Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận (bên phải) và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi (bên trái) chủ trì buổi gặp mặt |
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhiệt liệt chúc mừng các đồng chí đại sứ, trưởng cơ quan đại diện mới được Chủ tịch nước bổ nhiệm nhiệm kỳ 2015 – 2018.
Bộ trưởng nhấn mạnh: Hiện nay Việt Nam đang thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục – đào theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, chính vì vậy, Bộ GD&ĐT mong muốn với cương vị người đứng đầu các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, mỗi đồng chí đại sứ, trưởng cơ quan đại diện sẽ là cầu nối tốt nhất, hiệu quả nhất giúp tăng cường quan hệ hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với các nước trên mọi lĩnh vực, trong đó có giáo dục và đào tạo.
Các vấn đề cần được chú trọng quan tâm gồm: Quản lý và quản trị đại học; Cải cách chương trình, sách giáo dục khoa; Tăng cường năng lực đội ngũ quản lý cơ sở giáo dục; Hỗ trợ tài chính đầu tư cho giáo dục nhất là các đối tượng thiệt thòi; Xây dựng xã hội học tập và Giáo dục cho mọi người, tiếp cận giáo dục cho tất cả mọi người; Trao đổi học thuật; hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cao, tiên tiến; Công nhận trình độ đào tạo và chuyển dịch nhân lực, đáp ứng hội nhập quốc tế và khu vực, giúp chủ động tốt nhất cho Một cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015. Trao đổi và cấp học bổng với nhiều hình thức và trình độ đào tạo...
Bộ trưởng cũng đề nghị các đại sứ có những đề xuất giải pháp trong việc quản lý các lưu học sinh ở nước ngoài, Bộ GD&ĐT luôn luôn lắng nghe và thực sự cầu thị nhằm tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc tế về GD-ĐT.
Được biết, hiện có 5.240 lưu học sinh Việt Nam thuộc các diện học bổng do Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD&ĐT) quản lý và đang học tại 46 nước trên thế giới, trong đó có 2.325 tiến sĩ, 391 thạc sĩ, 67 thực tập sinh và 2.457 đại học.
Năm 2014, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á thứ 47 (SEAMEC 47) nhiệm kỳ 2013-2015, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã chỉ đạo, điều hành tích cực để hoàn thành một cách hiệu quả các hoạt động trong kế hoạch đề ra trong nhiệm kỳ.
Bộ GD&ĐT đã chủ trì đàm phán, ký kết được 8 văn bản hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trong đó có 2 điều ước quốc tế (cấp Chính phủ) và 6 thỏa thuận quốc tế (cấp Bộ).
Đồng thời, quảng bá ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam ra nước ngoài. Theo đó, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Ủy ban công tác người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức 1 lớp tập huấn cho giáo viên dạy Tiếng Việt, được Bộ Ngoại giao và các học viên tham gia lớp học đánh giá cao.
Bộ cũng đã đóng góp và tham gia tích cực vào các kỳ họp Ủy ban Liên chính phủ, Ủy ban Hỗn hợp hoặc hợp tác song phương với các nước: Australia, Anh, Campuchia, Nga, Cuba, Singapore, Trung Quốc... Đồng thời giải quyết hồ sơ, tổ chức và phối hợp tổ chức trao khoảng 20 Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục cho một số nhà lãnh đạo và chuyên gia nước ngoài.
Hiện có khoảng 10.000 người nước ngoài đang học tập tại Việt Nam, trong đó nhiều nhất là Lào (khoảng 9.000 lưu học sinh). Có hơn 100 chuyên gia giáo dục đang giảng dạy ở Châu Phi và Châu Á.
Lưu học sinh nước ngoài vào học tại các cơ sở đào tạo Việt Nam theo diện học bổng Hiệp định với các nước với quy mô hàng năm khoảng từ 600 đến gần 900 lưu học sinh từ hơn 20 nước: Angola, Ba Lan, Belarus, Bungaria, Campuchia, Cu ba, Kazakhstan, Hàn Quốc, Triều Tiên, Hunggary, Lào, Mông Cổ, Mozambique, Moldova, LB Nga, Palestine, Pháp, Rumania, Séc, Trung Quốc, Ukraine,...
Riêng năm 2014, số lượng sinh viên quốc tế đến học tại Việt Nam thông qua Bộ Giáo dục và Đào tại năm 2014 khoảng 1.000 lưu học sinh bao gồm cả lưu học sinh diện Hiệp định và tự túc.