. Đề án Ngoại ngữ Quốc gia đang xúc tiến biên soạn chương trình ngoại ngữ, cần sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, trong đó có OIF. Việt Nam là một thành viên tích cực của tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) và đây là cơ sở tốt để hỗ trợ lẫn nhau.
Cảm ơn sự đón tiếp nhiệt tình tại Bộ GD&ĐT, ông Chékou Oussouman cho biết, OIF luôn đồng hành với các chương trình dạy học ngoại ngữ tại Việt Nam. Để thực hiện công việc này cũng như để triển khai những hợp tác, cần tăng cường năng lực tiếng Pháp cho học sinh, sinh viên, giáo viên bởi điều này sẽ thúc đẩy sự hợp tác phát triển
Trong quá trình làm việc, OIF nhận thấy giới trẻ Việt Nam có nhu cầu biết nhiều hơn về Tiếng Pháp cùng nguyện vọng di chuyển trong khối Pháp ngữ trên thế giới để trao đổi học tập. Chính vì vậy, thời gian qua, OIF đã lập một đề án nhằm xây dựng những nội dung có thể truyền bá những thông tin lợi ích mà Pháp ngữ có thể mang đến cho giới trẻ.
“Làm sao để tiếng Pháp trở thành một ngoại ngữ hữu ích, hữu dụng, và qua đó có thể quảng bá được những tiềm lực tiềm năng của Pháp ngữ cho học sinh, sinh viên, làm sao có mục đích khởi nghiệp, hướng nghiệp được lồng ghép trong những tài liệu đó, theo chúng tôi là rất hữu ích. Bởi vậy, OIF muốn đồng hành hỗ trợ giới trẻ, để trong quá trình học, các em sẽ có đủ kiến thức hội nhập nghề nghiệp” - Ông Chékou Oussouman đề xuất.
Hoan nghênh những đề xuất của ông Chékou Oussouman, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhận định, Việt Nam và Pháp cùng cộng đồng Pháp ngữ đã có những kết nối tốt. Bộ GD&ĐT sẵn sàng phối hợp với Tổ chức quốc tế Pháp ngữ để triển khai dạy tiếng Pháp trong các trường đại học, trường phổ thông.
Thứ trưởng cho biết, Việt Nam đang xây dựng sách giáo khoa Tiếng Pháp trong chương trình giáo dục phổ thông mới để để học sinh có thể học tiếng Pháp tốt hơn. Ngoài chương trình, sách giáo khoa, Bộ đang xây dựng chương trình tiếng Pháp như ngoại ngữ 1, hệ 10 năm từ lớp 3 lên lớp 12.
Dự kiến theo kế hoạch, cuối năm 2020, chương trình sẽ xây dựng xong, thẩm định để trình lãnh đạo Bộ phê duyệt ngoại ngữ 1 tiếng Pháp. Sau khi chương trình được phê duyệt, Bộ GD&ĐT cần sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước trong đó có Tổ chức Pháp ngữ trong quá trình xây dựng sách giáo khoa tiếng Pháp.