Tham dự hội thảo có 50 đại biểu là nhà hoạch định chính sách và chuyên gia đến từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường đại học và tổ chức phi chính phủ 12 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương, gồm: Bangladesh, Bhutan, Campuchia, Indonesia, Nhật Bản, Lào, Maldives, Malaysia, Myanmar, SriLanka, Thái Lan và Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc UNESCO Bangkok Shigeru Aoyagi bày tỏ sự lo ngại về thực trạng nạn mù chữ ở người lớn ngày càng nghiêm trọng và sự thiếu quyết liệt của chính phủ các nước trong giải quyết vấn đề này. Hiện nay, trên toàn thế giới vẫn có hơn 758 triệu người trưởng thành mù chữ, trong đó 63% đang sống ở châu Á. Theo ông Shigeru Aoyagi, gần một nửa số quốc gia trên thế giới vẫn dành ít hơn 1% ngân sách giáo dục cho việc học tập của người lớn. Ông kêu gọi chính phủ các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như toàn thế giới cùng nhìn nhận lại tầm quan trọng của học tập suốt đời để có sự quan tâm và đầu tư đúng mức cho lĩnh vực này.
Nằm trong nỗ lực hỗ trợ các quốc gia thúc đẩy giáo dục người lớn và học tập suốt đời, với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, UNESCO Bangkok đã triển khai sáng kiến khóa học trực tuyến về trung tâm học tập cộng đồng và học tập suốt đời, nhằm góp phần đạt được Mục tiêu thứ 4 về phát triển bền vững thông qua chia sẻ tri thức, nâng cao năng lực của đội ngũ quản lý nhà nước, các giám đốc trung tâm học tập cộng đồng và chuyên gia giáo dục. Nội dung khóa học được phát triển thành 11 mô-đun có tính tương tác cao, với hơn 30 video hoạt hình ngắn, bài học thực tế và hàng trăm liên kết tới các nguồn tài nguyên liên quan.
Nội dung khóa học được phát triển thành 11 mô-đun có tính tương tác cao |
Được xây dựng dựa trên kiến thức và chuyên môn của các chuyên gia từ 11 quốc gia trong khu vực, tham khảo các ấn phẩm và nghiên cứu liên quan do UNESCO Bangkok cũng như các tổ chức đối tác công bố 20 năm qua, nội dung của khóa học trực tuyến đã phản ánh được những vấn đề cốt lõi của trung tâm học tập cộng đồng và học tập suốt đời. Các chủ đề chính bao gồm: Khái niệm cơ bản về học tập suốt đời, cách tạo ra sự lãnh đạo và quản trị hiệu quả, tài trợ cho giáo dục người lớn, các vấn đề và giải pháp cho người học có nhu cầu khác nhau, và các chương trình tương đương/khung bằng cấp quốc gia.... Các mô-đun cung cấp thực tiễn tốt và nghiên cứu trường hợp trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Các học viên nhận Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học trực tuyến |
Hội thảo đã cung cấp 8 trong số 11 mô-đun, mỗi mô-đun được thiết kế thành một phiên làm việc kéo dài một giờ, bao gồm cả thời gian thảo luận, trao đổi giữa các đại biểu tham dự. Thông qua các phiên làm việc, các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia chia sẻ về chính sách và hệ thống học tập suốt đời, trung tâm học tập cộng đồng, cấu trúc, quy trình giám sát và đánh giá, những thách thức mang tính đặc thù mỗi nước. Học viên cũng thảo luận về cách huy động hiệu quả tất cả các bên liên quan, bao gồm người học, chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và khu vực tư nhân, hướng tới thúc đẩy các chính sách và thực tiễn học tập suốt đời…
Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, PGS. TS Vũ Thị Tú Anh phát biểu tại hội thảo |
Thay mặt đoàn đại biểu Việt Nam tham gia hội thảo, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, PGS. TS Vũ Thị Tú Anh đánh giá cao nội dung cũng như phương thức triển khai khóa học trực tuyến do UNESCO Bangkok chủ trì xây dựng; cho đây là một trong những sáng kiến hiệu quả giúp thúc đẩy học tập suốt đời từ cấp cơ sở kết nối các nguồn lực trong khu vực.Khóa học trực tuyến hiện có thể truy cập miễn phí trên trang web: https://lll-olc.net/, ngoài tiếng Anh còn có 4 ngôn ngữ: Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.